Thăm nơi sông núi “long chầu” Đá Chông

Phương Mai Thứ tư, ngày 23/03/2016 06:28 AM (GMT+7)
Nhà tôi cách dãy Ba Vì không xa, đôi lần có việc xuống mạn dưới, vẫn nhìn thấy tấm biển chỉ đường Chông Chẹ. Nhưng mãi đến mùa xuân này, tôi mới được tới nơi rừng núi linh thiêng, có những mỏm đá nhọn vút lên trời xanh như cái tên của nó – Đá Chông, và cũng là nơi đã từng cất giữ thi hài của Bác Hồ những năm còn chiến tranh.
Bình luận 0

Một ngày xuân ấm áp, chúng tôi men theo Sông Đà, tìm về Đá Chông. Giờ đã có nhiều đập thủy điện ngăn nước nên con sông trở nên hiền hòa, nhưng theo cái thế sông núi, vẫn nhận ra hình dáng “long chầu”, nơi con rồng uống nước Sông Đà như nhiều người từng nói. Đá Chông gắn với khu K9, nơi “căn cứ địa mật” của một thời chống Mỹ, nơi Bác và Bộ Chính trị từng họp bàn những sách lược quân sự. Một trong những điều mà tôi cảm thấy sâu lắng nhất, phải là những viên sỏi ở đây, dường như dưới mỗi viên sỏi còn cất giấu một câu chuyện thú vị về Người.

img

Những hòn đá hình cây chông (nguồn ảnh: Internet)

Người thuyết minh kể rằng khi xây dựng khu K9, Bác Hồ đã có một góp ý nhỏ là nên dải sỏi thay vì láng bê tông hay vật liệu khác. Bởi thế mà dường như mỗi bước chân của Người đã sưởi ấm sỏi đá để bữa nay tới đây, ta vẫn cảm nhận được sự ấm áp đến lạ kì. Sỏi miên man quanh ngôi nhà làm việc có hình dáng của một chiếc nhà sàn, sỏi dải theo con đường về bờ sông, sỏi tôn lên những “mũi chông” đá khiến cảnh vật vừa tự nhiên, vừa đẹp mắt.

Bao năm tháng chiến tranh đi qua, giờ đây cả một vùng rừng lại trở nên yên tĩnh, thanh bình. Khu “căn cứ địa mật” đã trở thành một thắng cảnh mới với những trải nghiệm thú vị về chiều sâu lịch sử. Nhưng có lẽ, ngay từ những ngày đó, Bác Hồ đã có tầm nhìn rất xa khi Người có ý tưởng biến những mũi đá sắc nhọn thành hòn non bộ với đàn cá bơi tung tăng. Điều đó như một khát vọng hòa bình, một biểu tượng của sự bình yên. Đây cũng chính là nơi Bác đã từng luyện tập để sau có sức khỏe sẽ dự định vào thăm đồng bào miền Nam khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

Lại men theo con sông “độc Bắc lưu”, qua cầu Đồng Quan trở về, lòng tôi vẫn còn thấy bâng khuâng, hẹn một ngày trở lại để bước trên những viên sỏi nhỏ trầm lắng của nơi này và ngắm những mũi đá vút lên trời dũng mãnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem