Tham nhũng lan tràn Ấn Độ

Chủ nhật, ngày 11/11/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Arvind Kejriwal từng là một quan chức ngành thuế, nhưng giữa những năm 1990, ông bỏ việc để tham gia phong trào chống tham nhũng với mục tiêu chính phủ phải minh bạch hơn.
Bình luận 0

Arvind Kejriwal, 44 tuổi, từng là một cán bộ thuế cấp cao ở Ấn Độ, nay lại là một gương mặt nổi tiếng trong phong trào chống các công chức tham nhũng ở đất nước này với tên gọi India Against Corruption (IAC). Gần đây, ông tố cáo Robert Vadra tham nhũng, dù đó là con rể của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền.

Đây là lần đầu tiên gia đình chính khách quyền thế nhất Ấn Độ bị tố cáo tham nhũng. Kejriwal trưng các tài liệu cho thấy có sự mờ ám trong việc mua đất giữa doanh nhân Vadra với DLF Ltd, công ty bất động sản lớn nhất nước.

Ông nói: “Vadra được biếu không vô số bất động sản. Việc con rể của một triều đại cầm quyền thu lượm được hàng triệu USD từ những vụ mua đất mờ ám từ khi Đảng Quốc đại cầm quyền từ năm 2004 khiến đặt ra những dấu hỏi lớn”.

img
Ashok Khemka

“Vì trên có lời chỉ đạo”

Lời tố cáo của Kejriwal còn có sự ủng hộ của Ashok Khemka, một công chức mẫn cán suốt 21 năm và rất ghét thói tham nhũng ở bang Haryana, nên ông luôn làm các “sếp” mất cảm tình. Đó là lý do Khemka bị chuyển công tác những 43 lần, tức trung bình 6 tháng lại “bị” điều qua việc khác.

Ở vị trí công tác cuối cùng là cán bộ phụ trách mảng đăng ký sử dụng đất, ông chỉ “thọ” 80 ngày, cũng vì vụ Vadra bị tố cáo. Ông đọc báo biết chuyện các hợp đồng mua đất giữa Vadra với DLF xảy ra tại 4 quận mà ông phụ trách, nên ông lập tức ra lệnh điều tra, yêu cầu gửi các loại giấy tờ về các lô đất liên quan để ông kiểm tra. Ông nói: “Nếu các tố cáo đúng sự thật thì phải tung hê để có biện pháp xử lý. Vadra chỉ là công dân bình thường và ông ta phải tuân thủ pháp luật”.

Nhưng 3 ngày sau, các “quan” ở hai quận cho biết không thể nộp các loại giấy tờ cho ông, vì “có chỉ đạo từ trên”. Ông đáp lại họ: “Vadra không thể đứng trên luật pháp. Nếu các anh không làm theo lệnh, tôi sẽ gửi thư đến các báo và sẽ là một cơn bão báo chí đấy”. 22 giờ ngày 11.10, một mẩu giấy được gửi đến căn hộ của ông, cho biết ông lại “được chuyển công tác” xuống vai trò nhỏ: điều hành một hợp tác xã nông nghiệp.

Hôm sau, ông viết thư gửi thủ hiến bang Haryana, khẳng định việc chuyển công tác thực chất là “đì” ông vì “tội” điều tra vụ mua đất nông nghiệp giá “bèo” của một trong số các công ty của Vadra. Sau đó, Vadra nhanh chóng có được giấy phép xây dựng khu nhà ở cao cấp (chỉ trong vài ngày, trong khi quy trình cấp chủ quyền thường mất 3 tháng), rồi DLF mua lại các lô đất, khiến giá trị lô đất của Vadra tăng 8 lần.

Khemka khẳng định chính quyền địa phương “ưu ái” rể quý nhà Gandhi. Thủ hiến Bhupinder Singh Hooda phủ nhận chuyện “kỷ luật” Khemka nhưng sẽ điều tra những cáo buộc chống lại Vadra, nhưng “nhấn thêm” này nếu tố cáo không chính xác, ông sẽ “xử lý Khemka tới nơi tới chốn”. Đảng Quốc đại khẳng định việc Khemka bị luân chuyển không liên quan vụ lô đất của Vadra, và không hề có chuyện mua đi bán lại, vì giấy tờ lô đất vẫn do Vadra đứng tên. Kejriwal khẳng định IAC sẽ đứng sau và hỗ trợ Khemka hết mình trong cuộc đấu tranh này.

img
Robert Vadra và Priyanka Gandhi

“Dân thường đặc biệt”

Doanh nhân Vadra rất mê rèn luyện thể thao và là chồng của Priyanka (con gái bà Gandhi) kịch liệt phủ nhận các cáo buộc: “Tôi chỉ là một công dân bình thường làm ăn từ 21 năm nay đều tuân thủ pháp luật, đó là những lời vu khống”. DLF cũng phủ nhận không hề có chuyện khuất tất trong quan hệ mua bán với Vadra, và họ làm ăn rất rõ ràng, không hề có chuyện cho Vadra vay tiền không tính lãi suất.

Vadra không phải một “công dân bình thường”, từ khi tay nhà buôn hàng thủ công mỹ nghệ bang Uttar Pradesh này lấy ái nữ nhà Gandhi làm vợ năm 1997. Đây là “một cặp đũa lệch” theo nhiều nhà bình luận. Nhà Gandhi ba đời đều có những nhân vật số 1 Ấn Độ: ông Mahatma, bà Indira và ông Rajiv. Priyanka là con gái ông Rajiv. Mỗi sáng, nhóm vệ sĩ do chính phủ trả lương chạy bộ theo Vadra ở công viên Lodhi ở thủ đô New Delhi. Vadra được tự do ra vào sân bay mà không bị kiểm soát, quyền lợi chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia.

Cuộc tình của vợ chồng Vadra bắt đầu từ một bữa tiệc do Michelle (chị của Vadra) tổ chức. Tay nhà buôn thường tặng người đẹp Ấn lai Ý những viên đá quý. Khi Vadra cầu hôn, nhiều người Ấn bàng hoàng vì trước đây chẳng anh nào dám mơ chuyện được làm rể nhà Gandhi. Priyanka và Vadra lặng lẽ làm đám cưới, chỉ có gia đình và vài người bạn tham dự. Họ có hai con với nhau nhưng hai năm qua có tin đồn họ ly thân trước khi được xác định đó là tin đồn nhảm.

Robert Vadra không hòa hợp với gia đình mình. Ông bố Rajender công khai bày tỏ sự không hài lòng với cuộc hôn nhân của Robert Vadra. Năm 2002, Vadra công bố từ bỏ quan hệ với bố và em trai Richard. Sau này, ông bố Vadra tìm thấy bị chết trong một nhà khách năm 2009, Richard tự tử từ năm 2003, còn Michelle chết vì tai nạn giao thông năm 2001. Vadra chỉ còn người mẹ Anh lai Ấn tên Maureen.

Còn có thông tin Vadra nhờ “cò” giới thiệu với Ranjan Bhattacharya, con rể của cựu Thủ tướng Vajpayee. Mà theo “luật bất thành văn” trong giới chính trị, lãnh đạo các đảng không tấn công gia đình, con cái của nhau. Đó là lý do Đảng Quốc đại không hề có ý kiến về những vụ tiêu cực của Bhattacharya.

“Con kiến đòi cõng con voi”

IAC đề nghị điều tra rốt ráo các khuất tất trong chuyện làm ăn giữa Vadra với ngân hàng Corporation, nhưng Đảng Quốc đại tố cáo Kejriwal “chơi chiến thuật đấm dưới bụng”: “đánh” Vadra để tấn công đảng này. Khi tung ra những cáo buộc chống lại Vadra, Kejriwal đã “đụng kiến lửa”, va phải bức tường im lặng quanh “triều đại Gandhi-Nehru”.

Đảng Quốc đại bác yêu cầu điều tra những vụ đất đai, nói những cáo buộc Vadra là “hoàn toàn vô căn cứ, không cần thiết phải điều tra”. Một cán bộ Đảng Quốc đại gọi Kejriwal là “tên hoang tưởng đầy tham vọng”.

Bộ trưởng Tư pháp mãn nhiệm Salman Khurshid cũng gọi Kejriwal là “con kiến đòi cõng con voi”, do ông tố cáo vợ chồng Khurshid chiếm đoạt số tiền tương đương 134.000USD của một tổ chức phi chính phủ mà ông bà bộ trưởng điều hành.

Ông bà Khurshid phủ nhận trong khi Thủ tướng Singh công khai ủng hộ ông Khurshid bằng cách phong ông làm Ngoại trưởng Ấn Độ hôm 28.10 qua. Một “chiến hữu” của Khurshid không tin lời tố cáo của Kejriwal: “Một số tiền quá nhỏ đối với một bộ trưởng” và ông ta nói sẽ chỉ nghĩ những tố cáo ấy là nghiêm túc nếu số tiền nhiều hơn 100 lần.

Điều lạ lùng là đảng đối lập Bharatiya Janata (BJB) lại không tranh thủ cơ hội để chỉ trích đối thủ. Người ủng hộ Kejriwal chẳng ngạc nhiên: “Chỉ có một đảng ở nước này và đó là những nghị sĩ. Chỉ có một phe đối lập và đó là nhân dân”. Trước đó, BJP gọi Kejriwal là “sát thủ”, do ông cũng đặt dấu hỏi về một vụ mua đất của chủ tịch BJP Nitin Gadkari, người cũng phủ nhận rằng chẳng làm gì sai phạm. Kejriwal chỉ cười, tuyên bố sẽ còn công bố nhiều vụ tham nhũng khác: “Nhiệm vụ của chúng tôi là công bố cho dân biết các đảng phái chính trị đều tiêu cực. Họ toa rập với nhau, bao che cho nhau”.

Gọi đích danh kẻ tham nhũng?

Dù các tố cáo của Kejriwal chưa dẫn đến cuộc điều tra chính thức nào, nhưng chuyện ông “nhắm thẳng” các nhân vật quyền thế là điều chưa từng xảy ra. Trong quá khứ, các nhà vận động chống tham nhũng đã đề nghị các biện pháp quyết liệt hơn, nhưng lại không có chuyện “bêu tên” và quy tội.

Ngay cả các đảng chính trị cũng tránh “tấn công cá nhân”, điều càng khiến dân Ấn bức xúc trước nạn tham nhũng tràn lan, quan chức và chính khách xa dân và chỉ đứng về phía các công ty, tập đoàn. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), người dân nói chính các đảng tham nhũng nhiều nhất, và một thăm dò mới đây của Ủy ban Giám sát bầu cử quốc gia nêu tài sản trung bình của các nghị sĩ là 2,3 triệu USD, trong khi mức lương nghị sĩ của họ là 900USD/tháng.

Kejriwal từng là một quan chức ngành thuế, nhưng giữa những năm 1990, ông bỏ việc để tham gia IAC với mục tiêu chính phủ phải minh bạch hơn. Năm 2010, ông tấn công nạn tham nhũng quyết liệt hơn.

Ông là một trong những “kiến trúc sư” của IAC mà thủ lĩnh là nhà hoạt động xã hội lão thành Anna Hazare 75 tuổi, người năm ngoái tổ chức tuyệt thực công khai để chống tham nhũng, thu hút sự ủng hộ của hàng triệu người trung lưu bất mãn thói dễ bị mua chuộc của quan chức cầm quyền, trong bối cảnh tham nhũng là “chuyện thường ngày ở Ấn”, từ đút lót để khỏi bị phạt tội vi phạm luật giao thông, “chạy” hộ chiếu cho đến các vụ tai tiếng hàng tỷ USD. Ông có được các tài liệu nhờ vận dụng luật thông tin hồi năm 2005, vốn cho phép người dân tiếp cận các thông tin hoạt động của chính phủ.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem