Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ruộng bậc thang tựa như một tác phẩm hội hoạ tạc vào vách núi do bao thế hệ người Mông ở Mù Cang Chải cần mẫn tạo dựng. Mỗi năm bà con người Mông ở Mù Cang Chải chỉ gieo cấy được một vụ vì phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Khi cái gió heo may rải đồng, nắng vàng rót mật trên triền đồi cũng là lúc bà con người Mông chuẩn bị thu hoạch lúa mùa. Ngày thu hoạch lúa nơi đây vui như ngày hội bởi lẽ cả năm có cái ăn, cái mặc, con cái có tiền đi học hay không là trông cả vào vụ lúa này.
Thu hoạch lúa với bà con người Mông không dừng lại ở việc đưa thóc về nhà mà nó chứa cả niềm hy vọng của cả một năm. Từ nam phụ lão ấy, ai cũng tham gia thu hoạch lúa. Nói như người già trong bản, mùa lúa chín là mùa mà Giàng ban tặng cho đất này.
Năm nào mưa thuận gió hòa bà con có gạo ăn cả năm. Vụ nào ông trời "giở chứng" là khắp bản trên bản dưới quay quắt trong cái đói giáp hạt. Chẳng thế mà mỗi khi thu hoạch lúa xong, bất cứ một gia đình nào cũng làm một cái lễ tạ ơn trời đất.
Mùa lúa chín cũng là lúc khách du lịch ở khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Mù Cang Chải. Ai cũng muốn được đặt chân lên vùng đất có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn chìm trong sương sớm.
Vượt qua đèo Khau Phạ là chạm đất Mù Cang Chải. Con đèo đá cao sừng sững giữa từng không tựa như hàng rào tự nhiên, phân địa giới giữa huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.
Phía bên đất Văn Chấn là nơi ở của bà con người Thái, bên huyện Mù Cang Chải là đất của người Mông. Đứng từ trên đỉnh đèo du khách thỏa sức ngắm các thửa ruộng bậc thang của các xã Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình… Mùa lúa chín, các thửa ruộng bậc thang tựa như tấm thảm vàng nối nhau kéo dài tít tắp tới tận chân trời.
Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, huyện Mù Cang Chải nổi tiếng với danh thắng quốc gia là ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, óng ả, quyến rũ giữa lưng chừng trời. Hẳn không nhiều người biết rằng, cái tên Mù Cang Chải theo tiếng Mông có nghĩa là “đất gỗ khô”.
Thế mà trên mảnh đất khô ấy, với bàn tay khéo léo, sự nhẫn nại phi thường qua hàng trăm năm vật lộn với thiên nhiên của người Mông, mùa vàng đã bung nở, không chỉ mang lại ấm no cho dân bản mà còn tạo nên cảnh quan tuyệt tác để con người chiêm ngưỡng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.