Tháng "An toàn thực phẩm 2021": Vẫn canh cánh nỗi lo thực phẩm "bẩn"

Bạch Dương Thứ năm, ngày 15/04/2021 09:41 AM (GMT+7)
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của các đội kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM thời gian vừa qua. Nhưng thực tế, vẫn còn rất nhiều cơ sở cố tình lách luật, trốn luật để kinh doanh thực phẩm "bẩn", trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Bình luận 0

Bài 1: Tiêu hủy hàng tấn thực phẩm vi phạm

Mặc dù đã xử phạt nặng tay nhưng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM vẫn phát hiện thường xuyên các cơ sở vi phạm.

Tháng ATTP 2021: Vẫn canh cánh nỗi lo thực phẩm "bẩn" - Ảnh 1.

Xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm tại chợ Bình Tây.

Theo báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, tính đến đầu năm 2021, Ban đã tiến hành kiểm tra 6.855 cơ sở, phát hiện 274 cơ sở vi phạm, xử phạt 243 cơ sở với tổng số tiền gần 3,622 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 4 cơ sở, buộc tháo gỡ, tháo gỡ quảng cáo 5 cơ sở, buộc kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch lại 315kg sản phẩm động vật, thực hiện tịch thu, thu hồi để tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 2.941kg sản phẩm động vật và 12 gói nấm Linh chi; tiếp tục xử lý đối với 30 cơ sở còn lại, không xử lý 1 cơ sở (do không còn hoạt động).

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tại quận Bình Tân, Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận quận Bình Tân – Tân Phú – Tân Bình (Đội 6) đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các các phụ phẩm động vật không có đăng ký kinh doanh theo quy định. 

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện lô hàng 5.594 kg thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các phụ phẩm động vật không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ gồm 4.400 kg lá lách bò, 760 kg trứng gà non, 342 kg heo ba chỉ, 42 kg sụn gà, 50 kg cá thác lác.

Theo trình bày của chủ hàng, lô hàng được thu mua từ các tỉnh như Hà Nội, Nha Trang nên không có hóa đơn, chứng từ.

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản với các hành vi vi phạm nêu trên và tiến hành tiêu hủy lô hàng (5.594 kg) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. 

Chủ hàng đã thừa nhận hành vi vi phạm trên. Ngoài việc tiêu hủy lô hàng, hành vi vi phạm này dự kiến xử phạt với số tiền 90.000.000 đồng.

Đầu tháng 4/2021, Phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm phối hợp với Đội Quản lý An toàn thực phẩm cùng UBND quận 6, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu hàn the, formol, phẩm màu trên 94 mẫu thực phẩm tại một số chợ truyền thống, phát hiện 2 mẫu hàn the dương tính.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc rất cao từ thực phẩm chay chế biến sẵn

Từ vụ ngộ độc pate Minh Chay đến chùm ca ngộ độc tại Bình Dương vừa qua, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý ATTP TP.HCM bày tỏ sự lo ngại đối với loại thực phẩm này.

"Vụ pate Minh Chay thì rõ ràng là do sản phẩm đóng hộp này không đảm bảo dẫn đến vi khuẩn yếm khí phát triển, tạo thành chất độc botulinum. Nhưng còn chùm ca ngộ độc botulinum tại Bình Dương vừa qua thì cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chỉ có thể là nghi ngờ từ nồi bún riêu chay. 

Vì 2 người đi mua thực phẩm chay, nấu ăn hôm đó đều đã tử vong hoặc hôn mê. Theo lời người khác nói lại, nguyên liệu để nấu ăn hôm đó có cả chả chay, hộp pate bị phồng… nhưng để xác định chính xác là thực phẩm nào nhiễm độc thì hoàn toàn không làm được" - bà Lan chia sẻ.

Từ hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm chay này, bà Lan cũng cảnh báo về mức độ an toàn tại mỗi bếp ăn gia đình. "Các thực phẩm chay chế biến sẵn thường giả đồ mặn như thịt heo, bò, gà, cá… chứa rất nhiều phụ gia thực phẩm, không loại trừ nguy cơ phụ gia công nghiệp. Tốt nhất, người dân nên mua rau củ, thực phẩm tươi sống về để chế biến đồ chay. Nếu sử dụng đồ đóng hộp, cần cẩn trọng kiểm tra, không sử dụng các sản phẩm gỉ sét, phồng rộp… dễ có nguy cơ ngộ độc" - bà Lan cảnh báo.

Phát động Tháng An toàn thực phẩm từ 15/4 – 15/5

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới.

Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 là: "Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới".

Mục tiêu của Kế hoạch là tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về an toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

(còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem