Xuất thân là một cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nuôi cấy mô, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, với quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, anh Phạm Lân Quang đã đầu tư thành công mô hình trồng nấm hữu cơ và sản xuất nấm giống, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Để có được trang trại nấm như hiện nay anh Phạm Lân Quang cũng đã trãi qua nhiều thất bại.
Năm 2015, anh Phạm Lân Quang xin nghỉ công tác ở Trung tâm nuôi cấy mô trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa về mở trang trại tại khu phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải để trồng nấm, mộc nhĩ. Với ý tưởng vừa sản xuất, vừa tham gia tập huấn, chuyển giao công nghệ trồng nấm cho bà con trong khu phố và khu vực lân cận cùng sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Anh sẽ đứng ra thu gom và tiêu thụ sản phẩm nấm cho bà con.
Nhận thấy nấm mộc nhĩ, nấm sò và nấm linh chi đem lại giá trị kinh tế cao và thích hợp với điều kiện nuôi trồng tại địa bàn, anh Quang đã tìm tòi, học hỏi cách xây dựng trang trại trồng trên diện tích 3000m2. Sau nhiều tháng trồng thử nghiệm, anh gặp thất bại do thời tiết không phù hợp nên nấm bị chết rất nhiều.
Hiện trang trại nấm của anh Quang đã tự sản xuất được phôi giống.
“Lần đầu thực hiện nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa khí hậu thường khắc nghiệt khiến nấm bị chết. Đây là bài học đắt giá trong lần khởi nghiệp từ nấm của tôi. Biết chấp nhận thất bại và có ý chí vươn lên thì mới có thể thành công. Khởi nghiệp là quá trình khó khăn đòi hỏi phải kiên nhẫn tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và chịu khó”, anh Quang chia sẻ.
Anh Quang bắt tay vào nghiên cứu sản xuất meo giống nấm sò, nấm mục nhĩ để đảm bảo chất lượng và cho ra đời lô phôi đầu tiên do chính tay mình tạo giống vào đầu năm 2016. Qua nhiều lần cải tiến và áp dụng kỹ thuật mới, hiện tại tỷ lệ phôi thành công đạt từ 95-97%.
Theo anh Quang khâu vệ sinh là quan trọng nhất trong sản xuất nấm.
Tự sản xuất được giống nấm không chỉ giúp anh chủ động được thời vụ, mà còn có được nguồn giống nấm sạch, đảm bảo chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Không chỉ vậy, anh còn cung cấp giống nấm, mộc nhĩ cho 4 trang trại trồng nấm vệ tinh ở các huyện Hoằng Hóa, Yên Định.
Anh Quang đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm như thay thế lò đốt củi trực tiếp bằng lò hơi góp phần giảm thiểu chi phí vận hành, giảm thiểu tối đa khí thải vào môi trường. Thêm vào đó, anh đầu tư máy phun sương, máy tự động điều chỉnh nhiệt độ nhà trại, lò hấp phôi, lò áp suất, phòng nuôi cấy meo giống giúp kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm nhà trại, tạo môi trường tốt nhất cho cây nấm phát triển.
“Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trang trại giống, chuyển từ lò đun củi sang lò hơi để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu. Máy phun sương tự động để giúp điều chỉnh nhiệt độ trong nhà trại được chuẩn hơn, khi nấm ra sẽ đẹp hơn và giảm nhân công. Khi áp dụng cấy giống nấm bằng thiết bị đặt mua từ nước ngoài, việc thanh trùng tuyệt đối nguyên liệu và việc cấy phôi đã không bị ô nhiễm”, anh Quang cho biết.
Đưa chúng tôi đi thăm trại nấm, anh Quang cho biết, tất cả phải có bí quyết, kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm. Điều quan trọng là sản phẩm nấm, giống nấm phải uy tín, đảm bảo chất lượng và ưu đãi về giá. “Mình làm đúng, làm chuẩn thì mới có nhiều nấm thành phẩm chất lượng. Từ đó uy tín ngày càng tăng và lượng hàng bán ra ngày một nhiều” - anh Quang nói.
Hiện trang trại nấm của anh Quang tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên.
Năm 2018, trang trại của anh Nguyễn Lân Quang sản xuất được trên 7 vạn nấm sò, nấm linh chi và mục nhĩ, thu được gần 15 tấn sản phẩm, doanh thu trên gần 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng.
Không giấu nghề, anh Quang luôn sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho các hộ dân có nhu cầu trồng nấm. Ngoài ra, anh còn liên kết làm đối tác tiêu thụ nấm cho 5 cơ sở sản xuất ở Quảng Xương và huyện Đông Sơn, cung ứng cho các kênh tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và chợ đầu mối thành phố Thanh Hóa.
Anh Phạm Lân Quang cho biết: Cái đầu tiên đặt ra từ chất lượng của các sản phẩm, bao bì mẫu mã hàng hóa là phải đồng nhất. Để đảm bảo được cái đó từ khâu sản xuất đến khâu nuôi trồng, bản thân khâu nguyên liệu đầu vào, thì phải có sự thống nhất. Các trại tôi tham gia bao tiêu sản phẩm hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ luôn để đảm bảo cho sản phẩm ổn định.
Các sản phẩm nấm của trang trại được nhiêu thương lái bao tiêu.
Để đảm bảo chất lượng phôi, vợ chồng anh Quang tự kiểm tra tất cả khâu sản xuất. Đầu tiên là khâu chọn bột gỗ, sau đó vô men, ủ phôi, vô meo, lên giàn nấm. Các khâu đều có phương pháp làm và tỷ lệ riêng.
Mô hình sản xuất nấm của anh Phạm Lân Quang không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo thêm việc làm thường xuyên cho 3 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, tùy vị trí công việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.