Nhiều quán ăn, nhà hàng tại TP.HCM đang phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Chủ nhiều trường mầm non tư thục cũng đang khóc ròng vì tiền thuê mặt bằng, nhân viên nghỉ…
Trường mầm non "méo mặt"
Anh Lê Minh Cường, chủ nhóm lớp Mầm non tư thục Lê Minh (Q.9, TP.HCM), chia sẻ: "Hiện nay, nhóm lớp đang hoạt động cầm chừng. Giờ chủ yếu là bù lỗ để duy trì nhóm lớp hoạt động để phụ huynh, mọi người biết là trường còn tồn tại, chứ đang lỗ méo cả mặt!".
Anh Cường cho biết: Trước tết âm lịch 2020, vợ chồng anh thuê mặt bằng và đầu tư trang thiết bị mở lớp mầm non theo phân khúc cao cấp, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau tết âm lịch, xin xong giấy phép hoạt động thì dính dịch nên nhóm lớp tạm đóng cửa. Anh phải ôm tiền thuê mặt bằng và các chi phí phát sinh khác.
Mới đây, trường hoạt động lại được hơn 1 tháng thì dịch lại bùng phát trở lại. "Dịch cứ bùng phát tiếp thế này thì khó mà trụ nổi. Mới tuyển được hơn 10 trẻ thì nay đã có 5 phụ huynh xin cho con nghỉ ở nhà. Chi phí thuê mặt bằng, nhân sự hàng tháng giờ lên đến 60 triệu đồng/tháng. Chưa kể tiền lãi vay ngân hàng. Chỉ mong sao dịch qua nhanh thì mới hy vọng phục hồi lại", anh Cường nói.
Anh Nguyễn Quang Tiệp, chủ 2 trường mầm non Ngôi Sao Sáng (Q.Thủ Đức, Q.9) cũng đang như ngồi trên đóng lửa vì hiện tại chi phí mặt bằng, nhân sự của 2 trường quá lớn.
"Trong đợt dịch trước, dù trường nghỉ học nhưng để giữ chân giáo viên tôi vẫn phải trả lương đầy đủ cho mọi người. Tiền mặt bằng vẫn trả đủ. Tổng chi phí mỗi tháng cả trăm triệu đồng. Hai trường mới hoạt động trở lại gần 2 tháng, chưa kịp hồi phục thì dịch lại bùng trở lại. Nói thật, nếu dịch cứ kéo dài và diễn biến phức tạp thì kiệt quệ luôn chứ không đùa", anh Tiệp chia sẻ.
Cơ sở kinh doanh ngưng hoạt động, trả mặt bằng
Để giảm bớt thiệt hại về kinh tế, hiện tại nhiều chủ nhà hàng, quán ăn đã chọn phương án tạm đóng cửa, tạm ngưng hoạt động một thời gian.
Tại một nhà hàng buffer trên trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Tây, Q.Thủ Đức) từ đầu tháng 8 đến nay luôn đóng cửa. Bên ngoài tường rào treo bảng thông báo: "Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan nhà hàng buffer Đ.D tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết dịch".
Tương tự, tại nhà hàng hải sản số 460 Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) cũng trao biển thông báo do tình hình dịch Covid-19 nên nhà hàng tạm ngưng hoạt động từ 1/8 đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó, tại tuyến đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), tuyến đường nổi tiếng với những nhà hàng, quán ăn theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản, các quán cà phê sang trọng… với những căn nhà cao tầng, rộng rãi cũng đang treo biển cho thuê mặt bằng. Vốn dĩ từ đợt dịch lần trước, các chủ thuê nhà đã phải trả mặt bằng vì chi phí thuê mặt bằng quá lớn.
Anh Cao Trường chủ một quán ăn trên đường Hoàng Diệu (Thủ Đức) nói: "Đóng cửa quán, tạm ngưng hoạt động là chấp nhận mất một lượng khách rồi đó! Tiền mặt bằng có thể thương thảo lại với chủ cho thuê, giảm được phần nào hay phần đó. Với tình hình dịch như hiện nay mà để duy trì quán thì chi phí lớn lắm: phí mặt bằng, nhân viên, điện nước… nên tạm đóng cửa là phương án giảm bớt thiệt hại kinh tế nhất".
Một mặt bằng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) trước đây là một nhà hàng lớn nhưng do dịch giờ chỉ còn là khu đất trống, hoang tàn - Clip: Quang Phương.
Anh Lương Công Bằng, chủ quán Thái Bình (Q.9), cho biết trong đợt dịch trước, quán đóng cửa thì thiệt hại đã quá rõ rồi. Nay dịch bùng phát trở lại, lượng khách hiện tại của quán giảm đi một nửa. Tuy nhiên quán vẫn phải duy trì vì nếu không thì sẽ mất khách.
"Hiện nay lượng khách ít, nhưng chi phí mặt bằng, nhân viên vẫn không đổi nên phải "gồng mình" duy trì dù biết trước nếu cứ kéo dài thì… sẽ đói", anh Bằng nói.
UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường và nhiều hoạt động khác, từ 0h ngày 31/7. TP.HCM cũng đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Yêu cầu tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... Đồng thời khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... và không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).
Mới đây nhất tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 3/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, bắt đầu từ ngày 5/8, tiến hành xử phạt hành chính hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.