Thả lờ, đủ kiểu đánh bắt cá ngon độc đáo chả giống ai của người Tày Cao Bằng trên dòng sông Bằng

Thứ hai, ngày 25/03/2024 13:54 PM (GMT+7)
Không có những làng chài như các tỉnh miền xuôi, nhưng trên những sông lớn như dòng sông Bằng, sông Gâm, sông Quây Sơn, nghề đánh cá trên sông của cộng đồng người Tày Cao Bằng đã có từ bao đời.
Bình luận 0

Ngày nay, do nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, nghề đánh bắt cá trên sông Bằng (tỉnh Cao Bằng) tuy không còn phổ biến như nhiều năm trước nhưng những dòng sông cũng đem lại sinh kế cho một số người dân.

Từ sau tháng Giêng, khi không khí ấm và ẩm hơn, cứ khoảng 4 - 5 giờ chiều là vợ chồng anh Kim, phường Tân Giang (Thành phố) lại xuôi bè đi giăng lưới đánh cá. Dọc theo dòng sông Bằng, từ mạn phường Tân Giang trôi theo Hát Sảng, Hát Thín, Hát Gia… xuống đến địa phận xã Quang Trung (Hòa An). Mấy chục năm làm nghề chài lưới, anh Kim đã thuộc lòng từng khúc sông.

Theo anh, nghề này không quá vất vả, nếu chịu khó thì thu nhập cũng được cải thiện. Thông thường anh đánh bắt được khoảng 3 - 5 kg cá, khoảng 5 - 6 giờ sáng là có hàng đem bán ở chợ, thường là cá rô, mè, trắm..., thỉnh thoảng đánh được cá chép, chạch, tôm thì thu nhập cao hơn. Thu nhập trung bình mỗi ngày trên dưới 200 nghìn đồng, có khi khoảng 400 - 500 nghìn đồng. Việc tiêu thụ rất thuận lợi vì cá sông bây giờ hiếm, thịt lại ngọt nên được nhiều người tìm mua.

Là người Tày bản địa ở vùng này, cuộc sống gia đình anh Kim từ bao đời nay gắn liền với làm ruộng và nghề chài lưới. Trước kia, hầu như các bản người Tày ven sông đều có những người giỏi quăng chài bắt cá. Những năm gần đây, dọc theo dòng sông Bằng chỉ còn lác đác một số người dân sinh sống ở các xóm ven sông khu vực Đề Thám (Thành phố) hay Bình Long, Nước Hai (Hòa An) còn duy trì nghề đánh bắt cá trên sông. 

Theo anh Kim, một phần do sông bây giờ bị ô nhiễm từ các cống nước thải của dân đổ ra sông nên cá không còn dồi dào như trước; mặt khác, thanh niên bây giờ ít ai còn làm nghề đánh cá trên sông nữa vì nghề này đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó và thu nhập không ổn định.

Thả lờ, đủ kiểu đánh bắt cá ngon độc đáo chả giống ai của người Tày Cao Bằng trên dòng sông Bằng- Ảnh 1.

Người dân dùng bè đánh cá trên sông Bằng.

Nghề chài lưới ở Cao Bằng cũng phong phú không kém gì vùng sông nước ở đồng bằng. Người dân địa phương thường đánh bắt cá bằng chài lưới, kéo vó như ở dưới xuôi.

Chài lưới trước đây thường được đan bằng nguyên liệu tơ tằm. Những loại chài dùng để bắt cá to được đan bằng sợi gai. Những người có sức khỏe thường quăng chài bằng những chài rộng và nặng, như vậy việc bắt cá sẽ được nhiều hơn. Tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, thời điểm và kinh nghiệm...

Để đan chài cần có tơ tằm hoặc sợi gai, do vậy cách đây khoảng hai, ba chục năm, ở nhiều bản có những gia đình trồng dâu nuôi tằm để phục vụ cho chính gia đình, còn dư thì bán. Riêng lưới, vó thì mua ở các tỉnh miền xuôi hoặc bên Trung Quốc.

Bè vó được đóng thành hai bè song song bằng loại tre gai ở địa phương nên nhẹ và nổi, dễ điều khiển và cơ động. Bè vó có lều khá đẹp và chắc chắn nên có thể kéo vó liên tục nhiều ngày vẫn có nơi ăn, ngủ.

Người Tày Cao Bằng còn có những cách bắt cá, đánh cá rất độc đáo. Trước hết là thả lờ. Người ta dùng tre đan những chiếc lồng to, thường có hai kiểu lờ: Kiểu lờ đan như đan lồng gà nhưng có hom được làm từ những thanh tre già, đầu hom phần chóp được vót nhọn. Kiểu lờ nữa chắc chắn hơn, thường được thả để bẫy cá ở những khúc sông chảy xiết. 

Người ta dùng phần ngọn tre già chẻ ra rồi dùng những thanh tre to gần bằng ngón tay đan thành chiếc lồng như những chiếc lồng dùng để nhốt, khênh lợn tạ đi bán. Phía đầu của chiếc lờ cũng có hom chắc chắn. Những chiếc lờ được buộc vào những chiếc cọc đóng chắc chắn, hom xuôi theo dòng nước để bẫy những con cá to bơi lội ngược dòng. Thả lờ chỉ nhằm bắt những con cá to nặng chừng một kg trở lên, cá nhỏ sẽ lọt qua mắt lờ một cách dễ dàng.

Theo ông Đ.L., thị trấn Nước Hai (Hòa An), một người cũng chuyên nghề đánh cá trên sông Bằng, có một cách bắt cá gần như chỉ có người Tày vùng Hòa An mới có, đó là “hất bẩư” và “hất luồng”. “Bẩư” nghĩa là buồn ngủ. “Hất bẩu” là cách làm cho cá rơi vào trạng thái lờ đờ như buồn ngủ, như thôi miên và người ta dễ dàng bắt. Đồ nghề để “hất bẩư” gồm vài trăm thanh tre nhỏ cỡ ngón tay dài chừng nửa mét, một đầu được vót nhọn. Phên tre được đan bằng lạt bụng tre non có chiều rộng khoảng 25 cm, chiều dài phụ thuộc vào khúc sông rộng hay hẹp, thông thường những tấm phên này có độ dài 100 - 200 m. 

Vợt chuyên dụng là tấm lưới rộng chừng cái nong căng giữa ba đầu của chạc cây có cán dài chừng một mét. Người ta cào đá ngang đoạn sông có nước sâu đến thắt lưng, tốc độ nước chảy vừa phải để tạo thành một khoảng rộng chừng vài mét để trơ phần cát trắng mịn bằng phẳng, khi hoàn thành trông như thửa ruộng hình chữ nhật. Tiếp theo quây phên xung quanh khoảng vừa tạo, quây đến đâu thì cắm cọc tre cho chắc chắn đến đó. 

Những con cá lọt vào “bẩư” do khúc xạ bởi phên trắng và cát trắng nên sẽ rơi vào trạng thái lờ đờ không biết lối ra. Cứ khoảng một giờ, người ta dùng vợt chụp từ trên xuống tóm lấy cá. “Hất luồng” đơn giản hơn. Người ta chọn khúc sông rộng nhiều sỏi và nước nông, chảy xiết rồi đắp bờ như bờ ruộng, phía cuối đặt đó. Vào mùa đẻ trứng, một số giống cá ngon như “pia vỉt” (cá bụt) sẽ tìm cách vào trong “luồng” đẻ trứng nên bị bắt. 

Cách bắt cá này chỉ bắt được cá nhỏ và không được khuyến khích vì chúng đang thời kỳ sinh sản, ảnh hưởng đến số lượng cá ngon của dòng sông. Còn một số cách bắt cá nữa, như “thảng lý”, ruốc cá…, tuy nhiên phương pháp ruốc cá có tính hủy diệt nên không ai còn đánh cá theo cách này.

Ngày nay, do ảnh hưởng của môi trường nên số lượng cá sinh sản ngày càng ít đi, người sống bằng nghề đánh cá cũng hiếm hơn. Tuy nhiên, vẫn có những hộ duy trì nghề đánh bắt cá để có thêm nguồn thu nhập, đồng thời lưu giữ nét độc đáo của nghề đánh cá truyền thống vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.


Dạ Đăng (Báo Cao Bằng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem