Thạch đen xứ Lạng rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc, giá bật tăng mạnh

Khương Lực Thứ năm, ngày 17/12/2020 07:14 AM (GMT+7)
Nghị định thư xuất khẩu thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho bà con nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Bình luận 0

Trong những ngày qua, giá thạch đen đã bật tăng mạnh trong khi diện tích trồng được mở rộng tối đa để đáp ứng nhu cầu từ thị trường Trung Quốc - có hơn 1,4 tỷ dân.

Giá bật tăng, nông dân hào hứng

Cây thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn được gọi là cây sương sáo, cây thủy cẩm, tiên thảo trồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện gồm: Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng. Diện tích cây thạch đen hàng năm vào khoảng 2.000ha, với sản lượng đạt hơn 10.000 tấn.

Thạch đen được trồng chủ yếu trên 2 loại đất là đất canh tác nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Trong đó, Tràng Định là địa phương có diện tích trồng lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với 1.385ha, sản lượng hơn 7.000 tấn mỗi năm.

Thạch đen rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Năm nay gia đình chị Nông Thị Huyền, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến (Tràng Định, Lạng Sơn) trồng thạch đen trên 5 sào ruộng. Ảnh: T.N

Những ngày này, đi bất cứ xã nào ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn) đều thấy sự vui tươi, phấn khởi hiện lên trên gương mặt những nông dân trồng thạch đen. Ở thời điểm bắt đầu vụ mới, giá thạch tăng cao ngất ngưởng, dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg thạch khô, gấp gần 2 lần so với thời điểm giữa năm.

Do giá thạch tăng cao, nhà nào nhà nấy đều tập trung trồng thạch đen với diện tích tối đa nhất. Ngoài diện tích trồng thạch nương, năm nay gia đình chị Nông Thị Huyền (thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, Tràng Định, Lạng Sơn) trồng thạch đen trên 5 sào ruộng. 

"Lúc trước doanh nghiệp thu mua khoảng 20.000 đồng/kg thạch ruộng khô, bây giờ giá tăng lên 35.000 đồng/kg" - chị Huyền vui mừng chia sẻ.

Thạch đen rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất bột thạch đen của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư XNK Đức Quý. Ảnh: P.V

Tuân thủ nghiêm các quy định xuất khẩu

Chị Hoàng Văn Luyến - kỹ sư nông nghiệp công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định nhận định, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay so với trước đây là giá cả ổn định với mức cao, bà con nông dân tập trung trồng và dịch tích được mở rộng hơn.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đi thăm, kiểm tra tình hình trồng thạch đen tại xã Tân Tiến (Tràng Định, Lạng Sơn). Ảnh: P.V

"Khi được xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc, về quy trình trồng và chăm sóc, yêu cầu bà con tuyệt đối phải theo hướng dẫn, từ mật độ, khoảng cách trồng đến quy trình chăm sóc, thời điểm bón và sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải theo quy định của nhà chuyên môn" - chị Luyến lưu ý.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) lưu ý người dân trồng thạch đen không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc hóa học mà cần tăng cường sử dụng thuốc sinh học và phân bón hữu cơ.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát cỏ dại, côn trùng, đất khi thu hoạch sản phẩm thạch đen. "Phía Trung Quốc đã yêu cầu phải kiểm tra, giám sát và loại bỏ 100% các loại côn trùng, cỏ dại và đất ra khỏi sản phẩm" - ông Trung nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Giang - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, thạch đen của xã hình thành từ lâu đời, nhưng bà con chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống. Do thị trường xuất khẩu được mở rộng, xã đã chỉ đạo nông dân tập trung trồng thạch đen trong vụ này với diện tích trên 390ha, bao gồm thạch nương, thạch ruộng và bãi bồi ven sông.

"Thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bà con trong xã rất vui mừng, tập trung vụ này tất cả trồng thạch đen, không trồng những cây trồng khác. Bởi, thạch đen có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa" - bà Giang nói.

Theo tính toán, chi phí sản xuất để trồng thạch đen vào khoảng 3-4 triệu đồng/sào. Nếu canh tác tốt, 1 sào trồng thạch sẽ cho năng suất 3,5 tạ thạch đen khô. Với giá bán 40.000 đồng như hiện nay, trừ chi phí mỗi sào trồng thạch nông dân sẽ có lãi trên dưới 10 triệu đồng/vụ.

Trao đổi với NTNN, ông Hà Viết Quý - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư XNK Đức Quý cho biết, nhà máy chế biết bột thạch đen bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu Tết Nguyên đán 2020 với công suất khoảng 2.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm bột thạch đen của công ty được xuất khẩu đi Hongkong, Đài Loan, Ấn Độ và Malaysia.

Nhờ thị trường mở rộng, giá mua thạch đen của công ty đang ở mức 40.000-50.000 đồng/kg thạch khô. "Trong nhà máy đã lắp các thiết bị chiết xuất, lọc các phân đạm, phân lân, thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn lại 100% thạch nguyên chất, nên chất lượng thạch đảm bảo xuất khẩu đi các nước" - ông Quý nói.

Theo ông Quý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu thạch đen sang thị trường các nước, nhất là Ấn Độ đang gặp trở ngại, hàng vẫn nằm ở cảng chưa vào nhà máy được.

Khi Nghị định thư xuất khẩu thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, doanh nghiệp đã đưa mẫu bột thạch đen sang Trung Quốc để hóa nghiệm, kết quả cho thấy 100% mẫu đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.

"Phía đối tác Trung Quốc chấp thuận ký hợp đồng với công ty nhập khẩu 1.000 tấn bột thạch đen. Ngày 14/12, doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch lô hàng thạch đen đầu tiên sang thị trường Trung Quốc" - ông Quý phấn khởi nói.

Cơ hội lớn để bứt phá

Thạch đen là loại cây có tiềm năng phát triển rất tốt ở miền núi phía Bắc, nếu xuất khẩu được sẽ thu ngoại tệ rất tốt đồng thời tạo được sinh kế cho người dân và khai thác tiềm năng lợi thế đất đai thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền núi phía Bắc.

Trong ngày 14/12, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đã trực tiếp đi thăm, kiểm tra việc trồng thạch đen trên đồng ruộng và có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc cũng như phục vụ thị trường 100 triệu dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cần phải chuẩn hóa quy trình canh tác và tổ chức sản xuất, sản xuất phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu.

Theo đó, việc triển khai xây dựng mã số vùng trồng thạch đen, thực hiện theo chương trình ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (OTAS).

"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải phát triển và giữ vững được thị trường xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc. Muốn làm được, tôi đề nghị các địa phương tổ chức lại sản xuất nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía bạn từ vấn đề là xác định vùng trồng đến kỹ thuật trồng và canh tác…" - ông Doanh nói.

Tại buổi làm việc, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, thạch đen là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền núi, vùng dân tộc ít người. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đưa thạch đen là cây trong danh mục những sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để chỉ đạo sản xuất.

"Qua khảo sát sơ bộ tại các huyện cho thấy, tỉnh Lạng Sơn có thể phát triển trồng được khoảng 11.000ha thạch đen. Với diện tích này, nếu chúng ta lựa chọn được giống tốt, canh tác tốt thì năng suất, sản lượng cũng khá lớn. Đây sẽ là cây trồng giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống của bà con nông dân Lạng Sơn" - ông Thiệu nói.

Để thực hiện Nghị định thư xuất khẩu thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc, ông Thiệu mong muốn Bộ NNPTNT hướng dẫn Lạng Sơn trong quá trình triển khai thực hiện, văn bản hóa các nội dung để có cơ sở thực hiện, sớm hướng dẫn đến nông dân. Đồng thời, sớm tổ chức hội nghị tập huấn để triển khai đến nông dân, doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Thạch đen - cây xóa nghèo cho người dân miền núi xứ Lạng

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, thạch đen là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền núi, vùng dân tộc ít người. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đưa thạch đen là cây trong danh mục những sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để chỉ đạo sản xuất.

"Qua khảo sát sơ bộ tại các huyện cho thấy, tỉnh Lạng Sơn có thể phát triển trồng được khoảng 11.000ha thạch đen. Với diện tích này, nếu chúng ta lựa chọn được giống tốt, canh tác tốt thì năng suất, sản lượng cũng khá lớn. Đây sẽ là cây trồng giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống của bà con nông dân Lạng Sơn" - ông Thiệu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem