Là người chuyên tâm theo dõi các kỳ Đại hội Đảng, ông có thể cho biết điểm nổi bật của dự thảo báo cáo chính trị lần này so với các kỳ Đại hội Đảng trước?
- Theo nhìn nhận của tôi, mỗi kỳ đại hội của Đảng, có một số chủ trương, đường lối nổi bật. Ví dụ: Đại hội IX nổi bật là việc xác định các chế độ sở hữu, Đại hội X là vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, Đại hội XI là ba khâu đột phá, tái cấu trúc nền kinh tế và những nội dung mới về dân chủ XHCN.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Sinh thời, Bác Hồ luôn đề cao nhắc nhở bài học gần dân, dựa vào dân với các cán bộ, lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu
Tiêu đề của Báo cáo Dự thảo lần này là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Như vậy, ngoài những vấn đề chung là xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục công cuộc đổi mới, tuy sắc thái cụ thể có khác nhau, những nội dung mà Đảng lãnh đạo thực hiện trong từng nhiệm kỳ, thể hiện trong tiêu đề Báo cáo có những “điểm nhấn” trọng tâm khác nhau. Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội IX và X, trọng tâm là “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, và chúng ta đã thực hiện được.
Ở Đại hội XI và Đại hội XII lần này là “tạo nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tuy nhiên, dự thảo lần này không đặt ra mục tiêu “đến năm 2020” mà là “sớm trở thành” nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có thể nói rằng, trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII lần này chưa thấy có những “điểm nổi bật” như các đại hội trước, nhưng có hai vấn đề đáng lưu ý: Thứ nhất, tất cả những vấn đề được đề ra ở các đại hội gần đây đều được triển khai ở tầm mức rộng hơn, sâu hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn. Thứ hai là vấn đề “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước” được nhấn mạnh.
Trong 5 bài học mà Ban chấp hành T.Ư Đảng rút ra sau quá trình 30 năm đổi mới, theo ông đâu là bài học quan trọng nhất?
- Lần này dự thảo nêu lên 5 bài học. Một là, bài học về mục tiêu: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hai là, bài học về lực lượng: Quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
"Theo tôi, các bài học cần khái quát hơn, cô đọng hơn. Nên rút riêng một bài học về hội nhập; cần có bài học về việc chưa hoặc không thể khắc phục những khuyết điểm, yếu kém cùng loại kéo dài; về việc chưa hoặc không đẩy lùi được các nguy cơ”.
GS - TSKH Phan Xuân Sơn
|
Ba là, bài học về phương thức đổi mới: Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Bốn là, bài học về xu thế thời đại, thế giới: Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Năm là, bài học về sự lãnh đạo của Đảng.
Trong 5 bài học trên, có những bài học mang tính nguyên tắc. Nhưng bài học liên quan đến năng lực tư duy, năng lực tổ chức, năng lực xử lý các vấn đề, liên quan đến hình ảnh “đạo đức và văn minh” của một Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, một đảng cầm quyền và bài học thứ hai - bài học phải dựa vào dân là những bài học quan trọng nhất. Có dân, có sự sáng tạo của dân, nguồn lực của dân và trách nhiệm của dân thì bất cứ việc gì cũng làm được. Không thấm nhuần được bài học này, mọi vấn đề khác cũng không có tác dụng, không có giá trị.
Trong dự thảo Báo cáo chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI tự thừa nhận công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới... Lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để làm rõ. Ông có thể phân tích rõ hơn?
- Trong báo cáo chính trị của các đại hội Đảng gần đây đều nêu rõ khuyết điểm này. Có thể nói, có nhiều loại khuyết điểm, yếu kém trong đó có khuyết điểm, yếu kém về công tác lý luận, đã tồn tại từ lâu, đại hội nào cũng nhắc tới, nhưng chưa được khắc phục. Tại sao như vậy?
Những yếu kém trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn có nhiều nguyên nhân, từ kinh phí đầu tư, tổ chức thực hiện, phương pháp nghiên cứu... Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu dân chủ trong khoa học, hành chính hóa, quan liêu hóa các hoạt động khoa học và học thuật. Chính những nguyên nhân này chứ không phải thiếu kinh phí đã làm cho việc nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn chưa phát huy được năng lực sáng tạo, nặng hình thức, giáo điều, không bám sát thực tế... Và kết quả là lý luận lẽ ra phải đi trước soi đường lại bị lạc hậu so với thực tiễn và “chưa đáp ứng được yêu cầu”, như Đảng ta đánh giá.
Xin cảm ơn GS!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.