Thẩm phán tiêu cực, xét xử oan sai sẽ bị xử lý nghiêm

Thứ sáu, ngày 22/03/2013 12:56 PM (GMT+7)
Dân Việt- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình khẳng định như vậy trong phiên trả lời chất vấn sáng 22.3 tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Bình luận 0

Tại phiên họp, trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về chất lượng xét xử các vụ án của ngành tòa án, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Chất lượng xét xử của tòa án theo thống kê hằng năm có kết quả đạt, tỉ lệ chất lượng xét xử tăng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ án, đặc biệt là án tham nhũng còn tạo ra nhiều dư luận. Việc đưa ra xét xử ít hay nhiều là do trách nhiệm của cơ quan điều tra. Về khả năng xảy ra tiêu cực, ông Bình nói: “Không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử”.

Với những bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử gây thiệt hại nghiêm trọng tới lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất bình trong dư luận, ông Bình nhấn mạnh: Phải tổ chức ngay việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

“Riêng đối với các vụ án về tham nhũng mà bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, tòa án đã xét xử phải gửi bản án về TANDTC để giám đốc kiểm tra nhằm bảo đảm giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này”, ông Bình nêu rõ.

Đi sâu hơn về vấn đề này, ông Bình cho biết, tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng tái bổ nhiệm các thẩm phán có tỉ lệ án bị hủy, sửa cao (trên 1,16% trong tổng số vụ án đã xét xử).

Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại. Đối với những thẩm phán có tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% hay có bản án có sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự, phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác khác.

Đặt câu hỏi với ông Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: Chánh án TANDTC có khẳng định sẽ thực hiện tốt Nghị quyết 47 của Quốc hội hay không, trong đó có các vấn đề về việc không để xảy ra việc kết án oan, chấm dứt việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật, trả hồ sơ điều tra không đúng, khắc phục triệt để tình trạng án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng, nâng tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, khắc phục tình trạng trả lời không có căn cứ kháng án, bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn 100%, nâng tỉ lệ tranh tụng tại phiên tòa. “Nếu thực hiện được thì chất lượng công tác xét xử của tòa án lên cao, tiêu cực, oan sai cũng đỡ”.

Về vấn đề này, ông Bình cho biết: Câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội rất khó. Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành tòa án khẳng định, TANDTC quyết tâm thực hiện gần đạt 100%. “Còn vài phần trăm chưa đạt thì chánh án sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội”, ông Bình nói.

Tại phiên chất vấn, có một số câu hỏi của các đại biểu còn dài, không rõ, trúng vấn đề khiến ông Bình khi trả lời cũng bị nói… lòng vòng, diễn giải nhiều khiến Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phải liên tục nhắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem