Người dân lo ngại
Từ đầu tháng 4 đến nay, người dân Hà Nội đã chứng kiến cảnh bị cắt điện một số nơi với thời gian dài ngắn khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hương-trú tại ngõ 173 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 tuần, nơi chị sinh sống đã bị cắt điện.
Chị Hương và những người dân sống tại đây đã không khỏi lo lắng, tới đây nếu thời tiết nắng nóng nữa thì tình trạng cắt điện có diễn ra nữa không? Và mặc dù được Phòng điều độ Điện lực quận Ba Đình cho biết, việc cắt điện thời điểm đó không phải là nguyên nhân thiếu điện mà do rơi vào định kỳ sửa chữa đường dây trước mùa hè, chị vẫn băn khoăn việc bị cắt điện.
"Tôi thấy báo chí đưa nhiều việc thiếu điện, căng thẳng điện mùa khô năm nay mà lo vì tôi có con nhỏ, nếu bị cắt điện thì sẽ rất khổ"-chị Hương nói.
|
Nâng công suất trạm 500kV Phú Lâm phục vụ cấp điện cho miền Nam trong mùa khô 2013. |
Cũng từ cuối tháng 3 đến nay, tại TP.HCM và 21 tỉnh thành phía Nam, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng cắt điện do sự cố, quá tải đường dây truyền dẫn... Người dân miền Nam cũng không khỏi lo ngại, nóng nực mà lại bị cắt điện. Tuy nhiên, theo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), việc cắt điện là do tình trạng quá tải cục bộ, do thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều điện và cho rằng đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát.
Thực tế, lo ngại của người dân về một mùa hè bị cắt điện là hoàn toàn có cơ sở khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) liên tục cảnh báo tình trạng thiếu điện do thiếu nước, EVN phải chạy nguồn điện giá cao. EVN cho biết, từ tháng 4 tới hết tháng 6 sẽ là thời gian cao điểm về tiêu thụ điện trong năm.
Dự kiến, sản lượng điện trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 34,35 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012. Ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) còn cho biết, nguồn thủy điện đang bị đe dọa ảnh hưởng do nước cạn.
Cụ thể, trong mùa khô năm 2013, nguồn thủy điện cả nước chỉ phát được khoảng 20 tỷ kWh trong tổng số gần 54 tỷ kWh cả năm. Cấp điện ở các tỉnh miền Nam còn căng thẳng hơn từ nay tới tháng 6.2013. Miền Nam có thể sẽ không tự cân đối được công suất nội miền và luôn phải nhận công suất từ miền Bắc và miền Trung qua hệ thống truyền tải điện 500-220kV liên kết miền Trung-Nam.
Lý do tăng giá điện
Năm 2012, sản lượng điện chạy dầu cả năm được lên kế hoạch là 0,506 tỷ kWh, trong đó dầu FO là 0,271 tỷ kWh (chỉ trong mùa mưa) và dầu DO là 0,235 tỷ kWh (chỉ trong mùa mưa). Tuy nhiên, thực tế nhiệt điện dầu đã huy động trong năm 2012 là 0,159 tỷ kWh (trong đó chạy dầu FO là 0,079 tỷ kWh). Như vậy, năm 2013, kế hoạch huy động nhiệt điện chạy dầu lớn hơn hẳn so với năm 2012.
Với những khó khăn của ngành điện liên tục được "gióng" lên như hiện nay, cho thấy, áp lực thiếu điện và tăng giá điện là rất lớn. EVN tính toán ngay từ tháng 3.2013, tập đoàn này phải huy động 281 triệu kWh điện chạy dầu có giá cao, từ 3.000-5.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân hiện nay là 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Đến tháng 4.2013, lượng điện chạy dầu phải huy động để đảm bảo điện khoảng 294 triệu kWh. Tính chung cả mùa khô, EVN sẽ phải huy động 1,1 tỷ kWh trong tổng số 1,57 tỷ kWh điện chạy dầu cả năm. Chưa kể, để đảm bảo đủ điện mùa khô, EVN sẽ mua tới 2,07 tỷ kWh điện từ Trung Quốc với giá không thấp.
Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần lên tiếng rằng, đề phòng thiếu điện, Cục Điều tiết điện lực đã lên các phương án dự phòng, trong đó sẽ vận hành tối đa liên tục các nhà máy nhiệt điện tuabin khí từ tháng 4-5-6, tương ứng là 4.095 triệu kWh, 4.215 triệu kWh và 4.112 triệu kWh. Kèm theo đó là khoảng hơn 3.000 triệu kWh nhiệt điện than mỗi tháng.
Trong trường hợp khẩn cấp, có thể phát thêm các nguồn điện giá cao như nhiệt điện dầu DO hay dầu FO và mua điện từ nước ngoài. Nếu vậy, giá điện sẽ khó tránh nguy cơ tăng giá.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.