Tết xưa ở miền Tây phải có cặp dưa hấu Long Trì, vì sao đến nay dưa hấu Long Trì không còn bóng dáng?
Tết xưa ở miền Tây phải có cặp dưa hấu Long Trì, vì sao đến nay dưa hấu Long Trì không còn bóng dáng?
Chủ nhật, ngày 12/01/2025 11:07 AM (GMT+7)
Với nhiều gia đình ở Đồng bằng sông Cừu Long, chỉ một cặp dưa hấu trên bàn thờ cũng đủ điểm tô sắc màu, hương vị tết. Dưa hấu được trồng ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là dưa hấu Long Trì.
Một thời gian dài, dưa hấu Long Trì là thương hiệu như bưởi Tân Triều, măng cụt Lái Thiêu, sầu riêng Chợ Lách. Từ cuối thập niên 1990, toàn vùng dưa hấu chuyển sang thanh long nhưng chợ tết Sài Gòn, Hà Nội và nhiều nơi vẫn bày bán dưa hấu Long Trì. Báo chí và nhiều trang mạng vẫn quảng bá, rao bán dưa hấu Long Trì bằng những mỹ từ "có cánh",...
Thật ra tên dưa hấu Long Trì chỉ là biểu tượng. Long Trì không phải là tên một giống dưa, hầu hết dưa vùng này trồng hạt giống Baby Suger nhập từ Mỹ, dân quen gọi là dưa Bi. Vỏ xanh đen hoặc xanh lục sọc, ruột đỏ chắc, trái dưa to. Thường loại dưa nhất chọn bán cặp chưng tết nặng từ 7-8kg/trái. Long Trì cũng không phải là địa danh đặc hiệu như xuất xứ hàng hóa. Long Trì chỉ là tên một xã nằm trong vùng dưa hấu truyền thống gồm An Lục Long, Dương Xuân Hội, Hiệp Thạnh của huyện Châu Thành, tỉnh Long An và các xã Đăng Hưng Phước, Tân Bình Thạnh,... thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Người xưa nói trồng lúa ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng, lẽ ra phải thêm vào trồng dưa ăn cơm chạy mới thấy được mức độ khác nhau của từng loại cây trồng. Nhà nội tôi ở Dương Xuân Hội, nhà bác tôi ở Đăng Hưng Phước, cách nhau 7km, con cháu bác đều là “nghệ nhân” của làng dưa. Giỗ nội ngày 16 tháng 11 Âm lịch vào đúng mùa dưa, năm nào các cháu cũng đi đám vào ban đêm. Phải chăm bẵm ruộng dưa xong mới tất tả đạp xe sang thắp hương cho bà cố. Trò chuyện đến nửa đêm rồi cọc cạch đạp xe về canh dưa, chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Từ đào liếp, lên mô, xẻ rãnh dẫn nước đến làm đất, ủ phân, thụ phấn, lấy trái, tưới nước, nhà vườn đều phải nhuần nhuyễn.
Thời ấy, không có hóa chất tăng trưởng, chủ yếu là dùng phân cá, phân hữu cơ, kỹ thuật trồng dưa là bí truyền của từng hộ nhà vườn nên gọi người trồng dưa là nghệ nhân cũng không quá đáng. Thường mỗi liếp dưa trồng hai hàng hai bên cho dây bò gối đầu với nhau. Người giỏi tính toán sẽ canh độ rộng của liếp sao cho khi dưa lớn đến mức cao nhất, hai ngọn dây dưa chỉ chạm tới nhau mà không chồng lấn. Mương lấy nước cũng tính toán sao cho nước thấm đều đến các chân liếp dưa.
Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa. Năm nào nắng tốt, gió chướng thổi mạnh, dưa thả ngọn dài ra và tăng trưởng nhanh như lực sĩ. Ngược lại, những năm nắng yếu, gió chướng chỉ thổi cầm canh, dù bón phân nhiều đến mấy dưa vẫn còi cọc.Vượt qua thời tiết, mùa vụ lại còn thêm may rủi của thị trường. Nhà vườn trồng dưa canh lịch bán trong 3 đợt: Noel, Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Rộ nhất vẫn là bán tết. Mua bán dưa chỉ gói gọn trong mấy ngày giáp tết, năm nào chợ sung, sức mua mạnh, thu nhập mùa dưa có thể cao gấp năm, bảy lần trồng lúa; ngược lại, nhà vườn như người thua bạc.
Nhà tôi có hơn 1ha đất nhưng hàng chục năm qua, yếu nghề, non gan, không ai dám trồng dưa. Mãi đến năm 1987, anh rể tôi bỏ nghề giáo, rủ thằng em hùn kỹ thuật trồng dưa. Xuôi chèo mát mái, trúng mùa, được giá, xong vụ dưa ấy, ba mươi tết, anh tôi lên Sài Gòn mua cái ti vi màu 14 inch. Đêm giao thừa phải đặt ở ngoài sân cho cả xóm cùng coi.
Bấp bênh lợi nhuận nên dù “thề sống thề chết” sẽ bỏ nghề trồng dưa nhưng đến khi gió chướng non thổi mơn man lại không chịu nổi, nhà vườn vác cuốc đào mương, phân rãnh, lao vào vụ dưa.
Điều đó cũng không đơn thuần vì lợi nhuận, sâu thẳm bên trong còn có tình yêu nghề của người nông dân. Nhìn những dây dưa gối đầu phủ kín liếp, những trái dưa no tròn nổi lên trên lớp lá xanh, bao cực khổ đều biến tan. Thời ấy, dưa Long Trì ruột đỏ thắm, ngọt lịm. Dưa được cắt nước cả tuần trước khi thu hoạch nên ruột dẻ mà khô, nổi lên những hạt mịn gọi là hạt cát, ăn cảm thấy nhám trên đầu lưỡi.
Cặp dưa nhứt nhà tôi chưng tết được cắt từ 25 tháng Chạp, đến mùng 7 hạ nêu mới xẻ nhưng vẫn tươi giòn. Chất lượng, tiếng tăm của dưa Long Trì không chỉ do đất, nước mà còn kết tinh từ đam mê, yêu nghề của những nhà vườn.
Đầu thập niên 1990, Công ty Liên hiệp Xuất, nhập khẩu Long An tìm được hợp đồng xuất khẩu dưa hấu với số lượng lớn. Công ty ra quy cách đặt hàng với nông dân về kích thước quả dưa với một vòng tròn chuẩn. Quả dưa nào to hơn vòng tròn sẽ được bao tiêu với giá khá cao so với thị trường lúc ấy. Thông tin này làm cả vùng dưa bùng nổ về diện tích và đảo lộn phương thức trồng. Ám ảnh bởi giá cả và kích thước, người ta truyền tai nhau kỹ thuật mới về phân hóa học và hóa chất kích thích tăng trưởng. Nào là tưới ure bón thúc, bôi thuốc tăng trưởng lên vỏ, lên cuống trái dưa,...
Sản lượng dưa vì thế tăng vọt, cao gấp nhiều lần so với hàng năm, vượt quá khả năng xuất khẩu lẫn tiêu thụ thị trường nội địa. Các trạm kiểm soát, thu thuế được dỡ bỏ để nhà vườn tự tiêu thụ nhưng dưa vẫn thừa ế, tồn đọng. Đau lòng nhất là chạy theo kích thước, trọng lượng nên nhà vườn lạm dụng chất kích thích tăng trưởng, cắt nước trễ. Cận ngày thu hoạch vẫn còn tưới nước. Dưa bị mọng nước, mau thối, dễ vỡ. Hậu quả là không đạt chất lượng xuất khẩu nên đối tác không nhận hàng. Dưa bị thối từ bến cảng đến các chành vựa và ngay trên ruộng.
Những năm tiếp theo, dưa xuất hiện căn bệnh mà người dân gọi là “đọt vạn thọ, bắn máy bay”. Khi vừa đậu trái thì dây dưa không phát triển, lá dưa teo tóp như lá vạn thọ, đọt dưa cong lên. Trung tâm Khuyến nông, các doanh nghiệp dùng nhiều loại hóa chất, sinh phẩm thử nghiệm nhưng đều thất bại. Nhà vườn điêu đứng. Người càng kiên trì đeo bám càng thua lỗ. Dưa hấu dần chết hẳn trên đất Long Trì và vùng dưa cũ. Thay vào đó, thanh long có giá nên cả vùng chuyển sang trồng thanh long.
Một số “nghệ nhân” làng dưa tỏa đi sang các huyện lân cận như Tân Trụ, Thủ Thừa, thậm chí lên tận Đồng Tháp Mười thuê đất trồng dưa. Đất nước mở cửa hội nhập, nhiều giống dưa mới như Hắc mỹ nhân (thân tròn dài), Xuân lan (vỏ vàng) xuất hiện. Vật liệu che liếp dưa là tấm nhựa nylon vừa ngăn cỏ dại, vừa ngăn nước mưa thấm vào gốc giúp dưa hấu trồng được quanh năm, không nhất thiết phải chờ đến mùa gió chướng, dứt mưa.
Từ đó, dưa hấu lan khắp nơi. Ven Quốc lộ 1, đoạn từ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh đến cầu Voi hình thành những điểm bán dưa hấu tự phát dài hàng cây số bán dưa cho khách vãng lai trên đường từ Sài Gòn về miền Tây và ngược lại.
So với “thuở ban đầu”, dưa hấu bây giờ to tròn, nặng trĩu, mọng nước, không còn cái ngọt đậm đà, lớp hạt cát xôm xốp trên mặt quả dưa cũng không còn nữa. Dưa hấu Long Trì quá vãng, chỉ còn lại huyền thoại danh xưng, đặc sắc về hương vị. Dưa hấu Long Trì cũng chỉ là ký ức của lớp người lớn tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.