Nuôi động vật hoang dã độc lạ, giảng viên về hưu tỉnh Thái Nguyên kiếm bộn tiền
Thái Nguyên: Nuôi những con độc lạ, giảng viên về hưu vẫn kiếm bộn tiền
Hà Thanh - Kiều Hải
Chủ nhật, ngày 04/07/2021 19:03 PM (GMT+7)
Sau 7 năm nghỉ hưu, đến nay, ông Trần Đình Quang - cựu giảng viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã có một trang trại nuôi con độc lạ quy mô lớn với nhiều loại động vật bản địa do chính ông nghiên cứu, lai tạo và phát triển.
Ông Trần Đình Quang (67 tuổi) là cựu giảng viên Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Với ý tưởng nghiên cứu, lai tạo giống và bảo tồn gen động vật bản địa nên sau khi về nghỉ hưu, ông Quang đã phát triển trang trại quy mô lớn, chăn nuôi nhiều loại động vật bản địa khác nhau.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Quang cho biết: "Trước đó, tôi đã từng làm trang trại và chăn nuôi một số loại động vật bản địa như lợn rừng. Nhưng phải đến năm 2014 sau khi về nghỉ hưu, tôi mới mở rộng quy trang trại và phát triển thêm nhiều loại vật nuôi".
Theo ông Quang, năm 2006, ông cùng một vài người mua lại 5ha đất của công ty tơ tằm tại xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên để làm trang trại.
Năm 2016, để sản phẩm làm ra có xuất xứ rõ ràng và được bảo hộ, ông đã thành lập HTX Chăn nuôi động vật bản địa với 7 thành viên tham gia. Hiện nay, HTX chủ yếu chăn nuôi ngựa bạch, hươu sao, dê, lợn rừng... và trồng một số loại cây ăn quả.
Đối với lợn rừng, hiện HTX đang nuôi 100 con giống lai tạo từ lợn rừng Tam Đảo. Trước đây, trang trại chăn nuôi lợn rừng lai Thái Lan nhưng không hiệu quả. Sau đó, nghiên cứu thấy giống lợn rừng Tam Đảo dễ nuôi nên ông đã chuyển sang nuôi giống lợn này.
Hiện nay, lợn rừng được HTX bán giống với giá 210.000 đồng/kg và chủ yếu bán cho các "vệ tinh" của HTX. Ngoài ra, HTX cũng bán lợn rừng thịt cho các nhà hàng với giá bán 150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm bán thịt với giá 200.000 đồng/kg mà không có đủ hàng.
Theo ông Quang, trong các con vật nuôi tại HTX, hươu là loài dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với ngựa cũng tương tự, dễ nuôi, ít bệnh tật và ăn ít nhưng giá trị kinh tế mang lại cao hơn hẳn.
Thông thường, ngựa giống sẽ được xuất bán khi khoảng 8 tháng tuổi. Lúc này, ngựa thường đạt trọng lượng trung bình khoảng trên 1 tạ và được bán với giá từ 35 – 40 triệu đồng/con.
Ông Quang chủ yếu bán hươu giống và ngựa giống cho bà con trong khu vực, tạo thêm nhiều "vệ tinh" cho HTX. Bình quân mỗi con hươu hoặc ngựa cho thu lãi trên 10 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó và chủ yếu là bán tại chỗ, thậm chí không đủ để bán.
"Ưu điểm khi mua con giống của HTX là có nguồn gốc con giống rõ ràng, không có chuyện lai giống cận huyết do đã được nghiên cứu kỹ càng vì thế có thể yên tâm về chất lượng," ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, ông nhận thấy làm nông nghiệp nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng sẽ khó thu về lợi nhuận. Do đó điều tiên quyết đối với làm nông nghiệp mà ông đúc kết được đó là phải hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng lao động. Để làm được điều đó, cần phải hợp lý hóa sản xuất nhằm giảm chi phí lao động.
Bởi vậy, ông Quang chỉ thuê 3 lao động chính làm việc thường xuyên tại HTX và 3 lao động không chuyên, còn lại là thuê thêm lao động trong dân khi có nhu cầu.
Ngoài việc chăn nuôi động vật bản địa, HTX còn trồng các loại cây ăn quả như bưởi diễn, bưởi da xanh với số lượng khoảng 1.000 gốc.
Theo ông Quang, mục tiêu của HTX không chỉ phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho các thành viên và các hộ dân trong vùng, mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen động vật bản địa có giá trị.
Do đó trong thời gian tới, ông Quang sẽ không mở rộng quy mô trang trại mà chỉ tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm, đồng thời mở rộng thêm nhiều "vệ tinh" xung quanh HTX.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.