Tết Việt Online - Xuân muôn nơi: Chúc mừng năm mới

Thứ tư, ngày 02/02/2011 20:47 PM (GMT+7)
Dân Việt - Một năm mới đã đến trong không gian mùa xuân thấm đẫm hạnh phúc, đầy ngọt ngào, ấm áp. Mời bạn đọc cùng Dân Việt cảm nhận hương vị Tết Việt ở khắp muôn nơi...
Bình luận 0
img
Pháo hoa trên trên quảng trường thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Bình Minh
img
Pháo hoa đón chào Xuân mới tại TPHCM. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Gia Lai: Múa cồng chiêng mừng xuân Tân Mão

Hoà chung không khí đón xuân Tân Mão, UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức lễ đón Giao thừa tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP.Pleiku. Buổi lễ diễn ra trong 45 phút với các chương trình biểu diễn cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc J’rai, Bahnar, múa lân và ca múa nhạc mừng xuân phục vụ nhân dân.

img

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo chính quyền tỉnh Stung Streng, Vương quốc Camuchia. Ông Ksor Phước, ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đến dự chung vui cùng các cấp Đảng ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai.

Ông Phạm Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã đánh hồi trống khai xuân cùng một tràng pháo hoa rực rỡ chào đón 15 phút đầu tiên của năm mới.

img
Đánh trống khai xuân chào đón thời khắc đầu tiên của năm mới

Cũng tại buổi lễ này, những vị khách tham dự cùng chính quyền địa phương, đại diện cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn đã tham gia uống rượu cần, đồng thời mở rộng vòng múa xoang đón xuân Tân Mão 2011.

img
Pháo hoa rực rỡ tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP.Pleiku, Gia Lai
img
Đêm pháo hoa đón chào Xuân mới 2011 tại Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội . Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
img
Đêm giao thừa, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), pháo hoa đón năm mới Tân Mão 2011 lung linh kênh xáng Xà No. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Sơn La: Cả ngàn người háo hức chờ xem pháo hoa

Bất chấp cái giá lạnh đang tăng cường, trước giây phút đón giao thừa sang năm mới 2011, cả ngàn người dân với đủ các loại phương tiện đã tìm đến chân đồi Khau Cả - trung tâm thành phố Sơn La đợi chờ giây phút sang năm mới. Khu vực ngã tư cầu 308 dưới chân đồi Khau Cả lần đầu tiên xuất hiện tình trạng tắc đường.

img
Cả ngàn người dân Sơn La háo hức chờ pháo hoa đêm giao thừa dưới chân đồi Khau Cả

Khi những quả pháo hoa đầu tiên vọt lên nền trời đen thẳm, cả ngàn con người ồ lên reo hò cổ vũ và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới. Cụ bà Lò Thị Hin, 78 tuổi, vui vẻ tâm sự: “Tôi đi xem pháo hoa mừng năm mới. Trong phút giao thừa đó, tôi thầm ước cho con cháu mình sang một năm mới an khang-thịnh vượng-hạnh phúc, đời sáng đẹp như những trái pháo hoa kia”.

Đây là năm Sơn La có nhiều sự kiện quan trọng: hoàn thành việc di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, phát điện tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La; góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của đất nước. Vì thế, không khí đón tết của Sơn La cũng tưng bừng, sôi động hơn những năm trước.

Hà Tĩnh: Hàng ngàn người về Ngã ba Đồng Lộc dâng hương

23 giờ đêm 30 Tết, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh lung linh trong ánh điện. Từng tốp người xua đi cái rét của ngày cuối năm hối hả về đây dâng hương.

img
Trung bình đêm giao thừa có hàng ngàn người dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Lan ở TP.Hà Tĩnh trên tay còn cầm bó hương và hoa vừa đến khu di tích cho biết: “Từ 5 năm trở lại đây, đêm giao thừa nào tôi cũng cùng các bạn về dâng hương và đón giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới tại Ngã Ba Đồng Lộc này. Về với Đồng Lộc những ngày đầu năm mới thật tuyệt vời. Tôi rất vui là bây giờ có rất nhiều bạn trẻ về Ngã Ba Đồng Lộc dâng hương và đi chơi Xuân đêm giao thừa”.

Ngày Tết ở Ngã ba Đồng Lộc nghi ngút khói hương và ngập tràn hoa tươi. Những bông hoa trắng tinh khiết được cắm đầy mộ và sắp đầy đài tượng niệm mười nữ thanh niên xung phong.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý khu di tích ngã ba Đồng Lộc cho biết, mặc dù năm nay trời rét đậm nhưng người dân về dâng hương đêm giao thừa ở Đồng Lộc rất đông.

Đầu xuân về với Ngã ba Đồng Lộc, hái một nhành lộc xuân, chụp với nhau một kiểu ảnh… đã trở thành nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá của người dân Hà Tĩnh.

Đắk Lắk -Thời khắc giao thừa

img
 

Cái lạnh chưa từng có ở Tây Nguyên đã không ngăn cản được hàng ngàn người đổ dồn đến Quảng Trường TP Buôn Ma Thuột chờ đón thời khắc giao thừa.

Đây cũng chính là sự kiện mà người dân chờ đón trong đêm cuối cùng của một năm cũ. Bầu trời TP Buôn Ma Thuột rực sáng sắc màu của những chùm pháo hoa, đón nhận một năm mới đã đến.

Hà Đông vào xuân - Nhẹ nhõm và ấm áp

Đêm 30 Tết, Hà Đông – Hà Nội lấp lánh đèn các màu giăng trên cầu, trên các tuyến phố, trong công viên, từ nhiều cửa hàng vẫn mở đến tận Giao thừa, từ rất nhiều cánh cửa các gia đình mở rộng đón khí xuân đang tràn về.

img 
Cầu an khang năm mới tại Bia Bà

Nhiều nhóm rủ nhau lượn phố, nhiều nhóm thanh niên thả bộ chờ đến Giao thừa xem bắn pháo hoa. Trên cầu Trắng và đoạn phố Quang Trung dẫn vào trung tâm quận, nhiều người vẫn bán thú bông, bóng bay, nhiều cành lộc, cây mía lộc buộc ruy băng đỏ bán rất chạy.

Bia Bà ở La Khê, Hà Đông đèn hương thơm ngát, nhiều người đến cầu năm mới an khang, tài lộc. Những dãy hàng vàng hương trước cổng sáng bừng, tấp nập người mua kẻ bán, càng gần nửa đêm và sau Giao thừa, người đi lễ càng đông.

Nhà thờ Hà Đông và những ngôi chùa trên địa bàn cũng sáng đèn và lung linh hương, nến đón tín đồ, Phật tử từ xẩm tối. Suốt một tối, một đêm, không gian Hà Đông dâng lên niềm thành kính nhẹ nhõm và ấm áp.

Tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, 22 giờ 30 phút, trên các cung đường đèn hoa rợp trời cùng những biểu tượng cành đào, băng rôn, khẩu hiệu mừng Đảng mừng xuân… 

img
Cầu Bãi Cháy trong đêm giao thừa

Dòng người đổ dồn về quanh khu vực Cung văn hoá thiếu nhi và Khu vui chơi thanh - thiếu nhi Quảng Ninh phía Hòn Gai và Khu du lịch Thanh Niên Bãi Cháy, hàng ngàn người dân dồn về chen nhau chật cứng để cùng vui xuân, thưởng thức các chương trình văn hoá, văn nghệ và chờ đón những màn pháo hoa chào đón năm mới.

Hà Nội: Không khí xuân tràn ngập phố phường

img
Chuẩn bị mía lộc bán trên đường Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Đêm giao thừa, hàng vạn người từ nhiều nơi đã đổ về trung tâm thành phố Hà Nội để tìm một chỗ lý tưởng xem bắn pháo hoa, cùng chào đón giao thừa. Thủ đô thiêng liêng trong thời khắc đất trời chờ phút chuyển giao năm cũ và đón năm mới Tân Mão 2011.

Năm nay, thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn Thủ đô. Mọi tuyến phố dẫn đến các điểm bắn pháo hoa đông nghẹt người. Phải khó khăn lắm mới có thể di chuyển được trong dòng người đang nô nức mở hội.

Các phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ… vẫn là nơi tập trung đông người nhất. Quanh Hồ Gươm, nhiều chương trình xiếc tổng hợp, ca múa nhạc ngoài trời mang đậm nét văn hóa dân tộc cũng được tổ chức tại sân khấu Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Không khí đón tân xuân rộn rã khắp phố phường.

img
Lũ trẻ chọn đồ chơi chiều cuối năm tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Quốc Trung

Bên hồ Gươm chờ xem bắn pháo hoa, ông Võ Xuân Hùng, 78 tuổi, (phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) cho biết, đã nhiều năm nay, ông và gia đình, gồm 8 người với bốn thế hệ, đều cùng nhau đón giao thừa ở hồ Gươm.

“Cảm xúc đón thời khắc thiêng liêng, trọng đại của đất trời trong ánh sáng lung linh của pháo hoa rất khó tả. Tự cảm thấy thanh thản và trân trọng cuộc sống hơn” - ông Hùng bày tỏ. 

Với vợ chồng anh Nguyễn Đức Chiến (dốc Lương Yên, quận Hai Bà Trưng), vừa đón giao thừa vừa xem bắn pháo hoa và bán những cành lộc phục vụ người đi du xuân không còn là chuyện lạ. “Cũng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ, như là một khoản ‘lì xì’ đêm giao thừa, giúp cho giây phút mở đầu một năm mới của gia đình tôi được hanh thông”, anh Chiến cho hay.

img
 Ảnh: Quang Thái

Ở thị xã Sơn Tây, khu vực xung quanh thành cổ Sơn Tây trở thành một chợ hoa Tết. Ngày cuối cùng của năm, những người bán hoa tranh thủ bán nốt những cành đào cuối cùng để về nhà ăn Tết.

Phú Yên: Tràn ngập ánh đèn và sắc hoa đêm giao thừa

img
 

Trong đêm giao thừa, không khí Tết tại Phú Yên càng sôi động hơn. Trên đỉnh Tháp Nhạn, từng dòng người, những nam thanh nữ tú đang lên dắt tay nhau lên đỉnh Tháp Nhạn để được cảm nhận niềm vui tết một cách trọn vẹn khi được ngắm nhìn Tuy Hoà rực rỡ ánh đèn trong đêm giao thừa và thưởng thức màn bắn pháo hoa đặc sắc từ đỉnh Tháp Nhạn.

Dưới chân di tích Tháp Nhạn là chợ hoa thành phố Tuy Hoà, trước giờ giao thừa, mọi người đều đổ ra đường để đến chợ hoa, chọn cho mình một chậu hoa ưng ý nhất trong phiên chợ cuối cùng của năm để trang hoàng trong nhà ba ngày Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, người bán hoa ở thành phố Tuy Hoà cho biết: “Năm nay tiết trời lạnh kéo dài, người làm hoa khá vất vả nhưng vẫn không cho được những chậu hoa ưng ý nhưng bình quân mỗi nhà vườn cũng có thu nhập từ 15 đến trên 20 triệu đồng. Năm mới tôi chỉ cầu mong mưa thuận gió hoà để nhà vườn có cơ hội phát triển cây cảnh và mùa màng tươi tốt.”

Quảng Trường 1-4 của thành phố Tuy Hoà, từ 20 giờ đêm giao thừa, một chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Đảng mừng Xuân Tân Mão, mừng Phú Yên 400 năm với sự tham gia của gần 1.000 diễn viên đã diễn ra sôi động và hoành tráng.

Trong không gian của đền thờ Lương Văn Chánh- vị thành hoàng của đất Phú Yên nằm dưới chân Núi Cấm thuộc xã Hoà Trị, huyện Phú Hòa, mùi hương trầm thoang thoảng cả khu đền thờ, mâm ngũ quả cũng đã ấm nơi bàn thờ vị thành hoàng đất Phú. Trong đêm giao thừa, con cháu tộc họ Lương và đại diện chính quyền lại về di tích, dâng lên bàn thờ tổ những nén hương để tỏ lòng thành kính và mời ông về ăn tết với con cháu.

Ông Lương Sơn Bá, hậu duệ tộc họ Lương và cũng là người được tộc họ giao nhiệm vụ trông coi đền thờ cho biết: “Ngày cuối cùng của năm, với mọi người dân Việt Nam thật thiêng liêng. Riêng với bản thân, tôi thấy thật hạnh phúc và vinh dự khi được dâng lên tổ tiên mình, cũng là vị thành hoàng của Phú Yên nén hương để tỏ lòng thành kính và ước nguyện một năm mới làm ăn phát đạt, Phú Yên ngày càng giàu mạnh".

Nha Trang: Hoa xuân tràn ngập phố

Ngày cuối năm, Nha Trang không chút nắng. Tiết trời se lạnh mang đến cho thành phố “cát trắng nắng vàng” này một không khí Tết Bắc hiếm hoi. Đào không nở, mai chê tiết trời không ấm mà dùng dằng không bung cánh nhưng Nha Trang vẫn ngập tràn không khí đón xuân mới với hoa, hoa tràn ngập phố…

img
 

Thành phố Nha Trang đã chi 4 tỷ đồng để trang trí hoa đèn đón xuân và trạng nguyên đỏ là một trong những loại hoa chính được chọn.

img
 

Và một cái Tết an vui đang đến rất gần… 

Sơn La: Dịch vụ mổ lợn, gà cúng giao thừa đắt khách

img
 

Năm nay ở Sơn La nhiều hộ mua lợn cắp nách làm thịt ăn tết và cúng tổ tiên lúc giao thừa. Lợn cắp nách là loại lợn bản của đồng bào Mông, Dao, Thái, Mường... nuôi thả rông nên thịt ngon, ít mỡ, bì giòn, ăn nhiều vị ngọt mà không ngấy. Giá lợn cắp nách ở Sơn La năm nay đạt giá đỉnh vào chiều 30 Tết là 80.000 đồng/kg.

Đã 19 giờ tối mà trước tấm biển mổ gà-lợn thuê tối 30 của gia đình anh Toán ở tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Sơn La vẫn đông nghịt khách. Anh Toán phán: Con lợn kia giá mổ móc hàm, lòng giò sạch sẽ là 300 ngàn đồng, nếu tự làm lấy lòng thì giảm 50 ngàn. Còn hai con gà kia giá 40 ngàn đồng, 20 phút nữa là xong hợp đồng. Đắt hơn ngày thường một tý nhưng bà con phải thông cảm, lúc này ai chả muốn ngồi mâm rượu...

Không đợi khách mặc cả, anh Toán quay ngay vào đống gà đã cắt tiết đang đợi vặt lông. Tuy giá mổ thuê có đắt hơn ngày thường tới cả trăm ngàn đồng nhưng sau vài phút tần ngần, khách hàng cũng chặc lưỡi, hất lợn xuống khỏi yên xe, ngồi đợi.

Chị Chính - vợ anh Toán, chủ lò mổ lợn thuê đang loay hoay treo tấm biển vừa viết xong bằng phấn trắng với mấy chữ nghệch ngoạch trên tấm bìa cát tông: Không nhận hàng sau 9 giờ tối. Chị bảo: Nhiều người cứ bảo chúng em tham tiền, làm cả ngày cuối năm để gặt hái được nhiều. Nhưng thật ra nhiều người lắm tiền, nhưng lại chẳng muốn bẩn tay, vất vả nên họ cứ ào đến thuê, giá đắt cũng gật nên mình khó từ chối lắm.

Quảng Nam, Đà Nẵng: Rộn ràng du xuân trong rét lạnh

img
Cầu sông Hàn được trang hoàng lộng lẫy

Từ 19h, hàng ngàn người dân cùng du khách nước ngoài đã bắt đầu tấp nập kéo về bốn điểm: cảng Đà Nẵng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu); bờ đông sông Hàn (thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà - đối diện cảng Đà Nẵng qua sông Hàn); bờ tây sông Hàn (phía trước, bên trái khách sạn Green Plaza, thuộc phường Hải Châu 1, quận Hải Châu - đầu đường Lê Hồng Phong) và điểm trước Khách sạn Trendy Hotel, thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thuộc bờ đông sông Hàn), nhằm “xí chổ”, để có thể cùng nhau hòa vào không khí chào đón năm mới với bữa tiệc pháo hoa bên dòng sông Hàn.

Vào thời khắc 00h00 phút mùng Một tết Tân Mão, 2.000 quả pháo hoa sẽ bừng sáng trên bầu trời Đà Nẵng. 

Năm nay, người dân và du khách Đà thành đón cái Tết cổ truyền trong rét lạnh, tuy nhiên, trời không mưa nên không khí du xuân vẫn rộn ràng…

Chính vì vậy, từ 18h tối ngày 2-2 (30 Tết âm lịch), tại rất nhiều điểm như: phía trước UBND thành phố, đường Lê Duẩn, Hùng Vương, tượng đài 2-9, con đường hoa Bạch Đằng, các khu vui chơi… được trang hoàng lộng lẫy bằng các trụ đèn Led đổi màu, mô phỏng đài phun nước chiếu sáng rực rỡ…cũng đã thu hút rất nhiều người dân, du khách đến tham quan và vui chơi trong đêm giao thừa.

Cùng với Đà Nẵng, tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), cũng đã tổ chức bắn pháo hoa tại bốn điểm: khu vực công viên vườn tượng An Hội; khu đô thị mới An Bàng; khu đô thị Phước Trạch - Phước Hải; và đặc biệt là hơn 3.000 người dân ở đảo Cù Lao Chàm cũng đã được ngắm pháo hoa ngay tại cầu cảng Tân Hiệp (Cù Lao Chàm).

TPHCM: Một rừng hoa chào đón năm mới

img
 

Càng đến thời khắc giao thừa, dòng người đổ về các con đường chính của trung tâm quận 1 càng lúc càng đông. Một không khí tưng bừng, náo nhiệt và đầy hoa đang tràn ngập khu trung tâm Sài Gòn. Người người tản bộ trên đường Lê Lợi đến đường Nguyễn Huệ để được ngắm nhìn một bữa tiệc đầy hoa rực rỡ.

Không giống như mọi năm, năm nay trời Sài Gòn càng về đêm càng se lạnh. Đường Lê Lợi tràn ngập ánh sáng đèn và được chọn làm phố đi bộ. Chúng tôi hòa vào dòng người đi bộ trên đường Lê Lợi, đâu đâu cũng bắt gặp tiếng nói cười rộn rã. Không thể nào kiếm được một chỗ gửi xe cho thoải mái khi đường Lý Tự Trọng ken kín lối đi vì cơ man nào bãi giữ xe máy, xe ô tô chật cứng.

Theo Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist – đơn vị tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ) năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề chính là “Tầm Cao Mới”, được thiết kế gồm các phân đoạn Hồn Việt, Tết Phương Nam, Tầm Cao Mới, Xuân An Vui, Vào Mùa và Vườn Nhân Ái.

Ngay thời khắc giao thừa, toàn TP.HCM có 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm: Khu vực xưởng đóng tàu Caric (quận 2), Dự án Xây dựng Trung tâm Hành chính Quận 7 (P. Tân Phú, Q.7), Dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và bốn điểm ở tầm thấp gồm Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (quận 9), Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11), Huyện Cần Giờ và Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu thân 1968, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Hương Tết Việt ở Sydney

Cộng đồng người Việt ở Bankstown, phía tây nam Sydney, vừa chào đón năm mới với Hội chợ Tết tưng bừng, mang đậm hương sắc Việt.

Không chỉ có những tiết mục múa lân, múa rồng, nghinh ông Thần Tài của người Việt, người Hoa, Hội chợ Tết Bankstown năm nay thêm xôm tụ với rất nhiều màn trình diễn đặc sắc đến từ các nước như Uruguay, Ấn Độ, Hàn Quốc, các đôi nhảy Salsa đẳng cấp thế giới, trình diễn ảo thuật của hai nghệ sĩ Jerry và Peter, các giọng hát trẻ tài năng của thành phố Bankstown…

Ước tính có khoảng ba ngàn người tham dự lễ hội, nêm chật cứng đoạn đường chừng chưa đầy 500 mét.

Trẻ con thì có khu vui chơi riêng với đủ trò vẽ mặt, tranh cát, cầu trượt... Người lớn thì xúm quanh các quầy cắm hoa nghệ thuật, gói bánh chưng tại chỗ, các gian hàng Tết và bên dưới sân khấu trình diễn.

VYSA-TOKAI: Không đào, mai vẫn rạo rực đón Tết

Chi hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại vùng Tokai, Nhật Bản (VYSA–TOKAI) đã đón một cái Tết thật ấm cúng và quây quần bên những người bạn bản xứ dù không có hoa đào, hoa mai…

img
 

“Xuân và tình yêu 2011” là chủ đề cho buổi hội ngộ tất niên đón Tết Tân Mão của VYSA-TOKAI vào ngày 29-1 vừa qua. Đây vừa là dịp để các thành viên của VYSA-TOKAI đón Tết truyền thống, vừa là để dịp giao lưu và quảng bá nét đẹp của Tết Việt đến những người dân bản xứ.

Cái Tết của VYSA-TOKAI đã thực sự làm ấm lòng những người con đất Việt xa quê. Theo chị Nguyễn Thị Lan Hương, ủy viên Ban chấp hành của chi hội, “Xuân và tình yêu 2011” được tổ chức tại Trung tâm Trao đổi Pháp luật châu Á cuả trường Đại học Nagoya (tỉnh Aichi), địa điểm tổ chức thường niên của chi hội.

Lần đầu tiên được tham dự một chương trình có quy mô hoành tráng của VYSA-TOKAI, bạn Phạm Thị Thùy Trang, sinh viên khoa Môi trường, Đại học Nagoya đã thực sự bất ngờ. Trang tâm sự: “ Đây là Tết đầu tiên mình được tham dự "Xuân và tình yêu". Mặc dù mình thấy nhớ nhà, nhớ gia đình khi Tết đến, nhưng mái nhà chung VYSA-TOKAI đã đem lại cho mình cảm giác ấm áp và hạnh phúc”.

Du học sinh Việt tại Montpellier, Pháp đón Xuân

Như thường lệ, năm nay Hội sinh viên Việt Nam tại Montpellier, Pháp (AEVM) lại tổ chức cho toàn thể các bạn sinh viên đang học tập tại đây một chương trình đón Tết được chuẩn bị công phu với nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm ảnh “Nét đẹp Việt Nam”, trình diễn âm nhạc dân tộc, tổ chức trò chơi tập thể, và cùng với đó là nhiều món ăn đậm đà hương vị Việt.

img
 

Trước đêm hội chính, triển lãm ảnh đã được khởi động từ ngày 1-2 và kéo dài đến 5-2 tại Salle Rosa Lee Parks. Ngoài ra, vào lúc 18 giờ tối 2-2, tức là vào thời khắc giao thừa tại Việt Nam, các bạn cũng sẽ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại đây.

Không chỉ là dịp để tụ tập đón Tết với nhau, đây còn là cơ hội cho các du học sinh giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Nhiều sinh viên quốc tế qua các hoạt động như thế này mới biết bên cạnh Trung Quốc thì Việt Nam và một số nước khác cũng đón Tết nguyên đán (Chinese New Year) với những nét văn hóa đặc sắc riêng.

Bạn Võ Quỳnh Anh – một thành viên AEVM tâm sự: “Cùng với những người bạn đồng hương tập văn nghệ, múa, hát, đàn tranh… để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng, được tìm lại không khí thân quen ấy, tôi thấy lòng mình cực kỳ ấm áp giữa cái lạnh mùa đông nơi xứ người”.

Và một món ăn không thể vắng mặt trong phần “ẩm thực dân tộc” của chương trình đón Tết là bánh chưng. Mặc dù đã đặt mua khoảng 20 cái bánh chưng ở nhà hàng Việt Nam để phục vụ cho bữa tiệc đón Tết, tuy nhiên, các thành viên AEVM vẫn tự tổ chức gói một ít bánh chưng để “vui với nhau là chính”.

Lá dong và các nguyên liệu được các bạn tìm mua ở chợ tàu Paris Store nằm ở ngoại ô thành phố. Dù thêm bận rộn, nhưng rõ ràng là rất vui khi lại được hòa mình vào không khí rộn ràng chuẩn bị Tết như ở quê nhà.

Đồng cảm với nhau, các du học sinh ở Montpellier ai cũng muốn tổ chức một cái Tết thật ấm cúng, để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà trong mỗi người.

Du học sinh Việt tại Đài Loan làm nem đón Tết

Trường Đại học quốc gia Thành Công, nằm ở thành phố Đài Nam, Đài Loan, Trung Quốc, là trường đại học hàng đầu tại Đài Loan. Nơi đây đang có hơn 100 sinh viên Việt Nam theo học ở mọi chuyên ngành. Sinh viên Việt Nam có hội sinh viên riêng tại trường, gọi tắt là VSA-NCKU, cũng là hội sinh viên có truyền thống và lớn nhất tại hòn đảo xinh đẹp này.

img
 

Theo bạn Đinh Gia Bảo, sinh viên Việt Nam tại ĐH Thành Công, Tết Tân Mão 2011, Hội sinh viên VSA đã cố gắng tổ chức cho khoảng 20 anh chị em ở lại ăn Tết được đón một cái Tết thật ấm cúng, vui vẻ.

Du học sinh Việt tại Bordeaux, Pháp đón Tết

Làng Nho (UEVBx) là tiếng gọi thân thương, là ngôi nhà chung của hơn 200 du học sinh, sinh viên Việt Nam tại thành phố Bordeaux.

img
 

Như thường lệ, mỗi dịp xuân về, “dân Làng Nho” lại nô nức chuẩn bị đón Tết. Những thành viên nhiệt tình của UEVBx vừa tập văn nghệ, vừa dọn dẹp và trang hoàng ngôi nhà chung của Hội, vừa tập múa lân...

Năm nay, theo kế hoạch đã đề ra, UEVBx đã gói được hơn 120 chiếc bánh chưng. Để có được thành quả to lớn đó, các thành viên của UEVBx đã phải đặt hàng tại Việt Nam, từ từng cái lá dong, cho đến những chiếc lạt dang buộc bánh…

UEVBx luôn chỉn chu quan tâm đến các thành viên trong hội. Anh Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch của UEVBx tâm sự: “UEVBx mong muốn mang đến cho các anh chị em sinh viên trong Hội một cái Tết thật Việt Nam, có đầy đủ bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cùng với sự rộn ràng của tiếng trống múa lân, của tiếng pháo nổ và có cả một đêm Đại nhạc hội mừng xuân”.

Mặc dù xa ăn Tết xa quê nhưng trong lòng mỗi dân làng Nho đều trực trào lên sự ấm áp lạ kỳ. Nụ cười hạnh phúc của những “cậu ấm, cô chiêu” khi lần đầu tiên gói bánh, đôi má hây hây bên bếp than đỏ hồng càng làm dậy lên một không khí thực sự Tết Việt…

Tết Việt ở Slovakia

Với thế hệ người Việt thứ nhất ở Slovakia, những kỷ niệm về Tết ở quê hương vẫn đầy ắp và nguyên vẹn. Không có gia đình người Việt nào bỏ Tết, dù có gia đình đã sống xa Tổ quốc hơn 30 năm. Không có bàn thờ uy nghi, hoành tráng như ở Việt Nam, nhưng nhà nào cũng thắp hương để khấn gia tiên, trên mâm cỗ không thể thiếu bánh chưng hoặc xôi gấc.

img
Tết Việt đã biến cộng đồng người Việt ở Slovakia thành gia đình lớn

"Không được như Việt Nam, nhưng ít nhiều vẫn phải giữ Tết, để cho con cháu không quên nguồn cội "- anh Ngọc, một người đã sống ở đây hơn 20 năm tâm sự.

Ở Slovakia có khoảng 5.000 người Việt làm ăn sinh sống, chủ yếu tập trung ở Bratislava. Năm nay, Hội Người Việt ở đây tổ chức cho bà con người Việt ăn Tết sớm.

Giữa nơi đất khách, nhìn những chiếc bánh chưng gói lá dong, được buộc bằng lạt giang vuông vắn, những khúc giò nạc vừa thơm mùi thịt, vừa thơm mùi lá chuối do chính bàn tay của chị em phụ nữ ở đây làm ra mới cảm nhận hết được tình cảm của người Việt với quê hương. Họ vẫn giữ phong tục, tập quán của quê nhà, dù những hạt gạo nếp đến được nơi đây đã phải vượt nửa vòng trái đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem