Thăng Bình “thăng hoa” trong xây dựng nông thôn mới

Đoàn Hồng - Trần Hậu Thứ năm, ngày 25/01/2018 13:35 PM (GMT+7)
Từ xuất phát điểm thấp, nhưng chỉ sau 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng đất Thăng Bình đã trở nên tươi mới hơn trước rất nhiều. Thành công lớn nhất của địa phương này là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển sản xuất để góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Bình luận 0

Huyện nghèo “thay da đổi thịt”

Thăng Bình là một trong những huyện có xuất phát điểm về kinh tế thấp, địa bàn cách trở, trải dài với 22 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã nghèo (diện bãi ngang) và 2 xã miền núi. Huyện có dân số gần 190.000 người, trong đó 75% sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng, giao thông nói chung, rất yếu kém nên việc đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương còn nhiều trở ngại.

img

Nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả đã giúp cho nông dân huyện Thăng Bình có thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.H

"Cái được lớn nhất của Thăng Bình chính là hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, nhất là đời sống nhân dân có sự thay đổi tích cực, thu nhập tăng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đã đạt trên 22 triệu đồng”.

Ông Phan Công Vỹ -
Bí thư Huyện ủy Thăng Bình

Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của T.Ư, tỉnh Quảng Nam trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Thăng Bình đã nhanh chóng có được những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sau 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của Thăng Bình đã thay đổi từng ngày.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thăng Bình cho biết, NTM đã giúp cho Thăng Bình đổi thay và những vùng quê vốn nghèo khó trước đây đã “thay da đổi thịt”, khởi sắc. “Khi bắt tay xây dựng NTM, qua khảo sát, đánh giá hầu hết các xã chỉ đạt vài tiêu chí, thế nhưng sau 7 năm thực hiện xây dựng, đến nay toàn huyện đã có 7/21 xã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện là 315, bình quân số tiêu chí NTM mà 21 xã đã đạt là 15,71, tăng 1,61 tiêu chí/xã so với năm 2016.

 “Có được thành quả như vậy nhờ huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng, phong phú theo chuyên đề chuyên sâu hơn. Nhờ đó tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ cũng như người dân. Đặc biệt, trong quá trình triển khai chương trình, các hội, đoàn thể của huyện đã tích cực phối hợp địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Nhiều phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây NTM, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”, “Chung sức xây dựng NTM”, “Thanh niên tình nguyện”, “Phong trào gia đình 5 không 3 sạch”, “ Nhà sạch, vườn đẹp”, “Tiếng kẻng an ninh”… được các hội, đoàn thể và địa phương chú trọng…”.  

Hồi sinh những làng nghề

img

Ông Đoàn Thanh Khiết cho biết thêm, từ nguồn vốn chương trình, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác và vận động nguồn lực trong nhân dân, thời gian qua huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhờ đó đã góp phần tích cực cho phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân hiệu quả hơn, vừa tạo sự khang trang, từng bước hiện đại hóa nông thôn. Riêng năm 2017, toàn huyện đã huy động 264.816 triệu đồng, trong đó vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư (quy thành tiền) là 11.919 triệu đồng...

Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua huyện Thăng Bình cũng đã tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp. “Thăng Bình đã triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất lúa giống, trồng và tiêu thụ gỗ dăm, trồng lạc ở HTX nông nghiệp Bình Đào, HTX nông nghiệp Bình Nam, HTX nông nghiệp Bình Định Nam...” – ông Khiết chia sẻ.

Đặc biệt, những năm qua, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở Thăng Bình không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất của nhân dân. Toàn huyện có trên 1.400 cơ sở sản xuất, giải quyết cho hơn 3.600 lao động, đã hình thành một số làng nghề truyền thống như: làng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP Mỹ Hưng - Bình Triều; làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe – Bình Dương, Tân An - Bình Minh; làng nghề chế biến nông sản bún võng Dốc Sỏi – Bình Quý; làng nghề đan lát mây tre Bình Phụng - Bình Quế; làng nghề hương - thị trấn Hà Lam...

Theo ông Khiết, nhờ có chú trọng phát triển sản xuất, hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả nên thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn không ngừng tăng lên và đời sống ngày càng nâng cao. Nhất là thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm đều giảm. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo còn 7,37%, thì cuối năm 2017 giảm xuống xuống còn 6,24%...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem