Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Anh Nguyễn Bá Kiên (xóm Bến 2, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nói về mô hình nuôi cầy hương. Cầy hương là con đặc sản, người nuôi chỉ tốn chi phí nhiều vào mua cầy hương giống còn chi phí thức ăn không nhiều.
Trước đây, anh Nguyễn Bá Kiên đầu tư trang trại để trồng nấm, nhưng do không hiệu quả nên anh đã nghiên cứu mô hình kinh tế mới.
Cuối năm 2017, đầu năm 2018, anh Kiên quyết định thử nghiệm một mô hình kinh tế mới lạ với suy nghĩ "nuôi con gì lạ sẽ cho lợi nhuận cao hơn". Sau khi tham quan mô hình ở nhiều nơi, anh quyết định nuôi cầy hương vì nhận thấy nguồn lợi kinh tế mà mô hình mang lại cao hơn hẳn.
Ban đầu, anh Kiên mua 10 đôi cầy hương giống từ một số tỉnh như Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang với giá 10-15 triệu đồng/đôi. Sau một thời gian nuôi hiệu quả, anh quyết định đầu tư thêm số lượng con giống và mở rộng diện tích chuồng trại.
Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào nuôi cầy hương, anh Kiên cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là chi phí đầu tư ban đầu cho việc mua cầy hương giống tương đối lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi cầy hương...
Anh Kiên cho biết, anh chủ yếu tự mày mò cách nuôi cầy hương, kỹ thuật nuôi cầy hương, chăm sóc và tìm hiểu nguồn thức ăn cho cầy hương.
Theo anh Kiên, điều quan trọng khi mua cầy hương giống là phải nhận diện được thể trạng cầy hương giống.
Cầy hương chủ yếu bị hai loại bệnh chính là tiêu chảy và bỏ ăn. Hai bệnh này thường xảy ra khi thời tiết giao mùa.
Do đó, theo anh Kiên, khi nuôi cầy hương cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn đầu vào và kết hợp cho ăn men tiêu hóa.
Hiện nay, anh Kiên nuôi cầy hương chủ yếu bằng hoa quả gồm chuối chín và mít. Ngoài ra, anh có bổ sung thêm lượng nhỏ tinh bột và phụ phẩm khác.
Anh Kiên cho biết, cầy hương là loài động vật sống hoang dã ngoài thiên nhiên. Cầy hương hoạt động chủ yếu vào ban đêm, còn ban ngày dành phần lớn thời gian để ngủ. Do vậy cầy hương ăn rất ít vào ban ngày.
Hiểu được tập tính của loài cầy hương, mỗi ngày, anh Kiên chỉ cho cầy hương ăn hai bữa gồm bữa phụ vào buổi sáng và bữa chính vào buổi tối.
Chi phí thức ăn cho cầy hương tương đối ít, tính trung bình chỉ khoảng 1 triệu đồng/con/năm.
Ngoài nuôi cầy hương thương phẩm cung cấp cho các nhà hàng, anh Kiên còn nuôi cầy hương bố mẹ để sinh sản.
Thông thường khoảng sau 1 năm tuổi, khi cầy hương đạt trọng lượng khoảng hơn 4kg sẽ bắt đầu sinh sản. Mỗi năm, cầy hương mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 – 5 con.
Thời điểm được lựa chọn để ghép đôi giữa cầy hương đực và cầy hương cái là từ tháng Giêng đến tháng 7 hằng năm.
Một con cầy hương đực thường sẽ được ghép đôi với 3 con cầy hương cái để đảm bảo sức khỏe cho con đực.
Đặc điểm nhận biết khi con cầy hương cái đến thời kỳ sinh sản đó là bộ phận sinh dục có màu hồng đỏ. Sau khoảng 3 – 4 ngày ghép đôi, người nuôi sẽ tách con cầy hương đực.
Sau 2 tháng mang thai, cầy hương cái sẽ sinh nở. Đối với lứa đầu của năm, sau 40 – 45 ngày tuổi, cầy hương con được tách ra khỏi mẹ để con mẹ nhanh động dục và bước vào kỳ sinh sản tiếp theo.
Đến lứa thứ hai thì người nuôi để con cầy hương non ở với mẹ trong khoảng 60 ngày mới tiến hành tách con.
Anh Kiên sẽ lựa chọn những con cầy hương đạt để nuôi khoảng 5 – 6 tháng rồi bán giống với trọng lượng khoảng 3kg. Những con cầy hương còn lại sẽ được nuôi tiếp đến khi đạt trọng lượng khoảng hơn 4kg thì bán thịt với giá 2 triệu đồng/kg.
Anh Kiên cho biết, trung bình một con cầy hương trưởng thành sẽ có trọng lượng tối đa khoảng 8-10kg, có con cầy hương đực trọng lượng tới 12kg. Thời gian sinh sản của con cầy hương cái kéo dài khoảng 10 năm.
Hiện tại, với diện tích khoảng 200m2 trang trại, anh Kiên đang có tổng cộng 100 con cầy hương, gồm 35 cặp cầy hương bố mẹ và 30 con cầy hương hậu bị.
Sắp tới anh Nguyễn Bá Kiên (xóm Bến 2, xã Đắc Sơn, TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) dự định sẽ mở rộng thêm quy mô diện tích chuồng nuôi cầy hương lên 400m2 để vào thêm giống mới.
Kích thước chuồng nuôi cầy hương có chiều dài 1m, chiều rộng 70cm và chiều cao 1,2m, được chia làm 2 ngăn để tiện cho việc chăm sóc và vệ sinh.
Mặt sàn của chuồng nuôi cầy hương làm bằng các thanh gỗ phẳng, khoảng cách giữa các thanh ghép cách nhau từ 1,5 – 2cm.
Nuôi cầy hương có ưu điểm không gây ô nhiễm môi trường, do phân được xử lý bằng cách rắc vôi bột, men vi sinh và để khô, sau đó được tận dụng để bón cho cây trồng.
Để tránh lây bệnh và thuận lợi cho việc chăm sóc cầy hương, anh Kiên nuôi riêng lẻ mỗi con một chuồng và có hồ sơ quản lý cụ thể, theo dõi sát sao sức khỏe của cầy hương.
Sau nhiều năm nuôi thành công cầy hương, hiện anh Kiên bán cầy hương giống với giá từ 15 - 25 triệu đồng/cặp tùy theo trọng lượng, độ tuổi của con giống. Còn cầy hương thương phẩm được anh bán với giá 2 triệu đồng/kg.
Dù giá cầy hương giống và giá cầy hương thương phẩm cao, nhưng anh Kiên vẫn không đủ hàng mà bán.
Nhờ nuôi cầy hương, sau khi trừ đi tất cả các chi phí, anh Kiên thu về gần 1 tỷ đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.