Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ

M.T Thứ tư, ngày 29/03/2023 19:38 PM (GMT+7)
Khởi duyên từ một đại sứ, truyền cảm hứng từ một bài hát, Thanh Bùi hiện thực hóa giấc mơ mở các không gian giáo dục đặc biệt SEEC và VICA - thuộc Hệ thống Giáo dục Special Em's - SEEG, dành riêng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam.
Bình luận 0

Là một trong những đại sứ của chương trình "Ngày thế giới vì trẻ em tự kỷ" tại Úc và thể hiện ca khúc chủ đề "Through My Eyes" lan tỏa tình yêu cho trẻ phổ tự kỷ khắp toàn cầu, Thanh Bùi cùng viết lại ca khúc này bằng lời Việt khi trở về Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá nghệ thuật.

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Thanh Bùi chia sẻ về không gian giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: TT

Kể từ mối duyên lành đó, ngày 29/3, Thanh Bùi đã hiện thực hoá giấc mơ ra mắt không gian giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ mang tên SEEC và VICA tại 15 Tú Xương, quận 3, TP.HCM.  

Sự kiện này cũng hướng tới ngày "Thế giới nhận thức về tự kỷ"(2/4), lan tỏa thông điệp thúc đẩy nhận thức trong cộng đồng, tăng cường quan tâm và hiểu biết về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. 

Ít ai biết, nguồn động lực thúc đẩy Thanh Bùi ấp ủ sáng lập một hệ thống giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ lại từ câu chuyện cá nhân. 

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 2.

Một góc học trực quan dành cho các bé

"Thanh luôn có một kết nối đặc biệt với người thuộc phổ tự kỷ. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Thanh cũng kết hợp với rất nhiều cộng sự rối loạn phổ tự kỷ. Họ rất tài năng và cũng vô cùng nhạy cảm, cần được tôn trọng. Nhiều năm sau này khi về Việt Nam, có gia đình, Thanh không ngờ con của Thanh gặp khó khăn về ngôn ngữ vì con sinh đôi và sinh sớm. Thời điểm đó ở Việt Nam, Thanh tìm những bác sỹ giỏi nhất và được kết luận con của Thanh bị tự kỷ. Thanh đã rất suy sụp và không thoải mái, bởi kết luận đó đến quá nhanh, chỉ sau nửa tiếng. 

Từ lấn cấn của một người cha và có nhiều tiếp xúc với người tự kỷ, Thanh tiếp tục tìm đến những chuyên gia quốc tế đầu ngành. Và thật may mắn, Thanh được gặp một chuyên gia hàng đầu, thực hiện quá trình chẩn đoán con trong ba tháng để đi đến kết luận con của Thanh không rối loạn phổ tự kỷ. Từ câu chuyện đó, Thanh thấy áy náy và tự thúc giục mình làm một điều gì đó, cần tạo nên một địa chỉ tin cậy để hỗ trợ các bố mẹ ở Việt Nam. Vì cơ duyên đó, hệ thống SEEG từng bước thành hình và ra đời ngày hôm nay".

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 3.

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc cho các bé rối loạn phổ tự kỷ

Thanh Bùi cho biết thêm, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ vẫn là những trẻ em có nhận thức, có cảm xúc và quan trọng hơn hết các em có một trái tim rất nhạy cảm. Các em có thể nghe và hiểu tất cả những gì chúng ta nói, nhưng các em lại không thể bày tỏ được những điều các em muốn nói theo một cách bình thường.

"Khi nhìn thấy trẻ phổ tự kỷ được cộng đồng đối xử bình đẳng ở các nước phát triển trên thế giới, Thanh nhận ra ở Việt Nam cần phải làm rất nhiều để cải thiện tư duy và nâng cao nhận thức của cộng đồng các phụ huynh, nhà trường. Thanh nhận ra, phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ rất cần sự đồng hành để vượt qua nỗi sợ hãi con mình đặc biệt. Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, khi chính bố mẹ vì giấu, vì sợ mà để con mình chậm phát triển, bỏ qua giai đoạn vàng cần can thiệp sớm từ 0-6 tuổi", nhạc sĩ, người sáng lập hệ thống CEEG nhấn mạnh.

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 4.

Phụ huynh, khách mời tham quan phòng học của các bé

Hướng đến là "ngôi nhà thứ hai" dành cho trẻ có quyền đặc biệt, các không gian SEEC - VICA được thiết kế theo tiêu chí Trường học Hạnh phúc của Unesco xoay quanh 3 chủ đề: Con người - Hệ thống- Môi trường.

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 5.

Quang cảnh lớp học đặc biệt

Không chỉ có chương trình can thiệp dành riêng cho trẻ có quyền đặc biệt giai đoạn từ 0-6 tuổi và tiểu học, tại đây còn áp dụng chương trình can thiệp kỹ năng sống dành cho trẻ từ 8 tuổi trở lên, là khóa học tập hợp nhiều kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân.

Khoác trên mình diện mạo hiện đại và sáng tạo về không gian, SEEC- VICA mang tới môi trường giáo dục giúp can thiệp sớm theo hướng toàn diện nhất, kích thích trí tò mò, óc quan sát và vận động của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. 

Thay vì giới hạn trong diện tích nhỏ, tận dụng nhà phố, biệt thự như các trung tâm can thiệp thông thường, chỉ có không gian sân chơi với cầu tuột, bập bênh và các dụng cụ thể thao ngoài trời, SEEC-VICA định hình là không gian giáo dục chuyên biệt, xây dựng các quy trình học tập được hỗ trợ bằng hình ảnh, cấu trúc hóa để các em luôn nắm bắt được các hoạt động đang diễn ra, hình dung được bước tiếp theo, giúp các em học hiểu, đạt được nhiều hiệu quả hơn. 

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 6.

Khu vui chơi cho các bé trước khi vào lớp

Nói về sự tác động của môi trường giáo dục chuyên biệt đến tương lai cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, nhà hoạt động giáo dục - nhạc sĩ Thanh Bùi - người sáng lập hệ thống SEEG chia sẻ: "Thanh sáng lập Special Em's Education Group (SEEG), bao gồm Trung tâm Quốc tế Chẩn đoán và Can thiệp sớm Rối loạn Phổ tự kỷ (VICA) và Trung tâm Giáo dục Special Em's (SEEC), hướng đến không gian dành riêng cho "trẻ có quyền đặc biệt", là ngôi trường hạnh phúc cho các con, giống như ngôi nhà thứ hai. Hệ thống SEEG dành cho tất cả các phân khúc gia đình có trẻ rối loạn phổ tự kỷ; trong đó, VICA sẽ dành cho các gia đình người nước ngoài và SEEC dành cho gia đình người Việt Nam". 

Thanh Bùi mở ngôi trường hạnh phúc giữa trung tâm TP.HCM cho trẻ tự kỷ - Ảnh 7.

Cây mít là điểm nhấn cho không gian giáo dục đặc biệt

Ngoài chương trình chuyên biệt can thiệp sớm cho trẻ phổ tự kỷ, hệ thống giáo dục sáng tạo Embassy Education sẽ bổ trợ cho các con các môn về nghệ thuật, vận động… hướng đến triết lý giáo dục mọi đứa trẻ phát triển toàn diện, phát huy học thuật, không chỉ về học vấn mà còn nghệ thuật và thể thao. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ phải được cảm giác con là một phần của xã hội, được cộng đồng nhìn nhận với tinh thần tôn trọng.

Điều quan trọng nhất giúp hỗ trợ tương lai cho trẻ phổ tự kỷ mà anh đang thực hiện song song ngoài giáo dục chính thống là việc phát triển hệ thống ngành nghề dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, để các em có cơ hội hoà nhập và đóng góp cho xã hội. 

"Việc tạo ngành mang lại cho trẻ có quyền đặc biệt cảm giác không cô đơn trên con đường của các con, có cộng đồng lành mạnh cùng phát triển công bằng, được tôn trọng. Thanh hy vọng sẽ từng bước làm được điều này, cùng với cộng đồng trao cơ hội phát triển cho "trẻ có quyền đặc biệt", để các con được sống cuộc sống đầy ý nghĩa và có mục đích", nhạc sĩ Thanh Bùi nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem