Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào - Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT): Những bài toán cây xanh Hà Nội đang phải đối mặt

DH - Kiều Kiên Thứ tư, ngày 11/09/2024 06:19 AM (GMT+7)
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT) đã có chia sẻ liên quan đến cây xanh gãy, đổ hàng loạt sau khi bão số 3 Yagi quét qua Hà Nội.
Bình luận 0

Tại Hà Nội, thống kê chưa đầy đủ, khoảng 20 nghìn cây xanh bị ngã đổ khi cơn bão Yagi càn quét qua. La liệt cây xanh đô thị đổ đã phơi bày ra việc trồng cây qua quýt, cẩu thả, hố đào nông choèn, dưới hố toàn gạch đá, vữa, chạt. Nhiều lớp bọc bầu cây còn chưa hề được xé, sau thời gian dài cây "an toạ" trên phố. Người dân bất bình: cây "gá tạm" trên vỉa hè, rễ ăn nông và mềm oặt như thế này không đổ mới là chuyện lạ.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào, chuyên gia sinh thái lâm nghiệp của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, Bộ NNPTNT.

Lý do họ trồng cây quá "nông" trên phố?

Thưa ông là chuyên gia về sinh thái môi trường, lâm nghiệp, ông nghĩ gì về những ý kiến trồng cây xanh ở Hà Nội nhiều khi chôn gốc cây quá nông (có khi chỉ "đặt" trên vỉa hè), rễ cọc rễ chùm hầu như không có, dưới gốc cây lại toàn gạch đá, vôi vữa như hiện nay? Đó có phải là nguyên nhân quan trọng để hàng nghìn cây xanh đô thị đổ trong bão Yagi vừa rồi không?

Ông Nguyễn Hoàng Hào: Tôi theo sát các ý kiến này trên báo (như báo Dân Việt) và mạng xã hội nói chung nữa. Tôi thấy các ý kiến rất xác đáng. Họ trồng như vậy sẽ nhàn hơn, đỡ tốn chi phí hơn nữa. Và nó còn "rẻ" hơn cái khâu bảo hành các cây này, ví dụ cây bị chết hay héo, cần trồng cây mới thì họ trồng rất nhanh và đơn giản. Vì cây đô thị như thế, họ chỉ "bảo hành" (cam kết cây sống được sau khi trồng, nếu cây chết thì trồng lại) trong một thời gian ngắn thôi mà.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT): Những bài toán mà cây xanh Hà Nội đang phải đối mặt - Ảnh 1.

Cây xanh gãy đổ trên phố Hà Nội sau khi bão số 3 quét qua. Ảnh: T.H.

Mặt khác, chi phí để bổ sung đất vào gốc cây, đào đất (đào vỉa hè bê tông, gạch) lên trồng cây vào đó, nếu hố to và đào sâu, rồi bổ sung nhiều đất, nó sẽ tốn nhiều lắm. Họ làm vậy sẽ rẻ và dễ dàng khi trồng nông và hố nhỏ, thậm chí họ chỉ thả cây vào vị trí đó, vun ụp xuống đấy một cái là xong.

Cũng có ý kiến cho rằng: giả dụ họ chịu vất vả, tốn kém, đem chôn gốc cây, bầu cây sâu một tý nữa, ví dụ là chôn sâu 50cm đi - theo ông, nguy cơ đổ trước gió bão có giảm thiểu thật sự nhiều không?

Ông Nguyễn Hoàng Hào: Tôi chắc chắn là nó vẫn đổ vì là nếu không xé bầu bằng vật liệu không tự phân rã kia ra, thì rễ cây làm sao nó mọc ra được đâu. Vì cái mấu chốt ở cái cây cảnh trong phố của mình bây giờ là hệ rễ nó không phát triển đủ để đáp ứng được các cái đặc tính sinh học tự nhiên của loài cây đó, nó giống như cây bonsai trong chậu cảnh vậy.

Chúng ta cần phải đào cái hố đất rộng ra thêm rất nhiều. Và phải làm phân bón lót các thứ theo quy trình (có quy định rõ ràng chi tiết, tôi sẽ cung cấp cho nhà báo). Tùy theo đặc tính sinh học của cái loài cây trồng khác nhau, tùy theo cái cây có tán to bao nhiêu, đường kính gốc to bao nhiêu thì hố đào sẽ phải tỷ lệ thuận với các thông số trên. Tức là cây to, tán to, thì hố đào sẽ phải to. 

Và phải làm đất cho kĩ, trước khi trồng cái cây xuống, rồi phải chăm sóc và bảo hành trong 5 năm đấy. Nếu sau 2 năm mà cây không đạt yêu cầu là buộc phải thay cây khác. Tất cả đều có quy định. Hố trồng cây cũng phải đủ sâu, rộng; đủ đất và dưỡng chất; tăng thời gian "bảo hành".

Theo ông, những cái cây hiện nay bị đổ, ta có dựng lên, trồng lại được không?

Ông Nguyễn Hoàng Hào: Nếu là cây đã thành thục, là di sản, cây ở các di tích danh lam thắng cảnh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt thì buộc phải giữ. Chăm sóc nó… giống như cây bon sai. Còn đối với các loài cây ngoại lai, di thực thì bỏ. Chỉ giữ lại những cây còn non, có khả năng tái sinh và sinh trưởng tốt. 

Chỉ giữ lại cây bản địa tại chỗ, cây bản địa đã qua thời gian "khảo nghiệm" giống, đã có thời gian sống ở khu vực đó khá dài - mà "sức khoẻ" vẫn tốt (ý là không bị ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển tự nhiên của loài) thì giữ lại tại chỗ được.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT): Những bài toán mà cây xanh Hà Nội đang phải đối mặt - Ảnh 2.

Gốc của cây xanh khi đổ ôm cả gạch ở phía dưới. Ảnh: T.H.

 Nhưng điều kiện giữ lại cây xanh sau khi ngã đổ là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Hào: Phải làm lại đất ở chỗ đó để đảm bảo các yêu cầu sinh thái của cây ấy. Đặc điểm của cây đó thế nào thì tôn trọng như thế. Nhưng mà cái này rất khó, bởi vì các vị trí cây đổ kia, hiện nay, hầu như không còn đủ đất và không gian để phục vụ các đặc điểm sinh thái của cái loài đó nữa. Khi thu xếp đủ diện tích hố trồng, đủ không gian an toàn cho cành tán và rễ cây phát triển rồi mình buộc phải sử dụng máy móc, cắt tỉa cành một cách khoa học. 

Cũng phải làm lại hốc đất cho rộng và đủ đất, đủ dưỡng chất, sau đó mới dựng lại, trồng lại cây ngã đổ đủ điều kiện kia. Sau đó, 5 năm theo dõi, xem cây đó phát triển như thế nào; có vượt ra khỏi mức cây bon-sai (cây cảnh) hay không thì còn nhiều yếu tố khác. Là chuyện về sau, tùy theo hoàn cảnh mà ứng xử tiếp.

Lớp bọc bầu cây sinh học tự huỷ, chuyện thật hay bịa?

Báo chí, dư luận tố cáo những cái cây bị trồng nông, trồng ẩu, thì đúng rồi. Nhưng có nhiều cây vốn được coi là vững chãi và tồn tại đã rất lâu vẫn đổ do bão quá lớn. Ông nghĩ gì về những "đại thụ" bật gốc hiện nay?

Ông Nguyễn Hoàng Hào: Đúng rồi, nhà báo xuống Viện Điều tra Quy hoạch rừng của chúng tôi mà xem, vừa rồi 4 cây đại thụ 80 năm tuổi cũng bị đổ. Có lí do của nó chứ. To lớn như cây sao đen ở phố Lò Đúc đấy, tôi từng phân tích, tại sao các cây cổ thụ ấy lại đổ dễ dàng vậy. 

Vì những cây đấy là chúng quá "thành thục" rồi - đó là cái thứ nhất. Khi mà đã quá tuổi thành thục rồi thì nó không cong queo thì cũng sâu bệnh rồi đủ thứ rủi ro khác nữa… Bình thường yên lặng thì không sao, nhưng gió cấp 14, 15 thì "cụ" đổ cũng không có gì là khó hiểu.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT): Những bài toán mà cây xanh Hà Nội đang phải đối mặt - Ảnh 3.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT). Ảnh: T.H.

Bên cạnh đó, tôi nhấn mạnh việc người ta làm vỉa hè, bê tông hóa vỉa hè chưa có khoa học trong bảo vệ cây xanh. Họ vô tình làm cho bộ rễ các cụ không được phát triển bình thường nữa. 30 năm nay diễn ra các bi kịch này rồi, chứ không phải là mới. "Mưa dầm thấm lâu", các "cụ" cây bị yếu dần, yếu nhanh hơn so với tuổi.

Nhiều ý kiến đang tranh luận khá "nảy lửa" về việc nhiều cây xanh bật gốc lộ ra việc chưa "xé" bầu khi trồng. Có người tức giận, nhưng nhiều người lại phản biện: trong trồng cây, có một cái công nghệ là… không xé bầu. Bởi vì lớp bọc của bầu cây nó làm bằng nguyên liệu tự hủy. Để nguyên bầu mới đúng?

Ông Nguyễn Hoàng Hào: Nhưng mà khổ! Ở Việt Nam không có cái bầu sinh học đó. Chính cái cây đổ kia, sau cả chục năm được trồng cả bầu trên phố, nhà báo thử đến mà xem chúng đã "tự hủy" chưa. Cây to bằng cột nhà rồi, mà bầu dưới gốc và rễ vẫn chưa tự huỷ mà. Về kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, tôi "kinh qua" đủ cả rồi, tôi rất hiểu.

Cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem