Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Những điều cần biết liên quan tới thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 19/12/2024 15:44 PM (GMT+7)
Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ một số trường hợp được quy định tại Điều 188 của Bộ luật Lao động năm 2019.
Anh Lại Đăng Khoa ở huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, có câu hỏi như sau: Xin hỏi thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào?
Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án nhân dân.
Về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động được quy định tại Điều 188 của Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:
Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
Một là về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Hai là về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Ba là giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.
Bốn là về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Năm là về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sáu là giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật Lao động năm 2019, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp: Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động: Được quy định tại Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật Lao động năm 2019. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.