Thái Nguyên: 11ha rừng bị "phát trắng", địa phương không hay biết?!

Hà Thanh Thứ năm, ngày 27/06/2019 15:20 PM (GMT+7)
Trong khoảng một thời gian ngắn, hơn 11ha rừng phòng hộ trên địa bàn xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai đã bị một số đối tượng thuê người phát trắng thế nhưng chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng lại không hề hay biết.
Bình luận 0

Mặc dù cách UBND xã Vũ Chấn không quá xa và có tổ quản lý, bảo vệ rừng tại chỗ do Trưởng xóm làm tổ trưởng, thường xuyên túc trực, thế nhưng theo phản ánh người dân, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 3/2019 trên địa bàn xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên một diện tích lớn rừng phòng hộ đã bị một số đối tượng thuê người tiến hành phát trắng.

PV Dân Việt đã có mặt tại hiện trường, khu vực mà người dân phản ánh vào ngày 11/6/2019. Theo quan sát, khu vực nói trên có diện tích tương đối lớn. Ngoài số cây gỗ đã được các đối tượng cưa, cắt, vận chuyển đi tiêu thụ trước khi bị phát hiện, tại hiện trường vẫn còn một số lượng lớn cây gỗ các loại bị các đối tượng cắt lìa gốc và đốt trơ trụi, nằm ngổn ngang trên khắp các triền đồi.

img

img

Một số lượng lớn cây gỗ các loại bị các đối tượng cắt lìa gốc và đốt trơ trụi, nằm ngổn ngang trên khắp các triền đồi.

Bà Triệu Thị T – một người dân xóm Khe Rịa cho biết: “Hiện tượng phát rừng ở khu vực này đã diễn ra cách đây mấy tháng. Phần lớn diện tích rừng bị phát nằm trong đất sổ đỏ được nhà nước cấp cho dân. Còn phát vào rừng phòng hộ có lẽ là do người ta không xác định được ranh giới đất của nhà mình”.

Được biết, khu vực rừng phòng hộ bị phát trắng nói trên thuộc Lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 89, bản đồ quy hoạch ba loại rừng năm 2013 xã Vũ Chấn, có tổng diện tích là 11,25 ha, trong đó có 6,25 ha đã được UBND huyện Võ Nhai cấp cho các hộ gia đình gồm hộ ông Triệu Tiến Thành và hộ ông Đặng Văn Hồng dưới dạng “Đất có rừng tự nhiên sản xuất” vào năm 2009. Số diện tích còn lại do UBND xã Vũ Chấn quản lý.

Điều đáng nói ở đây là nhiều diện tích rừng phòng hộ bị phát trắng và đốt trụi nhưng chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng nơi đây lại không hề hay biết.

Trong khi đó, trên địa bàn xã Vũ Chấn, ngoài UBND xã còn có các lực lượng như: Tổ công tác quản lý bảo vệ rừng; lực lượng Kiểm lâm địa bàn; trạm kiểm lâm Vũ Chấn – Đơn vị trực thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa, Phượng Hoàng và hàng loạt các trạm, chốt khác nằm dọc trên tuyến đường từ Vũ Chấn đi La Hiên.

Tất cả đều được coi là lực lượng xung kích trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng trong một thời gian dài lại không thể tự phát hiện ra vụ việc nêu trên nếu như không có sự phát giác của người dân.

img

Trên 11ha rừng phòng hộ bị phát trắng và đốt trụi nhưng lực lượng chức năng nơi đây lại không hề hay biết.

Ngày 12/06/2019, làm việc với PV Báo Dân Việt, ông Triệu Tiến Hiện – Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn thừa nhận việc xã chậm trễ trong quá trình phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối với vụ phá rừng nói trên của người dân tại xóm Khe Rịa. Lý do được ông Hiện đưa ra cho việc phát hiện chậm trễ này là do địa bàn xóm Khe Rịa ở cách xa trung tâm xã, hơn nữa thời điểm các đối tượng tiến hành chặt phá rừng trái phép xảy ra vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn nên rất khó phát hiện.

Cùng ngày, PV cũng đã làm việc với ông Vũ Thế Cường – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Võ Nhai. Ông Cường cho biết: “Trước tiên, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng thuộc về đơn vị quản lý trực tiếp là UBND xã, chủ rừng cũng như tổ công tác quản lý bảo vệ rừng. Vụ việc xảy ra ở xóm Khe Rịa không phải bà con phá rừng của người khác nên không động chạm đến ai. Bởi vậy nếu không có người tố giác thì không ai biết. Trong khi đó rừng là của chủ hộ đã được nhà nước cấp bìa trước khi quy hoạch thành rừng phòng hộ và chưa có quyết định thu hồi”.

Ông Cường còn cho rằng ở khu vực này không còn gỗ, việc người dân chặt phá chủ yếu để lấy củi trong khi nhà nước không cấm việc vận chuyển củi. "Mục đích của người dân không phải phát cây để phá rừng mà nhận thấy cây nhỏ không đem lại hiệu quả gì nên phát đi để trồng lại rừng mới" - ông Cường cho hay.

Ngày 19/6/2019, ông Nguyễn Văn Tuyên – Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng trả lời Dân Việt: “Do lực lượng kiểm lâm mỏng nên rất khó cho công tác kiểm tra, khi muốn kiểm tra thì phải thành lập đoàn kiểm tra. Công tác quản lý rừng trên địa bàn xã Vũ Chấn thuộc Hạt kiểm lâm Võ Nhai.

Về quy chế phối hợp giữa Ban và Hạt Võ Nhai vẫn phối hợp nhịp nhàng, tuy nhiên vụ việc phát rừng phòng hộ xảy ra ở xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn, Ban vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản ánh nào. Hiện nay trạm Cúc Đường có hai cán bộ kiểm lâm nhưng lại nằm ở địa bàn hai xã, một cán bộ ở Thượng Nung, một cán bộ ở Cúc Đường nên việc phát hiện các đối tượng vận chuyển lâm sản ra khỏi địa bàn tương đối khó khăn, hơn nữa từ Vũ Chấn ra không phải chỉ có duy nhất một con đường độc đạo”.

Ngoài ra ông Tuyên còn cho biết thêm: “Phía Ban không thể định lượng được khối lượng lâm sản vận chuyển qua địa bàn, có thể người dân sử dụng và phục vụ cho mục đích cá nhân như làm củi, đóng đồ… chứ không có việc buông lỏng quản lý để lâm sản đi qua”.

Được biết, hiện nay vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem