Than Quảng Ninh nợ 70 tỷ đồng tiền lương (Bài 6): Đối mặt vô vàn nguy cơ!

Tuệ Minh Thứ tư, ngày 25/08/2021 16:10 PM (GMT+7)
Thông tin Than Quảng Ninh nợ cầu thủ 70 tỷ đồng đã đến tai Phòng cấp phép VFF. Và nhiều khả năng họ sẽ không được cấp phép dự V.League 2022.
Bình luận 0

Ở thời điểm hiện tại, việc CLB Than Quảng Ninh nợ lương, thưởng khoảng 70 tỷ đồng trong thời gian dài với cầu thủ trong đội đang thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Rất nhiều cầu thủ như Hải Huy, Hoa Hùng, Tiến Duy, Bùi Ngọc Long... đã phải cầu cứu khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, khi V.League 2021 bị hoãn và vừa chính thức hủy thi đấu, nhiều cầu thủ của Than Quảng Ninh đã thất nghiệp hoặc phải đi làm nhiều công việc khác để mưu sinh.

Không ít cầu thủ Than Quảng Ninh đã bức xúc khẳng định, nếu đến ngày 31/8, CLB không chịu trả tiền lương, thưởng thì họ sẽ gửi đơn kiện đến LĐBĐ Việt Nam (VFF), LĐBĐ châu Á (AFC) và LĐBĐ thế giới (FIFA). Nhiều cựu danh thủ, HLV từng gắn bó với Than Quảng Ninh cũng đã lên tiếng về vấn đề thực ra đã xuất hiện và được công khai tại đội bóng trong khoảng 3 năm qua.

Chủ tịch của Than Quảng Ninh là Phạm Thanh Hùng đã rất nỗ lực vì tình yêu với đội bóng, nhưng một mình ông không thể cáng đáng hết những vướng mắc về tài chính để đưa đội bóng đất mỏ vượt khó do Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam dừng tài trợ từ mùa giải 2020. Chính ông Phạm Thanh Hùng gần đây đã tuyên bố chia tay đội bóng, khiến Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ giải thể.

Báo Dân Việt đã tìm hiểu và gửi tới bạn đọc góc nhìn đa chiều xung quanh vấn đề này với các bài viết nêu rõ thực trạng của Than Quảng Ninh, tâm tư, nguyện vọng của các cầu thủ, cổ động viên cũng như những người từng gắn bó và thấu hiểu khó khăn, áp lực mà đội bóng này đang đối diện.

Than Quảng Ninh nợ đầm đìa vẫn được cấp phép

Trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch CLB bóng  đá Than Quảng Ninh đã xác nhận nợ cầu thủ số khoảng  60-70 tỷ đồng tiền lót tay, lương và đã viết đơn trả đội bóng cho UBND tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, nhiều cầu thủ Than Quảng Ninh trong đó có đội trưởng Nguyễn Hải Huy đã đồng loạt gửi đơn đến chủ tịch CLB, UBND tỉnh Quảng Ninh, VFF thể hiện sự bức xúc về việc bị CLB nợ lương, tiền lót tay suốt 3 năm qua.

Than Quảng Ninh nợ 70 tỷ đồng tiền lương: Đối mặt vô vàn nguy cơ! - Ảnh 1.

Chủ tịch CLB bóng đá Than Quảng Ninh khẳng định đã trả đội bóng cho Tỉnh. Ảnh: Minh Hiếu (Báo Lao Động)

Trường hợp "nợ đậm" nhất là cầu thủ Trịnh Hoa Hùng khi anh cho biết bị Than Quảng Ninh nợ lương từ tháng 4 đến tháng 7/2021, 40% tiền lót tay năm 2019, 100% tiền lót tay năm 2020 và tiền lót tay nửa mùa giải 2021.

Các cầu thủ cho biết nếu ngày 31/8 vẫn không được trả tiền sẽ kiện CLB Than Quảng Ninh ra tòa. Đồng thời gửi đơn lên Ban kỷ luật VFF, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) yêu cầu giải quyết.

Về  việc nợ nần chồng chất của CLB Than Quảng Ninh hết năm này sang năm khác, hết tháng này qua tháng khác, câu hỏi đặt ra là VFF, VPF có biết chuyện này không? Và tại sao Than Quảng Ninh vẫn đàng hoàng được cấp phép dự V.League 2021?

Trao đổi với Dân Việt sáng nay (25/8), Trưởng phòng cấp phép VFF Nguyễn Thanh Hà cho biết: "Thông tin CLB Than Quảng Ninh nợ tiền  cầu thủ chúng tôi mới chỉ nghe qua trên mạng xã hội, báo chí chứ chưa có văn bản chính thức nào cả từ phía CLB và cầu thủ nên chưa thể bình luận cụ thể gì về vấn đề này.

Việc Than Quảng Ninh được cấp phép dự V.League 2021 là do họ đang sử dụng báo cáo kiểm toán của năm 2020. Tôi cũng không biết cụ thể vấn đề này do khi đó là người khác làm".

Bao giờ mới "hết nợ"?

Nói rõ hơn về quy trình cấp phép các CLB bóng đá chuyên nghiệp, Trưởng phòng cấp phép VFF Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: "Có các tiêu chí cơ bản là: Tiêu chí thể thao, tiêu chí cơ sở vật chất, tiêu chí nhân lực và hành chính, tiêu chí pháp lý, tiêu chí tài chính.

Trong "Tiêu chí thể thao" thì có các chương trình đào tạo trẻ, tham gia thi đấu các giải "U" quốc gia… Tiêu chí cơ sở vật chất thì có vấn đề sân bãi, các phòng chức năng… Nói chung là rất nhiều thứ mà các CLB chuyên nghiệp phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của AFC".

Than Quảng Ninh nợ 70 tỷ đồng tiền lương: Đối mặt vô vàn nguy cơ! - Ảnh 3.

Nụ cười cay đắng của bầu Hùng trong trận Than Quảng Ninh thua Hà Nội FC 0-4 ở vòng 9 V.League 2021. Ảnh: VPF

Với tiêu chí tài chính, chắc chắn Than Quảng Ninh sẽ không thể đáp ứng và không được cấp phép nếu cứ nợ nần chồng chất như hiện nay.

"Thông thường thì hết năm mới có báo cáo kiểm toán. Trường hợp Than Quảng Ninh, họ sẽ chịu ảnh hưởng vào năm 2022.

Lúc này, phòng cấp phép chúng tôi vẫn đang tiến hành thu thập các tiêu chí từ phía CLB. Khoảng tháng 10 là đến thời hạn phải hoàn thiện sau đó sẽ gửi hồ sơ lên Ban cấp phép VFF dựa theo các tiêu chí cấp phép của AFC để ra quyết định", bà Nguyễn Thanh Hà cho hay.

Thực tế, câu chuyện CLB Than Quảng Ninh nợ tiền lót tay, tiền lương cầu thủ không có gì là mới, thậm chí có thể ví von "xưa như diễm".

Than Quảng Ninh nợ 70 tỷ đồng tiền lương: Đối mặt vô vàn nguy cơ! - Ảnh 4.

Đội trưởng Nguyễn Hải Huy của Than Quảng Ninh đuối thế trước Nguyễn Hoàng Đức (Viettel FC) trong trận đấu ở vòng 10 V.League 2021. Ảnh: VPF

Mới đây nhất, tháng 4/2021, trước chuyến làm khách ở vòng 9 giai đoạn 1 V.League 2021 trên sân Hàng Đẫy gặp Hà Nội FC, cầu thủ Than Quảng Ninh cũng đã lên mạng ca thán việc bị nợ tiền lót tay, tiền thưởng và nợ lương 8 tháng từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021. Họ cũng đã đình công không tập luyện và dự kiến sẽ dừng thi đấu từ vòng 9.

Chỉ sau khi bầu Hùng hứa ứng khoảng 5 tỷ đồng trả trước 4 tháng tiền lương cho cầu thủ thì họ mới chấp nhận tiếp tục thi đấu (thua liên tiếp Hà Nội 0-4 và Viettel 1-2 trên sân Hàng Đẫy, rồi thua tiếp Nam Định 0-1 vòng 11 và hòa T.Bình Định 1-1 ở vòng 12 – đây cũng là vòng đấu cuối cùng khi V.League 2021 đã chính thức bị hủy).

Nhưng một mình bầu Hùng thì cũng không thể "gánh team" mãi được: "Từ năm 2020 đến nay tôi đã 3 lần gửi đơn trả đội bóng cho UBND tỉnh Quảng Ninh, mới đây nhất cũng gửi thêm đơn. Một mình tôi không thể nuôi được đội bóng với kinh phí mỗi năm lên tới cả trăm tỉ đồng.

Suốt thời gian qua khi đội bóng gặp khó khăn, UBND tỉnh Quảng Ninh nhiều lần họp và nói sẽ tháo gỡ nhưng đến giờ cũng chưa thấy gì. Hiện tôi đã trả đội bóng cho UBND tỉnh, công ty của tôi cũng không tài trợ cho CLB Than Quảng Ninh nữa vì giờ không làm ăn được", ông Hùng bày tỏ nỗi lòng với báo chí.

Còn về phía lãnh đạo Sở VHTT Quảng Ninh, Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tùng từng bày tỏ với Dân Việt thời điểm tháng 4/2021: "Quan điểm của chúng tôi là chưa bao giờ bỏ rơi đội bóng, luôn đồng hành cùng đội bóng trong nhiều năm qua. Tỉnh đã đầu tư tiền nâng cấp sân Cẩm Phả. Tỉnh cũng kêu gọi Tập đoàn Than Khoáng Sản tài trợ suốt từ năm 2014. Đến năm 2020, Tập đoàn Than Khoáng Sản làm ăn khó khăn nên họ không tài trợ qua hình thức quảng cáo nữa". 

Vấn đề quan trọng nhất mà các cầu thủ muốn biết thì vẫn đang "mắc" khi bầu Hùng (Công ty cổ phần khai thách khoáng sản vàng Hà Giang và Công ty TNHH một thành viên bóng đá Quảng Ninh – đơn vị quản lý đội bóng Than Quảng Ninh – PV) đã lắc đầu. Tỉnh thì nói theo Luật ngân sách nhà nước, quy chế bóng đá chuyên nghiệp, tỉnh không thể lấy tiền ngân sách trả lương cho cầu thủ được. Và nếu có doanh nghiệp mới vào gánh vác CLB Than Quảng Ninh thì họ cũng không thể trả nợ cũ!

AFC sẽ làm "gắt" trong năm 2022, 2023

Thực tế, những câu chuyện như của CLB Than Quảng Ninh không phải cá biệt, ở một số CLB, vấn đề vẫn đang "tiềm ẩn" và ở thời điểm hợp lý có thể sẽ "bùng phát".

Than Quảng Ninh nợ 70 tỷ đồng tiền lương: Đối mặt vô vàn nguy cơ! - Ảnh 6.

Nghiêm Xuân Tú (áo xanh) cùng Than Quảng Ninh thua Nam Định 0-1 ngay trên sân Cẩm Phả vòng 11 V.League 2021. Ảnh: VPF

Cách đây 7 năm, Quy chế cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp đã được VFF áp dụng theo các tiêu chí AFC quy định. Nhưng mùa giải nào cũng có CLB không đáp ứng được đầy đủ, và trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, VFF lại cấp phép ngoại lệ (đặc cách) và được AFC "xuê xoa" chấp thuận.

Gần nhất, thời điểm tháng 10/2020, Ban cấp phép VFF đã phát đi thông báo 4 CLB không đủ tiêu chí cấp phép dự V.League 2021 là SLNA (không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất), HL.Hà Tĩnh, Hải Phòng (không tham dự đủ các giải trẻ), Nam Định (không đạt tiêu chí về tài chính).

Nhưng rồi tất cả "lại đâu vào đây". Trao đổi với Dân Việt về câu chuyện này, một thành viên Ban cấp phép VFF và có chân trong Ban cấp phép AFC nói: "Trong năm 2022 và 2023, chắc chắn AFC sẽ không cấp phép ngoại lệ cho các CLB V.League không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cấp phép nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem