Ngôi chùa gần 300 năm tuổi ở Thái Nguyên, ghi dấu nhiều sự kiện trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 27/10/2022 13:05 PM (GMT+7)
Chùa Làng Ca là một trong những di tích thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa xã Kha Sơn (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ngôi chùa gần 300 tuổi này là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Bình luận 0


Chùa Làng Ca là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử qua từng thời kỳ (Clip: Hà Thanh)

Chùa Làng Ca, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử

Di tích văn hóa lịch sử chùa Làng Ca nằm tại xóm Ca, xã Kha Sơn, huyện Bình, tỉnh Thái Nguyên, là một trong 7 di tích nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa xã Kha Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1997.

Cụm di tích gồm: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ - chùa Làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, rừng Mấn, rừng Rác và nền nhà ông Cao Nhật.

Chùa Làng Ca: Ngôi chùa gần 300 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ - Ảnh 2.

Di tích văn hóa lịch sử chùa Làng Ca nằm tại xóm Ca, xã Kha Sơn, huyện Bình, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Hà Thanh)

Trong đó, chùa Mai Sơn là nơi đặt cơ quan in ấn tài liệu của Đảng. Tại đây, nhiều tài liệu quan trọng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, chương trình, điều lệ Việt Minh, báo Cờ Giải Phóng, các sách về chiến tranh du kích... đã được in ấn và chuyển đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, góp phần quan trọng làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Rừng Mấn là nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi liên lạc, đưa đón cán bộ qua lại công tác, nơi tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ do Trung ương tổ chức.

Trong khi đình Kha Sơn Hạ - chùa Làng Ca là nơi cất giấu tài liệu của Trung ương, thì đình Kha Sơn Thượng lại là nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở và qua lại để chỉ đạo phong trào, kiểm tra sự hoạt động của các cơ quan Trung ương những năm 1939 - 1945.

Nền nhà ông Cao Nhật là nơi ở và làm việc của cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ. Và rừng Rác là nơi thành lập tổ trung kiên cách mạng năm 1943.

Chùa Làng Ca: Ngôi chùa gần 300 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ - Ảnh 3.

Pho tượng đất cổ còn lưu giữ tại chùa Làng Ca (Ảnh: Hà Thanh)

Đây là những di tích từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ của dân tộc, ghi lại truyền thống đấu tranh cách mạng tốt đẹp của nhân dân xã Kha Sơn nói riêng và huyện Phú Bình nói chung.

Đến nay chùa Làng Ca còn lưu giữ được 24 cột đá, một pho tượng bằng đất, 1 chiếc chuông và 1 lư hương cổ. Đây là những hiện vật mang giá trị văn hóa lịch sử rất lớn được gìn giữ và truyền lại cho con cháu các thế hệ sau này.

Chùa Làng Ca: Ngôi chùa gần 300 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ - Ảnh 4.

Chùa Làng Ca hiện còn lưu giữ 24 cột đá (Ảnh: Hà Thanh)

Chùa Làng Ca, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của bà con

Bên cạnh các giá trị văn hoá, lịch sử, chùa Làng Ca hiện nay là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của bà con 6 xóm, phố thuộc miền Kha Sơn Hạ. Vào hai ngày 14 và 15 tháng Giêng hằng năm, người dân lại quy tụ tại chùa để tổ chức lễ hội Xuân truyền thống.

Ông Nguyễn Quang Phú – Phó Ban Quản lý di tích Đình Kha Sơn Hạ - chùa làng Ca cho biết, theo tài liệu các cụ truyền lại, đình Kha Sơn Hạ có trước chùa Làng Ca. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, còn chùa Làng Ca được xây dựng vào năm 1737, năm Đinh Tỵ, tháng Giêng, triều vua Vĩnh Hựu năm thứ 3.

Chùa Làng Ca: Ngôi chùa gần 300 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ - Ảnh 5.

Đình Kha Sơn Hạ mới được xây dựng lại vào năm 2007 (Ảnh: Hà Thanh)

Chùa Làng Ca được xây dựng là do nhân dân hai thôn Xuân Lôi và Xuân Sơn, thuộc phủ Phú Bình xưa cùng với 8 giáp công đức 24 cột đá, còn lại là nhân dân và phật tử thập phương đóng góp xây dựng.

Chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim và gạch bát, vữa bằng vôi cát và mật kết hợp hòa trộn với nhau, sân nền lát bằng gạch vuông, ngói vảy rồng.

Chùa Làng Ca: Ngôi chùa gần 300 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ - Ảnh 6.

Những chiếc cột làm từ gỗ lim còn lưu giữ lại tại chùa Làng Ca (Ảnh: Hà Thanh)

Thời kỳ tháng 12/1946, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược, để tránh địch chiếm các khu vực có độ cao, quân và dân chúng ta đã thực hiện chiến lược "vườn không nhà trống" và tiêu thổ kháng chiến. Do đó, theo chỉ đạo, đình Kha Sơn Hạ bị phá bỏ toàn bộ, mái chùa, nền chùa và gạch sân chùa cũng bị đập vỡ hết, một số tượng Phật cũng bị bỏ đi.

Thời kỳ sau năm 1945, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chùa Làng Ca đã trở thành lớp học bình dân học vụ. Sau khi kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, đây cũng là địa điểm lớp học của học sinh cấp 1 thời kỳ đó.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa Làng Ca trở thành trung tâm văn hoá, địa điểm sinh hoạt, hội họp của toàn bộ nhân dân xóm Ca và miền Kha Sơn hạ. Bên cạnh đó, nơi đây còn là trung tâm huấn luyện của Sư đoàn 304 để chi viện cho miền Nam. Ngoài ra còn đón nhiều tân binh từ các tỉnh về đây huấn luyện. Nhiều khóa Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã được bầu cử tại đây.

Sau quá trình biến đổi của lịch sử, nhiều hạng mục của ngôi chùa đã bị xuống cấp, do đó Ban quản lý di tích và UBND xã Kha Sơn đã làm đơn đề nghị được trùng tu, tôn tạo ngôi chùa. Năm 2021, chùa Làng Ca đã được UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định trùng tu lại trên cơ sở giữ lại những nét nguyên bản của ngôi chùa.

Sư cô Thích Nữ Đề Trí, Sư trụ trì chùa Làng Ca cho biết: "Chùa Làng Ca có giá trị về mặt tâm linh rất lớn, có nhiều dấu ấn lịch sử đối với nhân dân miền Kha Sơn Hạ, lưu dấu những giá trị về phi vật thể. Nhận thấy ngôi chùa có nguồn tâm linh rất thiêng liêng, do đó du khách và Phật tử thập phương về tu tập, học tập giáo lý tại các buổi lễ tâm linh tại chùa ngày càng đông.

Qua quá trình phong hóa thời gian của lịch sử, ngôi chùa đã xuống cấp nặng nề. Để đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử thập phương và nhân dân nơi đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã trùng tu ngôi chùa. Đến nay công trình trùng tu ngôi Tam Bảo đã được khang trang. Đây là niềm vui mừng, hoan hỉ của nhà chùa và nhân dân địa phương. Sắp tới, nhà chùa sẽ cũng nhân dân và Ban quản lý di tích sẽ tiến hành buổi lễ khánh thành tại đây."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem