Thả cá ruộng lúa, ít phải chăm cá lại lớn nhanh, ra xem không chán

Phạm Quốc Trung (TTKN Hậu Giang) Thứ bảy, ngày 04/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) còn tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá và bờ bao trồng hoa màu. Mô hình sản xuất kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đang được người dân quan tâm nhân rộng.
Bình luận 0

Ông Bùi Văn Long, ở ấp 4, Thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) được xem là người tiên phong thực hiện mô hình nuôi cá ruộng lúa.

Ông Long cho biết: “Những năm trước đây tôi chỉ trồng chuyên canh cây lúa nên cuộc sống gia đình thường gặp khó khăn. Sau nhiều năm lao động vất vả kết quả cũng không mấy khả quan nên tôi luôn trăn trở là phải làm thế nào cho có thêm thu nhập ổn định ngoài cây lúa”.

img

Nước rút, cá từ ruộng lúa bơi xuống mương nước sâu rất dễ quan sát. Người dân ấp 4, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang chăm sóc cá nuôi ruộng lúa.

Ông Long nhận thấy mô hình lúa - cá kết hợp, tức nuôi cá trong ruộng lúa cho hiệu quả kinh tế cao nên bắt tay vào thực hiện. Năm đầu tiên với 1ha đất lúa của gia đình, sau khi đào mương cao ráo, sạ lúa xong ông Long thả 20 kg cá rô phi và 10 kg cá trê giống với 5kg cá chép.

Bên cạnh đó, ông Long còn tận dụng cá ròng ròng kéo ở kinh, rạch về thả nuôi thêm. Thật bất ngờ, mô hình cá - lúa kết hợp mang lại cho ông hiệu quả ngay vụ nuôi đầu tiên.

Ông Long phấn khởi cho biết: “Lúc đó là năm 2016, sau khi gặt lúa xong, gia đình tôi tiến hành thu hoạch được hơn 200 kg cá đồng, bán được gần 10 triệu đồng, cộng với hơn 25 triệu đồng tiền lúa nữa nên năm đó coi như trúng mùa. Thấy thả cá nuôi ruộng lúa hiệu quả nên tôi thực hiện liên tục từ năm đó cho đến nay”.

Năm nay ngoài trồng lúa, được nhà nước hỗ trợ cá trê vàng giống giúp ông Bùi Văn Long giảm được một phần kinh phí con giống cá nuôi. Ông Long còn được tận dụng đất trống bờ ruộng để trồng hoa màu. Toàn bộ diện tích bờ ruộng của 1ha đất lúa đều được ông Long luân canh trồng các loại hoa màu như: khổ qua, bầu, bí, khóm…

Từ mô hình này, mỗi năm mang về cho gia đình ông Long hơn 70 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ông ngày càng được cải thiện, đến nay đã dần đi vào ổn định, vươn lên khá giàu.

Thấy mô hình của ông Long cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân trong địa bàn cũng tham quan làm theo. Ðến nay, trong ấp 4, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ có hơn 20 hộ thực hiện mô hình nuôi cá trong ruộng lúa.

img

Người dân thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nhận cá giống ngành chức năng hỗ trợ để mang về thả nuôi trong ruộng lúa.

Một số hộ còn sáng tạo trồng thêm các loại cây trồng khác trên cùng diện tích để tăng thêm thu nhập. Theo những người tham gia thực hiện mô hình nuôi cá ruộng lúa, chi phí đầu tư ban đầu ít, chỉ cần tốn khoảng 3-4 triệu đồng tiền mua giống rau màu và cá giống là có thể thực hiện được.

Khi thực hiện mô hình nuôi cá đồng trong ruộng lúa, không chỉ giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích mà các đối tượng còn hỗ trợ nhau để tăng năng suất.

Anh Phan Văn Học, một nông dân ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) từng được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Trạn Khuyến nông tổ chức, phấn khởi chia sẻ: “Mô hình cá-lúa hỗ trợ nhau khá tốt. Cá do sống trong ruộng lúa, ăn sâu bọ trong ruộng lúa nên rất mau lớn. Còn lúa nhờ cá cũng ít sâu bệnh hơn trước rất nhiều....".

Theo anh Học, bên cạnh đó, việc trồng màu trên bờ ruộng đến khi các cây rau màu ra hoa sẽ dụ thiên địch đến tiêu diệt sâu bọ trên ruộng lúa. Nếu ai trồng bông súng thì càng tốt vì cải tạo được nguồn nước và môi trường tự nhiên cho cá phát triển. Nhờ có sự hỗ trợ qua lại này mà các diện tích cây trồng, vật nuôi trên đồng ruộng đều cho hiệu quả kinh tế cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem