Trong nửa đầu tháng 11/2020, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) dự báo sẽ dao động giữa 18.000- 21.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy qua 2 trạm này dự kiến cao hơn 10% với trung bình nhiều năm (TBNN) và sẽ lớn hơn khoảng 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 (CKNN).
Mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu sẽ đạt khoảng 2,9m (cao hơn CKNN khoảng 0,8m, cao hơn TBNN 0,3m và thấp hơn mức báo động lũ cấp I khoảng 0,8m).
Tại tỉnh Vĩnh Long, Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh dự báo, trong tháng 11, mực nước trên sông Tiền biến đổi theo kỳ triều, tại trạm Mỹ Thuận có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 17, 18/11 ở mức từ 2- 2,1m (cao hơn so với CKNN 0,39m, thấp so mức lịch sử năm 2019 là 0,07m).
Trong tháng 10 vừa qua, mực nước dọc dòng chính Mekong giảm nhanh. Mực nước lớn nhất nửa cuối tháng 10 tại trạm Tân Châu (tỉnh An Giang) đạt giá trị cao nhất chỉ ở mức 2,88m (xấp xỉ với mực nước TBNN, cao hơn CKNN khoảng 0,5m, nhưng vẫn thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 khoảng 0,8m). Hiện tượng này cho thấy ảnh hưởng của các cơn bão từ số 6 đến số 9 tới vùng ĐBSCL là không lớn.
Tổng lưu lượng qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) chỉ tăng nhẹ lên mức 22.000 m3/s, sau đó giảm dần và tổng lượng dòng chảy qua 2 trạm này đạt khoảng 28 tỷ mét khối (xấp xỉ tổng lượng TBNN và cao gấp 1,8 lần CKNN). Điều đó cho thấy năm nay không có lũ, đến cuối tháng 10/2020 mà mới đạt giá trị cao nhất là 2,88m.
Tuy nhiên, tại tỉnh Vĩnh Long, đỉnh triều lên khá cao. Mực nước cao nhất tháng xuất hiện vào ngày 19/10 tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) đạt 2,06m (xấp xỉ so với CKNN, trên báo động lũ cấp III 0,26m, thấp mức hơn so lịch sử năm 2019 là 0,06m).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.