Thái Nguyên: Nông dân đất chè giàu lên từ... nuôi bò 3B, trồng cây ăn quả

Thu Hà Thứ năm, ngày 23/12/2021 07:36 AM (GMT+7)
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp đã trở thành “đòn bẩy” giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh Thái Nguyên có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Bình luận 0

Đầu tư nuôi bò 3B, trồng cây ăn quả

Khoảng 3 năm trước, một số hộ dân trên địa bàn xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế mới - chăn nuôi bò 3B. Nhận thấy mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng các hộ còn phát triển theo hướng tự phát, năm 2020, Hội ND xã đã xây dựng dự án vay vốn Quỹ HTND để phát triển chăn nuôi bò 3B ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung. Theo đó, 20 hộ thuộc dự án đã được giải ngân 800 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND do T.Ư Hội NDVN ủy thác.

Từ nguồn vốn trên, các hộ đã dần mở rộng quy mô đàn bò. Đến nay, số lượng đàn bò của dự án đã tăng từ 27 con (năm 2020) lên trên 100 con, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan.

Nông dân đất chè giàu lên từ... nuôi bò 3B, trồng cây ăn quả - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò 3B của nông dân xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Hưng

"Trên thực tế, hoạt động của Quỹ HTND hiện nay luôn gắn với việc xây dựng các mô hình dự án, tổ kinh tế hợp tác nông nghiệp, nông thôn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ vay. Đồng thời định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế".

Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Thái Nguyên

Ông Quách Thanh Bình (ở xóm Cà Phê) cho biết: Với số vốn 40 triệu đồng, phí vay 0,7%/tháng từ dự án, gia đình tôi đầu tư mua thêm 2 con bò giống, đến nay trọng lượng mỗi con đã đạt trên 7 tạ. Nếu xuất bán, ước tính cho thu lãi trên 30 triệu đồng mỗi con. Khi tham gia dự án, chúng tôi được tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau tìm nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm.

Cũng được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND, gia đình ông Nguyễn Văn Bình (ở xã Nga My, huyện Phú Bình) được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND để cải tạo 2.000m2 đất trồng chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Ông Bình cho biết: "Ngoài vay vốn, tôi còn được tập huấn kiến thức về trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, có điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn. Toàn bộ diện tích chè hiện đã được tôi thay thế bằng 150 gốc bưởi, 50 gốc nhãn, 100 cây táo và một số cây ăn quả khác. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình đã cho thu nhập ổn định, với trên 100 triệu đồng/năm".

Vốn nhỏ, hiệu quả cao

Bà Dương Thị Luyến - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Bình cho hay: Vốn là "quê lúa", lại có số lượng hội viên đông với gần 24.000 người, Hội ND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) xác định, muốn giúp hội viên nâng cao thu nhập thì trước hết phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại…

Thái Nguyên: Nông dân đất chè giàu lên từ... nuôi bò 3B, trồng cây ăn quả - Ảnh 3.

Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã xã Nga My, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Minh Hiếu

Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ HTND các cấp, Hội ND huyện Phú Bình đã triển khai 14 dự án cho 145 hộ tham gia, với tổng số vốn trên 5,5 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Hội ND trong huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT nhận ủy thác trên 436 tỷ đồng cho hơn 5.800 hộ vay.

Việc hỗ trợ vay vốn được Hội thực hiện gắn với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, định hướng phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với các hộ nông dân địa phương.

Qua đó, đã góp phần xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất tập trung và mô hình kinh tế hiệu quả, như: Chăn nuôi ngựa bạch ở xã Dương Thành; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Kha Sơn, xã Xuân Phương; nuôi chim bồ câu ở xã Thanh Ninh; nuôi gà mái đẻ xã Tân Khánh; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Đào Xá, xã Thượng Đình; phát triển nghề làm tương truyền thống tại xã Úc Kỳ…

Theo báo cáo Hội ND tỉnh Thái Nguyên: Hiện nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 43 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã xây dựng 102 dự án phát triển sản xuất để hỗ trợ cho 1.088 hội viên nông dân vay vốn.

Nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần xây dựng thành công 145 mô hình kinh tế có hiệu quả, hình thành 80 tổ hợp tác và tiến đến thành lập hợp tác xã. Điển hình như: Hợp tác xã trồng na VietGAP xã La Hiên (Võ Nhai); Hợp tác xã chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành, Hợp tác xã Sản xuất tương Úc Kỳ (Phú Bình); mô hình trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương)…

Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Có thể thấy, dù nguồn vốn vay không lớn, nhưng Quỹ HTND đã trở thành chất xúc tác quan trọng giúp nhiều hộ nông dân đầu tư phát sản xuất. Trong thời gian tới, Hội ND tỉnh sẽ tích cực triển khai các giải pháp nhằm bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND từ ngân sách và huy động, vận động hội viên ủng hộ quỹ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay này. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem