Tết "thiêng liêng" ở chốn kinh kỳ qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân

Hà Trang - Minh Đức Thứ tư, ngày 02/02/2022 09:11 AM (GMT+7)
Đã hàng chục năm trôi qua nhưng sâu trong tiềm thức, bà Nguyễn Hải Yến - "nhân chứng sống" đã gắn bó cả cuộc đời mình với Hà Nội - vẫn hiện lên một cách đầy sống động những ký ức về một thời Tết xưa "rạo rực" ở chốn kinh kỳ.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Hải Yến (SN 1942, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) là một trong những nhà nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, bà còn là ái nữ duy nhất trong số 3 người con của học giả Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974) - người sáng lập và là chủ bút tờ Tri Tân.

Tết "thiêng liêng" ở chốn kinh kỳ qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hải Yến (SN 1942, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) là một trong những nhà nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, bà còn là ái nữ duy nhất trong số 3 người con của học giả Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974) - người sáng lập và là chủ bút tờ Tri Tân. Ảnh: Minh Đức

Sinh ra trong gia đình danh giá có truyền thống khoa bảng, bà Yến chính là một người Hà Nội "gốc" đã gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Được thừa hưởng trọn vẹn nếp sống thanh lịch, nho nhã của người Tràng An xưa từ "cậu - mợ" thân sinh (cách con cái gọi cha mẹ trong những gia đình trí thức xưa) và vẫn duy trì nó tới tận bây giờ. Hơn ai hết, bà là người hiểu rõ và vô cùng trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong dịp năm mới. Xuân này, dù đã ngoài 80 nhưng bà vẫn cực kỳ minh mẫn, nhanh nhẹn và còn nhớ như in những ký ức sống động, rạo rực của ngày Tết cổ truyền xưa.

"Tết Hà Nội xưa luôn là những hoài niệm đẹp"

Đó là trải lòng đầu tiên của bà Yến khi nhớ về những ký ức cũ. Theo bà Yến cảm nhận, dịp Tết Nguyên đán chính là khoảng thời gian "nếp sống Hà Nội" hiện hữu một cách rõ nét nhất đời sống nhân dân.

Khi ấy, nhà nhà sẽ bắt đầu rục rịch chuẩn bị Tết từ ngày 23 tháng Chạp, bởi đây mới là lúc nhân viên công chức được cho nghỉ làm, học sinh bắt đầu nghỉ học. Sau khi tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, mọi người sẽ dần dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và sắm sửa mọi thứ để đón Tết.

Trong gia đình bà Yến, dọn dẹp nhà cửa trước Tết là việc chung của cả nhà nhưng sẽ được phân chia rõ ràng giữa "việc của đàn ông" và "việc của đàn bà". Cụ ông và hai anh trai phụ trách những việc nhang khói như thờ cúng tổ tiên, lau dọn ban thờ, tỉa chân hương... Trong nhà có người làm nhưng cụ ông đều tự mình làm lấy và chỉ bảo cho các con trai. Song song với đó, cụ còn lo chuyện chuẩn bị rượu, chè, ấm chén, bát đũa. Cụ bà có phần "vất vả" hơn khi phải quán xuyến việc bếp núc, đi chợ, sắm sửa quà Tết biếu họ hàng và bạn bè tâm giao.

Tết "thiêng liêng" ở chốn kinh kỳ qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân - Ảnh 2.

Bà Yến cùng “cậu”, “mợ” và hai anh trai đón tết năm 1950 tại căn nhà xưa - biệt thự số 21 Trần Hưng Đạo (nay là khách sạn The Lapis Hà Nội). Ảnh: GĐCC.

Ngày bé, bà Yến thường theo mẹ lên chợ Đồng Xuân mua đồ khô như miến dong, mộc nhĩ, măng khô, canh bóng, cùng rau củ, các loại thịt,... đủ để nấu cỗ cho suốt nhiều ngày Tết và mua đồ lễ đem dâng nhà thờ họ.

Chuẩn bị đồ lễ Tết ngày xưa đơn giản chứ không rườm rà như ngày nay nhưng vẫn đầy đủ, nhẹ nhàng, thể hiện sự tinh tế: Một thẻ hương trầm, một hộp mứt sen, một hộp chè Chính Thái (hay còn gọi là chè Tàu, chè Mạn - thức uống phổ biến ở những gia đình sung túc thời bấy giờ). Trà biếu được mua ở phố Hàng Ngang, đựng trong lọ thủy tinh và bọc bằng giấy bọc điều màu đỏ.

Trang hoàng nhà cửa đón Tết cũng là việc được vợ chồng học giả Nguyễn Tường Phượng rất coi trọng lúc sinh thời. Bà Yến tâm sự, hai cụ đều là người có lối sống giản dị nên răn dạy con cái trong nhà rằng: "Nhà cửa phải ngăn nắp, sạch sẽ, ngày Tết lại càng cần chú ý đến trang trí nhưng không được khoa trương, lòe loẹt".

Mẹ bà Yến thường lựa cành đào phai nhỏ, kích thước vừa phải với nơi bày trí trong nhà chứ không lựa cành to hoặc cao quá. Quan trọng là phải có thế đẹp, dáng cây thanh thoát, nhẹ nhàng. Bày biện thêm một lọ hoa cúc đại đóa và một bát hoa thủy tiên bày trên bàn tiếp khách. Tổng thể nhìn đơn giản mà vẫn phảng phất rõ không khí ngày Tết.

Video: Tết Hà Nội xưa qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân. Thực hiện" Hà Trang - Minh Đức.

Tinh tế trong từng cái ăn, cái mặc

Cả năm dù có túng thiếu, khó khăn đến đâu thì khi Tết đến xuân về, gia đình nào cũng cố gắng lo cho mâm cỗ được vẹn toàn nhất có thể với hy vọng năm mới no đủ, sung túc. "Thiêng liêng và ấm cúng vô cùng" - bà Yến khẽ cười khi nhớ về những cái Tết xưa, thuở cả gia đình bà còn sinh sống trong căn biệt thự ở số 21 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong hồi ức của bà Yến, mâm cơm cúng đêm giao thừa nhất định phải đủ "4 bát, 6 đĩa". Bốn bát bao gồm các món măng, bóng, nấm thả và canh rau cải. Sáu đĩa bao gồm gà luộc, giò lụa, chả quế, nem, mực khô xào và xôi gấc.

Trước cúng tổ tiên, sau khi cúng xong con cháu trong gia đình sẽ quây quần cùng nhau dùng bữa cơm tất niên. Mâm cỗ có nhiều món, được chia nhỏ vào từng bát, từng đĩa và đặc biệt chỉ bày biện vừa vặn chứ không bao giờ được chất đầy ú ụ. Khách khứa đến nhà, chỉ cần nhìn vào mâm cỗ là thấy được sự tinh tế, khéo léo của bà chủ.

Tết "thiêng liêng" ở chốn kinh kỳ qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân - Ảnh 4.

Bà Yến thuở thiếu thời (hàng trên, thứ hai từ bên trái sáng) cùng gia đình. Ảnh: GĐCC.

Là ái nữ duy nhất của học giả Nguyễn Tường Phượng, ngay từ nhỏ bà Yến đã được mẹ dạy dỗ nghiêm khắc, hiểu biết nữ công gia chánh. Cụ bà lại là người chuẩn mẫu phụ nữ truyền thống, hội tụ đủ công, dung, ngôn, hạnh nên không riêng con gái mà tất cả con cái trong nhà ai cũng được bà dạy dỗ nên người, thành tài.

"Mợ đẹp và nhẹ nhàng lắm, thanh lịch trong từng cử chỉ, lời nói cho đến cái ăn, cái mặc trong nhà" - bà Yến hồi tưởng về người mẹ thuở ấu thơ với đôi mắt sáng ngời.

Đến giờ, dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng trong ký ức, bà vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ thướt tha trong tà áo dài, nhớ cả từng chi tiết nhỏ nhặt nhất như "cái nón mợ đội", "cái khăn mợ quàng" hay "cái ví mợ cầm" lúc đi chợ.

Tết "thiêng liêng" ở chốn kinh kỳ qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân - Ảnh 5.

Phụ nữ Hà thành xưa đi lễ ngày xuân. Ảnh: Nguyễn Duy Kiên

Tết xưa chốn kinh kỳ là hình ảnh sớm mai mùng một, tiết trời dịu mát, người người thong thả xuống phố đi bộ du xuân, lác đác xen kẽ là vài chiếc xích lô hay xe kéo. Đàn ông thường vận âu phục, đi giày da bóng loáng, ăn mặc thời thượng mà vẫn phù hợp với lứa tuổi. Đàn bà sẽ mặc áo dài, khéo léo kết hợp với nữ trang, giúp tôn lên vẻ đẹp quý phái mà vẫn tao nhã, thanh lịch.

Để ý kỹ thì mới thấy cách phụ nữ Hà Nội xưa mặc áo dài cũng cực kỳ tinh tế: "Nếu là thiếu nữ sẽ mặc áo dài một màu cùng với quần trắng, quần không quá dày cũng không quá mỏng, nhẹ nhàng mà lại thướt tha, mềm mại. Còn nếu là phụ nữ đã có gia đình thì sẽ mặc áo dài với quần đen, khéo léo kín đáo mà vẫn sang trọng", bà Yến bồi hồi.

Một cái Tết nữa đã sắp đến. Năm nay, chưa tới ngày 23 tháng Chạp nhưng bà Yến đã sớm sắm một cành đào phai để bày biện trong phòng khách cho phảng phất không khí Xuân về. Cũng giống như mợ dạy ngày trước, bà lựa một cành đào nhỏ nhắn, không cần quá to nhưng thế phải đẹp, dáng cành thanh thoát, nhẹ nhàng, trông xa như thấy cả một góc gian nhà hồng rực lên dưới những tia nắng cuối đông. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem