Than Quảng Ninh nợ 70 tỷ đồng tiền lương (Bài 5): "Chủ tịch Phạm Thanh Hùng quá cô độc"

Đức Hiếu - Cao Oanh Thứ tư, ngày 25/08/2021 13:10 PM (GMT+7)
Những khó khăn về lương, thưởng kéo dài của CLB Than Quảng Ninh với các cầu thủ trong thời gian qua khiến đội bóng này đứng trước nguy cơ giải thể. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng được đánh giá là đã cố gắng hết sức, nhưng một mình ông không thể đưa đội bóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Bình luận 0

Ở thời điểm hiện tại, việc CLB Than Quảng Ninh nợ lương, thưởng khoảng 70 tỷ đồng trong thời gian dài với cầu thủ trong đội đang thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Rất nhiều cầu thủ như Hải Huy, Hoa Hùng, Tiến Duy, Bùi Ngọc Long... đã phải cầu cứu khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, khi V.League 2021 bị hoãn và vừa chính thức hủy thi đấu, nhiều cầu thủ của Than Quảng Ninh đã thất nghiệp hoặc phải đi làm nhiều công việc khác để mưu sinh.

Không ít cầu thủ Than Quảng Ninh đã bức xúc khẳng định, nếu đến ngày 31/8, CLB không chịu trả tiền lương, thưởng thì họ sẽ gửi đơn kiện đến LĐBĐ Việt Nam (VFF), LĐBĐ châu Á (AFC) và LĐBĐ thế giới (FIFA). Nhiều cựu danh thủ, HLV từng gắn bó với Than Quảng Ninh cũng đã lên tiếng về vấn đề thực ra đã xuất hiện và được công khai tại đội bóng trong khoảng 3 năm qua.

Chủ tịch của Than Quảng Ninh là Phạm Thanh Hùng đã rất nỗ lực vì tình yêu với đội bóng, nhưng một mình ông không thể cáng đáng hết những vướng mắc về tài chính để đưa đội bóng đất mỏ vượt khó do Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam dừng tài trợ từ mùa giải 2020. Chính ông Phạm Thanh Hùng gần đây đã tuyên bố chia tay đội bóng, khiến Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ giải thể.

Báo Dân Việt đã tìm hiểu và gửi tới bạn đọc góc nhìn đa chiều xung quanh vấn đề này với các bài viết nêu rõ thực trạng của Than Quảng Ninh, tâm tư, nguyện vọng của các cầu thủ, cổ động viên cũng như những người từng gắn bó và thấu hiểu khó khăn, áp lực mà đội bóng này đang đối diện.

Cách đây vài ngày, nhiều cầu thủ của Than Quảng Ninh đã than thở về việc họ bị nợ lương, thưởng suốt nhiều tháng qua. Thậm chí, có cầu thủ còn chưa nhận đủ khoản thưởng của mùa giải 2019 và cả 100% tiền thưởng của mùa giải 2020. Còn tại mùa 2021, số tiền lương trong các tháng 4, 5, 6, 7 cũng chưa đến tay họ.

Đầu mùa giải, sau 8 vòng đầu tiên, khi Than Quảng Ninh đang thăng hoa trên sân cỏ và đứng nhì bảng, nhiều cầu thủ đã tiết lộ câu chuyện lương, thưởng không được thanh toán đúng hạn. Có cầu thủ phải... vay tiền nhà vợ để sinh hoạt hàng ngày như Mạc Hồng Quân, nhiều người khác cũng phải "giật gấu, vá vai" để sống qua ngày.

"Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đi trên hành trình cô độc ở Than Quảng Ninh" - Ảnh 1.

Các cầu thủ Than Quảng Ninh từng bỏ tập, đình công hồi đầu mùa giải 2021 vì bị nợ lương. Ảnh: Lao Động

Ở thời điểm ấy, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã bỏ tập và tuyên bố sẽ không thi đấu trận gặp Hà Nội FC nếu không được trả lương. Mọi chuyện sau đó tạm êm xuôi khi họ được nhận tiền lương của 7 tháng bị nợ. Nhưng đến lúc này, câu chuyện về tài chính dường như đã trở nên quá trầm trọng và Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ giải thể.

Những ngày qua hay đúng hơn là từ mùa giải trước, Than Quảng Ninh đã rơi vào tình cảnh "tan đàn, xẻ nghé". HLV Phan Thanh Hùng ra đi, những cầu thủ trụ cột hoặc có nhiều năm gắn bó như Quách Tân, Tuấn Linh cũng rời khỏi "con tàu đắm". Hiện tại, Mạc Hồng Quân đã quay lại CH Czech để tập luyện ở một đội bóng thuộc giải hạng 4, còn Hải Huy trong thời gian V.League 2021 bị hoãn (và đã chính thức hủy) thì đi bán hải sản phụ giúp gia đình. Các cầu thủ trẻ có thu nhập vốn đã thấp nay vừa không được nhận tiền vừa rơi vào cảnh không có việc làm lại càng bế tắc hơn nữa.

"Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đi trên hành trình cô độc ở Than Quảng Ninh" - Ảnh 2.

Hải Huy phải đi bóc tôm để mưu sinh khi bị nợ lương, còn V.League 2021 đã bị hủy. Ảnh: FBNV

Việc các cầu thủ Than Quảng Ninh nhấn mạnh, họ sẽ gửi đơn kiện nếu đến ngày 31/8 không nhận được lương, thưởng là điều bất đắc dĩ. Họ thực tế muốn có được thu nhập đúng như hợp đồng đã ký để yên tâm chơi bóng, nhưng đó là giấc mơ không có thật vào lúc này.

Trong những năm qua, nhà tài trợ là Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam ký hợp đồng tài trợ quảng cáo cho Than Quảng Ninh trong 5 năm với số tiền 165 tỷ đồng. Cụ thể, trong các năm 2015, 2016, 2017 là 35 tỷ đồng, năm 2018 và 2019 là 30 tỷ đồng.

"Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đi trên hành trình cô độc ở Than Quảng Ninh" - Ảnh 3.

Mạc Hồng Quân đã rời Than Quảng Ninh để chuyển tới tập luyện tại đội bóng hạng 4 của CH Czech. Ảnh: Ngoisao

Nhưng từ mùa 2020, khi Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam ngừng tài trợ, Than Quảng Ninh đã rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng vì tình yêu với đội bóng đã tìm đủ mọi cách để giải quyết khó khăn, nhiều cầu thủ cũng vì nể và quý ông mà cắn răng đá bóng. Nhưng tình trạng "chơi bóng không thu nhập" này chẳng thể kéo dài mãi và giờ thì chính ông Phạm Thanh Hùng cũng muốn chia tay đội bóng, khi ông cảm thấy bất lực và không còn cách nào để cứu vãn tình thế.

Là người gắn bó với Than Quảng Ninh nhiều năm, HLV Phan Thanh Hùng rất hiểu những khúc mắc mà đội bóng này đang gặp phải. Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Phan Thanh Hùng cho biết: "Khó khăn lớn nhất vào lúc này của Than Quảng Ninh là vấn đề tài chính. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đã cố gắng chi trả lương cho các cầu thủ, nhưng tỉnh lại chưa tạo điều kiện đúng mức cho đội bóng dù "Than Quảng Ninh" là cái tên gắn liền với trách nhiệm của tỉnh.

Thời tôi còn làm việc ở đội bóng này, các cầu thủ đã kêu ca nhiều về việc bị chậm lương. Nhiều cầu thủ cố đá vì tình cảm với chủ tịch Phạm Thanh Hùng. Cá nhân tôi thấy ông Hùng không có lỗi bởi nếu không có ông ấy động viên, khích lệ thì nhiều cầu thủ đã bỏ đội bóng từ rất lâu rồi".

"Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đi trên hành trình cô độc ở Than Quảng Ninh" - Ảnh 4.

HLV Phan Thanh Hùng từng gắn bó nhiều năm với Than Quảng Ninh nên rất hiểu khó khăn của đội bóng. Ảnh: VTC

Bộc bạch thêm với Dân Việt về quãng thời gian còn dẫn dắt Than Quảng Ninh, HLV Phan Thanh Hùng nhấn mạnh: "Khi làm việc ở đây, tôi chỉ nghĩ rằng mình cố gắng làm tốt rồi sẽ được trả tiền. Than Quảng Ninh dù sao cũng là đội bóng của tỉnh, chẳng lẽ lại không được đáp ứng đủ yêu cầu về tài chính. Tôi cứ nghĩ mọi việc sẽ được giải quyết sớm, nhưng cuối cùng lại không phải như vậy".

Đồng cảm với sự bức xúc của nhiều cầu thủ Than Quảng Ninh, HLV Phan Thanh Hùng khẳng định: "Thực sự, do có quãng thời gian gắn bó không hề ngắn, tôi hiểu hoàn cảnh khó khăn của các cầu thủ. Khách quan mà nói, không phải ai cũng có tiền để trang trải cuộc sống. Điều quan trọng là tỉnh phải vào cuộc để giải quyết rốt ráo vấn đề này. Còn nếu không có tiền thì phải để cầu thủ ra đi tìm bến đỗ mới chứ giữ họ lại làm gì?

Hiện tại, đội bóng mang tên Than Quảng Ninh, nhưng nếu để một mình ông Phạm Thanh Hùng gồng gánh thì quá vô lý. Ông Phạm Thanh Hùng phải đi trên một hành trình cô độc, không có ai san sẻ về tài chính với ông ấy. Chuyện nợ lương ở Than Quảng Ninh diễn ra từ lâu rồi, bây giờ chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.

"Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đi trên hành trình cô độc ở Than Quảng Ninh" - Ảnh 5.

Chủ tịch Phạm Thanh Hùng (ngoài cùng bên phải) rất có tâm nhưng không thể giúp Than Quảng Ninh thoát khỏi khủng hoảng. Ảnh: Techz

Tôi mong tỉnh Quảng Ninh hiểu rõ thực trạng và có hướng giải quyết hợp lý và nhanh gọn nhất. Quảng Ninh là tỉnh có kinh tế phát triển mà nợ lương, thưởng cầu thủ tới 2 năm thì sao họ trụ lại được. Tôi nói thật ở các đội khác, nếu nợ lương 1-2 tháng thì cầu thủ đã khó chịu lắm rồi.

Nếu bây giờ các cầu thủ kiện lên FIFA, Than Quảng Ninh có thể rớt xuống hạng Ba do họ đã làm việc không đúng luật. Cầu thủ chuyên nghiệp mà đá bóng bằng niềm tin thì họ làm sao sống nổi. Tiền lương và lót tay họ có, nhưng tiền thưởng thì chẳng có văn bản ký kết nào thì chắc chắn không hy vọng đòi được xu nào".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem