Anh Chung sinh năm 1990, với tuổi đời còn trẻ như vậy, nhiều người nghĩ anh lại có thể say mê làm kinh tế đến vậy. Theo ông Lường Văn Thương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bó Mười, anh Chung là hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ nuôi con dê núi theo phương pháp nhốt chuồng, anh Chung không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu ở mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Mỗi năm, anh Chung xuất bán cả tấn dê thịt ra thị trường. Dê đực xuất chuồng anh Chung xuất bán với giá dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg. Nhu cầu dê thịt tăng cao vào các dịp lễ, tết, trong đó có Tết Nguyên đán.
Di chuyển trên con đường đất bụi mù rộng khoảng 2m giữa cái nắng chói chang theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bó Mười, chúng tôi có mặt tại nhà anh Lò Văn Chung. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, là một thanh niên người dân tộc Thái chững chạc, có dáng người cao ráo, tác phong nhanh nhẹn.
Mỗi ngày, anh Chung cho dê ăn 3 bữa: Sáng, trưa, chiều tối.
“Sống trên đời này phải làm những điều mình thích, mình đam mê mới hạnh phúc và thành công được” – anh Chung mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN bằng giọng dõng dạc.
Chưa kịp ngồi ấm chỗ, cứ mỗi phút, câu chuyện của chúng tôi lại bị ngắt quãng bởi tiếng kêu reng reng đặt mua dê ăn Tết của khách hàng vang lên không dứt từ chiếc điện thoại của anh Chung.
Theo anh Chung, dê núi có sức đề kháng cao nên chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng định kỳ đầy đủ thì sẽ phát triển rất tốt.
Nói chuyện điện thoại với khách xong, anh Chung thì thầm bên tai tôi bảo: “Nuôi dê bán dịp Tết này mới được giá cao chú ạ. Ngày nào tôi cũng phải chở hàng tạ dê núi xuống phố cho khách hàng, mọi công việc chuẩn bị đón Tết đều do vợ con gánh vác. Nói thật, muốn có Tết ấm phải có tiền. Mà đồng tiền mình làm ra tiêu nó cũng thấy sướng...”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Chung nhớ lại: Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, ký ức một thời tuổi thơ gian khó của tôi lại ùa về. Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông đông anh em, mỗi khi Tết đến chỉ ăn cơm độn sắn, độn ngô với rau rừng. Thời đấy chỉ cần no cái bụng là sướng lắm rồi.
Khu chuồng trại nuôi dê núi của anh Chung được chia thành 3 khu: Khu 1 nuôi lứa dê đạt trọng lượng trên 25 kg; khu 2 nuôi lứa dê nuôi lứa từ 15kg trở lên; còn lại nuôi lứa dê có trọng lượng khoảng 10 kg trở xuống.
Lớn lên, anh Chung lập gia đình ra ở riêng. Đất đai ở bản Nà Sành rộng mênh mông nhưng do canh tác cây ngô, cay sắn từ đời này qua đời khác nên đất đã khô cằn, trơ trọi. Năng suất ngô, sắn năm sau thấp hơn năm trước.
Không chịu sống cảnh khổ cực, anh Chung tính kế “đánh thức” vùng đất nơi mình sinh ra. Sau nhiều đêm trăn trở, anh Chung bàn bạc với vợ quyết định nuôi con đặc sản dê núi. Để có vốn mua con giống, anh Chung vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng.
Nhờ nuôi dê nhốt chuồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê của anh Chung phát triển rất tốt.
Vay được vốn, anh Chung tìm đến cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông xã Bó Mười học thêm kỹ thuật chăm sóc dê núi. “Nhìn bà con thả rông ra môi trương tự nhiên dê hay bị chết, còi cọc, không hiệu quả. Rút kinh nghiệm, tôi chuyển sang nuôi dê nhốt chuồng để tiện chăm sóc” – ông Chung chia sẻ.
Tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về bí quyết thành công trong việc nuôi dê, anh Chung cho biết: Dê núi ăn được nhiều loại cỏ tự nhiên, trong đó có nhiều cây thuốc Nam như: Cỏ kim, cỏ voi, lá chuối, lá sắn...Đặc biệt, người ăn phải lá ngón là chết, nhưng đàn dê ăn được cả lá ngón mà không chết.
"Thế nên, dê rất dễ nuôi, chỉ tốn cỏ, tốn lá rừng, chứ không tốn ngô, tốn thó, tốn cám như nuôi lợn, nuôi gà. Khi mua con giống phải chọn được con giống tốt, có thân hình cân đối, nhanh nhẹn; chuồng trại phải làm cao ráo, sạch sẽ; định kỳ tiêm phòng đầy đủ cho đàn dê; không cho dê ăn cỏ dính sương để tránh bị bệnh tiêu chảy…", anh Chung chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, kỹ thuật nuôi dê.
Theo anh Chung, dê núi chỉ ăn cây cỏ trong rừng nên chất lượng thịt rất thơm ngon, dịp cận Tết hầu như không đủ bán cho khách hàng.
Anh Chung luôn duy trì đàn dê từ 80 – 90 con. Mấy năm gần đây, nhờ nuôi dê bán đúng vào dịp cận Tết, anh Chung thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí con giống, thuốc thang anh Chung lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ đức tính cần cù, không chịu chùn bước trước khó khăn, từ hộ nghèo anh Chung đã bứt phá thành hộ khá giả, có đời sống sung túc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.