Thái Bình: Đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá sẽ có nhiều cái lợi

Đinh Văn Mừng Thứ bảy, ngày 07/08/2021 05:28 AM (GMT+7)
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng "chóng mặt", buộc gia đình tôi chỉ chăn nuôi cầm chừng, cố gắng duy trì đàn lợn khoảng 100 con, trong khi công suất nuôi của chuồng lên đến 250 con. Bởi vậy, để tạo "động lực" cho người chăn nuôi, Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sáchmặt hàng bình ổn giá.
Bình luận 0

Tôi là Đinh Văn Mừng, ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 40 con lợn nái và 60 con lợn thịt.

Giữa năm năm 2020, gia đình tôi đầu tư 800 triệu đồng để xây khu chuồng trại khép kín, công suất có thể nuôi đàn lợn 250 con. Tuy nhiên, do giá thức ăn chăn nuôi cứ tăng không ngừng nên cũng chỉ nuôi cầm chừng.

GIÁ THỨC ĂN CHĂN NUÔI TĂNG 8-9 LẦN

Thời gian gần đây giá lợn hơi lại đang có xu hướng giảm xuống từ 51.000 - 59.000 đồng/kg.

Đầu tháng 8, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, các đại lý cám tiếp tục điều chỉnh giá bán mới. Giá thức ăn chăn nuôi tăng 250 đồng/kg – 4.000 đồng/kg, tùy loại. Chỉ chưa đầy 1 năm giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 - 9 lần liên tiếp.

Hiện, đàn lợn của gia đình tôi sử dụng hết trên 10 bao cám mỗi ngày. Trong đó, cám cho lợn tập ăn hơn 400.000 đồng/bao 25kg, còn cám cho lợn 2 tháng tuổi trở lên hơn 300.000 đồng/bao 25kg.

Thái Bình: Nông dân kiến nghị Nhà nước đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng thuộc diện bình ổn giá - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ 8 - 9 lần khiến người chăn nuôi dè dặt, không dám tăng đàn vì sợ thua lỗ. Ảnh: Minh Ngọc.

Không chỉ riêng gia đình tôi, mà rất nhiều hộ chăn nuôi ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đang rơi vào tình cảnh khó khăn, có đầy đủ cơ sở vật chất, chuồng trại nhưng không thể mở rộng quy mô đàn do giá thức ăn tăng quá cao.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá mạnh, các hộ chăn nuôi lợn như gia đình tôi rất e ngại tăng đàn, tái đàn. Không chỉ có nuôi lợn, các hộ nuôi gia cầm cũng có chung tâm trạng này.

Mong muốn Nhà nước đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá

Theo tôi, trong tình hình chăn nuôi lợn đang còn nhiều khó khăn, có nhiều biến động, nếu không có những giải pháp điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, khiến người chăn nuôi e dè việc tái đàn, không khéo sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, rất dễ dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục đã khiến giá thành chăn nuôi tăng theo, rất có thể giá thịt lợn, giá thịt, trứng giá cầm ở mức giá cao, ảnh hưởng đến chi tiêu của các gia đình. Giá thịt heo, giá thịt, trứng gia cầm tăng quá mức nhà nước lại phải bỏ kinh phí để bình ổn.

Để người chăn nuôi chúng tôi có "động lực", mở rộng quy mô, tăng đàn lợn, theo tôi Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá. Nếu được, đây sẽ là một trong những điều khiến người dân, chủ trang trại, HTX chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Nếu có thể đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá thì trước mắt nên thực hiện thí điểm ở một số tỉnh trọng điểm về chăn nuôi. Các tỉnh sẽ thí điểm ở các huyện, xã trọng điểm về chăn nuôi.

Theo tôi, giá thức ăn chăn nuôi ở mức phù hợp giữa cả doanh nghiệp sản xuất và người chăn nuôi thì sẽ hài hòa các lợi ích.

Bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cũng coi đó như là một hình thức "bảo hiểm" trong sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi. Qua đó, cũng là để bình ổn giá thịt lợn thị trường trong nước.

Bạn đang đọc bài: Thái Bình: Đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá sẽ có nhiều cái lợi của tác giả Đinh Văn Mừng, nông dân nuôi lợn ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình).

Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài viết ý kiến của mình về hộp thư điện tử: hnongdanvietnam@gmail.com , gọi điện tới số 086 993 8874 và 0976 116 924.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem