Thẩm phán xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Mỗi vụ án là một bài toán xã hội

Lương Kết (thực hiện) Thứ bảy, ngày 26/01/2019 06:39 AM (GMT+7)
“Trước mỗi một vụ án cụ thể, người thẩm phán chúng tôi phải luôn xác định đây là một “bài toán xã hội” mà bài toán này do Nhà nước và  nhân dân giao phó” - Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (ảnh) - chủ tọa phiên tòa xử vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên internet, liên quan đến 2 cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, nói.
Bình luận 0

Vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên internet có thể nói là một trong những vụ án lớn và phức tạp nhất từ trước tới nay. Chủ tọa phiên tòa này là bà Nguyễn Thị Thùy Hương. Nhân dịp cuối năm, nữ thẩm phán này đã có chia sẻ với phóng viên Báo NTNN.

img

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương trong phiên tòa xét xử vụ Phan Văn Vĩnh, Phan Sào Nam. Ảnh: Lê Hiếu

"Làm một nghề luôn chứng kiến và đối mặt với mặt trái của xã hội lại khó để hoàn thiện bản thân, nhưng đó cũng là yếu tố quan trọng để người thẩm phán chúng tôi hoàn thiện mình, là những gian nan thử thách trong “việc tu hành’’...”.

Thẩm phán
Nguyễn Thị Thùy Hương

- Đây là một vụ án đặc biệt đối với riêng bản thân tôi cũng như Hội đồng xét xử (HĐXX). Vụ án có tính chất phức tạp, có số người bị truy tố xét xử, người tham gia tố tụng khác đông, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 bị cáo khi phạm tội đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật (ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa). Nhưng, tôi và các thành viên của HĐXX  không thấy đây là khó khăn. Trước mỗi một vụ án cụ thể, người thẩm phán chúng tôi phải luôn xác định đây là một “bài toán xã hội” mà bài toán này do Nhà nước, và  nhân dân giao phó. Mỗi một vụ án có phương pháp nghiên cứu hồ sơ và cách giải quyết khác nhau nhưng kết quả  cùng đều phải đảm bảo nguyên tắc không để lọt tội phạm, không xử oan người vô tội.

Bà có thể chia sẻ về chuyện liên quan đến số lượng hồ sơ vụ án được vận chuyển, tiếp nhận thế nào; HĐXX phải nghiên cứu hồ sơ  bao lâu? Trong vụ án có liên quan nhiều đến chuyên môn trong lĩnh vực internet, bà làm thế nào vượt qua những khó khăn này?

- Vụ án này có số bút lục lớn, lên đến hơn 100.000 bút lục kèm theo hàng nghìn chứng từ, hóa đơn, sao kê tài khoản ngân hàng, chứa trong 7 tủ hồ sơ (mỗi tủ có 4 ngăn) đều được mã hóa bảo mật. Khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ bàn giao hồ sơ, để nhận hồ sơ Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ phải huy động hơn 10 thư ký để kiểm đếm bút lục trong 2 ngày. Ngay khi nhận được hồ sơ, để đảm bảo kịp tiến độ đưa vụ án ra xét xử HĐXX phải nghiên cứu hồ sơ ngày đêm, kể cả ngoài giờ hành chính, thứ Bảy, Chủ nhật.

img

 Bị cáo Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Thanh Hóa tại tòa. Ảnh: I.T

Giữa tháng 11.2018, TAND tỉnh Phú Thọ tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm. Phiên tòa được tổ chức trên khu vực sân rộng 1.000m2 để phục vụ hơn 200 người tham gia tố tụng, phiên xử kéo dài 20 ngày. HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó Thẩm phán - Chủ tọa phiên toà là bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương - sinh năm 1975, Chánh toà kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ), Thẩm phán Đỗ Ngọc Tuấn, Thẩm phán dự khuyết Tạ Văn Thành.

Đối với bản thân tôi cũng như thực tiễn xét xử tại Phú Thọ, tội “Tổ chức đánh bạc” không phải là mới, nhưng hình thức tổ chức đánh bạc công nghệ cao, với số  lượng bị cáo phạm tội đông lại có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực internet, đòi hỏi tôi và các thành viên của HĐXX phải tìm hiểu kỹ mô hình, cách thức tổ chức, vận hành, thanh toán để hiểu đúng bản chất, từ đó mới đánh giá đúng vị trí, vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và có sự phân hóa đối với các nhóm bị cáo cụ thể.

Khi thẩm vấn 2 bị cáo từng là tướng, từng làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật, bà thấy có gì khác so với những phiên tòa đã xử?

- Trong quá trình giải quyết đối với tất cả các vụ án nói chung và vụ án này nói riêng, chúng tôi xác định không có vùng cấm. Tất cả các vấn đề đều phải được thẩm vấn làm rõ tới cùng để có một bản án công tâm, khách quan, nghiêm minh, đúng người đúng tội và đúng pháp luật.

Trong thời gian xử vụ án đánh bạc online nghìn tỷ,  có bức ảnh đăng trên mạng xã hội cảnh bà và HĐXX trong giờ nghỉ trưa cũng ngồi ăn cơm đĩa ở căng tin một cách rất bình dân. Bức ảnh này nhận được sự chia sẻ của nhiều người, suy nghĩ của bà về sự chia sẻ và nhìn nhận của dư luận thế nào?

- Rất cảm ơn mọi người đã quan tâm và chia sẻ với chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chúng tôi ngoài giờ làm việc thì cuộc sống cũng như những người bình thường, với mỗi suất ăn từ 25.000- 30.000 đồng như vậy cũng hạnh phúc hơn rất nhiều người trong xã hội hiện nay.

Xin đính chính một chút về địa điểm chụp của bức ảnh này  là ngay tại sân của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ và không chỉ riêng HĐXX ngồi ăn cơm mà còn có cả đồng chí chánh án, phó chánh án, các thẩm phán và cán bộ công chức người lao động cùng quây quần ăn tại đây để kịp thời gian cho giờ làm việc buộc chiều.

Thưa bà, là phụ nữ lại hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, nhất là làm Thẩm phán, bà thấy có những khó khăn gì? Bà đã làm thế nào để hài hòa giữa công việc chuyên môn và việc chăm lo hạnh phúc gia đình?

- Biểu tượng và hình ảnh của người thẩm phán chính là người giữ cán cân công lý và cán cân xã hội. Bắt buộc người thẩm phán nói chung và những nữ thẩm phán như tôi nói riêng phải có sự cân bằng và sự thăng bằng, hài hòa trong công việc chuyên môn và gia đình. Làm một nghề luôn chứng kiến và đối mặt với mặt trái của xã hội lại khó để hoàn thiện bản thân, nhưng đó cũng là yếu tố quan trọng để người thẩm phán chúng tôi hoàn thiện mình, là những gian nan thử thách trong “ việc tu hành’’.

Tôi nhận thấy, mặc dù với đặc thù nghề nghiệp, các nữ thẩm phán cũng đã chủ động vượt qua mọi khó khăn thử thách trong công việc mà đặc thù của ngành đem đến để làm được những việc mà nam thẩm phán làm được.

Xin cảm ơn thẩm phán!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem