Phố Văn Minh giữa lòng TP.Quảng Châu giăng kín những ngôi nhà chọc trời êm ả như hàng trăm năm trước. Những ngôi nhà cổ nằm thanh thản nhìn ngôi trường đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Để giữ gìn được cảnh sắc xưa cũ như thế phải cảm ơn tấm lòng của người Quảng Châu với Bác. Sau ngày nước CHND Trung Hoa ra đời (1949), Chính phủ Trung Quốc mua lại tầng 2 và 3 nhà số 248 - 250 đường Văn Minh, TP.Quảng Châu, làm di tích lưu niệm.
|
Du khách chụp ảnh kỷ niệm bên hình Bác - lớp học của thế hệ cán bộ cách mạng đầu tiên. |
Chị Lưu Minh - hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Đông cho biết: "Kể từ khi cố Thủ tướng Chu Ân Lai tới thăm nơi đây vào năm 1971, ngôi nhà đã trở thành một di tích quan trọng được bảo tồn và duy tu hàng năm để gìn giữ những chứng tích quan trọng về Hồ Chủ tịch và cách mạng Việt Nam. Chính quyền Quảng Châu cũng quyết định giữ nguyên hiện trạng cảnh quan của khu phố này để những người Việt Nam có cảm giác như được sống cùng với lớp cán bộ cách mạng đầu tiên ấy. Mỗi năm có khoảng 2.000 người Việt Nam tới đây tham quan".
Phòng trưng bày của ngôi nhà này thể hiện mối tình bền chặt của những người cộng sản Việt - Trung. Đó là những tấm hình có cái bắt tay thật chặt của Bác với các vị lãnh đạo cách mạng Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình. Khu trưng bày được chia thành 3 thời kỳ: Giai đoạn 1924-1933, Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Quảng Đông trước khi nước Trung Quốc mới thành lập; giai đoạn 1958-1967, Bác Hồ 7 lần tới Quảng Đông và thời kỳ đổi mới.
Rất, rất nhiều bức hình chúng tôi mới lần đầu tiên được biết, trong đó có bức hình Bác đến thăm cây cầu Châu Giang năm 1964, lúc cây cầu vừa khánh thành. Bước phát triển đầu tiên của thành phố giờ là lớn thứ 3 Trung Quốc cũng có dấu ấn của Người, điều ấy càng thể hiện hơn mối tình Việt - Trung bền vững.
Trong số những người đến thăm phòng lưu niệm hôm ấy có hai mẹ con bà Lưu Hà ở tận Đông Quảng cũng đến đây. Bà chỉ vào cậu con trai Ngô Năng Tuấn bảo: "Con trai tôi sắp lấy vợ Việt Nam, tôi cho nó đến đây để hiểu hơn về quê vợ của nó. Sau Tết, chúng tôi sẽ sang Việt Nam thăm nhà gái". Hỏi về Hồ Chủ tịch, Tuấn cười lỏn lẻn: "Trung Quốc - Mao Trạch Đông, Việt Nam- Hồ Chí Minh" bằng tiếng Việt khá sõi. Thế thì có thể lấy vợ Việt được rồi đấy.
Cảm ơn những người Quảng Châu đã dày công gìn giữ ngôi trường đầu tiên của cách mạng Việt Nam để những người Việt Nam xa xứ ấm lòng hơn khi ở nơi xa vẫn được gần gũi hình bóng Bác.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.