Thái Nguyên: Mang thứ cây ra củ quý trồng trên đồi, bán đắt hàng

Hà Thanh Thứ bảy, ngày 19/10/2019 06:30 AM (GMT+7)
Mặc dù bị vợ con ra sức phản đối nhưng anh nông dân Nguyễn Văn Chỉnh ở xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, TP Sông Công (Thái Nguyên) vẫn nhất quyết mang giống cây ba kích tím lên đồi nhà để trồng với mong muốn làm giàu.
Bình luận 0

Ba kích là loại cây dây leo thường mọc ở ven rừng, các bãi hoang có cây bụi. Tuy là loại cây ưa bóng mát và những nơi ẩm thấp nhưng cành lá lại luôn leo lên cao, vươn tới chỗ nhiều sáng nên thường được trồng xen canh dưới tán cây rừng.

Đến thăm đồi cây ba kích bạt ngàn của gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh, xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên sau nửa năm triển khai trồng đã thấy những hiệu quả rõ rệt.

img

Ba kích là loại cây ưa bóng mát và những nơi ẩm thấp nhưng cành lá lại luôn leo lên cao, vươn tới chỗ nhiều sáng nên thường được trồng xen canh dưới tán cây rừng

Anh Chỉnh tâm sự: Trước khi đến với mô hình trồng cây ba kích tím này, anh đã trải qua nhiều mô hình nông nghiệp như nuôi lợn rừng nhưng do nhiều yếu tố không thể đáp ứng được nên anh đã từ bỏ. Từ cuối tháng 4/2019 nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, anh đã bắt tay làm mô hình trồng cây ba kích này.

Theo anh Chỉnh khi có ý định trồng cây ba kích vợ con anh đã quyết liệt phản đối. Tuy nhiên do nhận thấy những hiệu quả mà loại cây này có thể mang lại cùng với bản tính quyết đoán nên bỏ ngoài tai những lời vợ nói anh vẫn dứt khoát thực hiện. Đến nay sau 6 tháng triển khai, đồi cây ba kích của gia đình anh Chỉnh đã sinh trưởng và phát triển rất tốt. Trước đó hơn 1 năm, theo một chương trình khác gia đình anh cũng đã trồng thử nghiệm cây ba kích và tỷ lệ sống sót tương đối cao.

Gia đình anh Chỉnh là hộ trồng nhiều ba kích nhất với diện tích 1,5ha (mật độ trung bình khoảng 8.000 - 10.000 cây/ha) trong tổng số 18 hộ tham gia mô hình này (tổng diện tích 5ha). Điểm khác biệt so với nhiều hộ gia đình trồng ba kích, anh Chỉnh đã mạnh dạn đưa cây ba kích lên đồi đá cằn cỗi để trồng mà vẫn mang lại hiệu quả.

img

Mặc dù được trồng trên đồi đá sỏi cằn cỗi nhưng cây ba kích của gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh vẫn sinh trưởng phát triển tốt

Anh Chỉnh chia sẻ: Ba kích có đặc tính là loại cây trồng tương đối dễ trồng, chăm sóc, tốn ít công và hầu như không có sâu bệnh nhưng giá trị kinh tế mang lại thì cao hơn rất nhiều so với những loại cây trồng khác như keo, bạch đàn… Chỉ khi thời tiết khô hạn kéo dài mới cần phải tưới nước cho cây chứ thông thường hầu như không cần tưới. Tuy nhiên để trồng được loại cây này đòi hỏi người trồng phải có sự kiên trì vì trong quá trình trồng cũng gặp không ít khó khăn.

Trung bình mỗi một lứa ba kích cần bón phân khoảng 4 lần chủ yếu ở năm đầu tiên khi bắt đầu trồng. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng ủ hoai mục trộn đều, sau đó tiến hành làm cỏ quanh gốc rồi khoảng 2 tháng sau khi trồng bón tiếp lần 2, tiếp đó cứ cách khoảng 2 tháng lại bón phân 1 lần cho đến khi đủ 4 lần.

Điều quan trọng nhất cần chú ý là khâu làm cỏ lúc ban đầu khi cây ba kích còn nhỏ vì ở giai đoạn này cỏ cần phải làm sạch để cây có thể leo lên cao, đến giai đoạn sau khi cây đã lớn và có thể leo lên thì cỏ lại có tác dụng giữ độ ẩm và đất tơi xốp cho cây sinh trưởng phát triển.   

Anh Nguyễn Anh Dũng, cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Cây ba kích sinh trưởng tốt ở những nơi nhiều mùn và đất tơi xốp nên phù hợp với đất không ngập úng với tầng dày từ 0,7 – 0,8m, rất thích hợp với điều kiện thời tiết nóng ẩm. Ở đây ba kích được lấy giống từ Phú Thọ và được nhân giống bằng cách giâm hom.  

img

Anh Chỉnh dẫn cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đi thăm và kiểm tra quá trình sinh trưởng phát triển cây ba kích của gia đình 

Thời gian thu hoạch thông thường của cây ba kích là từ 3 – 5 năm. Tuy nhiên, thời gian để thu hoạch tốt nhất là trong khoảng từ 5 – 7 năm vì thời điểm này củ ba kích mới đạt tiêu chuẩn. Mặc dù vậy nhưng ba kích để thời gian càng lâu thì hiệu quả và giá trị thu nhập từ loại cây này càng cao.

img

Trung bình mỗi gốc ba kích khi thu hoạch sẽ cho từ 3 – 5kg củ tươi với giá bán dao động khoảng 180.000 - 200.000đ/kg

Với giá bán trung bình ở thời điểm hiện tại khoảng 200.000/kg củ ba kích và ước tính mỗi gốc ba kích khi thu hoạch sẽ cho từ 3 – 5kg củ tươi thì giá trị mỗi gốc cây vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Như vậy chỉ tính sơ bộ đến lúc thu hoạch giá trị thu nhập trung bình mỗi năm mà ba kích mang lại cho gia đình anh Chỉnh lên tới cả tỷ đồng.

Theo đông y ba kích tím có nhiều tác dụng như bổ thận, tráng dương, trị các bệnh đau khớp, đau lưng thường được dùng để ngâm rượu và uống nước. Do là vị thuốc quý nên những năm gần đây thị trường của cây ba kích tím rất có tiềm năng. Bởi vậy theo anh Chỉnh, trong thời gian tới anh có ý định tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây ba kích để phát triển mạnh và nhân giống cây dược liệu quý này đồng thời góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem