Thanh Hoá: Cả làng làm ra thứ que, đến Tết nhà nào cũng đốt liên tục, trăm năm rồi bây giờ mới thấy lo lo

Hoài Thu Thứ bảy, ngày 25/12/2021 05:10 AM (GMT+7)
Do giá nguyên vật liệu làm hương truyền thống ngày càng đắt đỏ, lại vấp phải sự cạnh tranh với các cơ sở sản xuất hương công nghiệp, nên sản phẩm hương truyền thống Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm ra tiêu thụ chậm, nhiều người dân lo mai này thất truyền nghề truyền thống.
Bình luận 0

Clip: Đìu hiu làng nghề làm hương truyền thống làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa những ngày cận Tết

Làng nghề hương Đông Khê có tuổi đời hàng trăm năm

Ở Thanh Hóa, những làng nghề làm hương không có nhiều và dường như có tiếng nhất vẫn là làng nghề hương Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương thủ công truyền thống.

Các cụ cao niên trong làng cho rằng nghề làm hương do cụ Đoàn Nhân Cảnh học được ở vùng ngoại thành Đông Đô (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) đem về dạy cho dân làng.

Một số ý kiến khác lại nói ông tổ nghề này là cụ Thượng thư Lưu Đình Chất khi đi sứ nhà Thanh, triều đại Minh Thế Tông đem về truyền lại cho dân làng.

Đìu hiu làng nghề làm hương truyền thống tại Thanh Hóa những ngày cận Tết - Ảnh 1.

Làng Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương thủ công truyền thống. Ảnh: Hoài Thu

Theo dân làng, cách đây hơn chục năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nếu có dịp đến làng Đông Khê, thật dễ bắt gặp cảnh tượng người dân miệt mài sản xuất hương cung cấp cho thị trường. Nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ gia đình giữ được nghề này.

Có truyền thống làm hương qua nhiều đời, gia đình ông Đoàn Văn Mậu (thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ) cũng là một trong số ít ỏi những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm hương bằng phương pháp thủ công.

Ông Mậu cho biết: "Ở làng Đông Khê trước kia hầu hết mọi người đều sống bằng nghề làm hương. Các cụ học nghề, giữ nghề rồi truyền lại cho con cháu. Bản thân tôi ngay từ khi lên 8, lên 10 cũng đã bắt chước ông bà, bố mẹ làm hương rồi bén nghề từ đó".

Đìu hiu làng nghề làm hương truyền thống tại Thanh Hóa những ngày cận Tết - Ảnh 2.

Hiện nay chỉ còn một vài hộ gia đình tại làng Đông Khê giữ được nghề làm hương truyền thống. Ảnh: Hoài Thu

Hương Đông Khê đặc biệt bởi hương thơm trầm, nhẹ dịu, cháy hết nén và tàn hương vòng xoắn lộc. Hai loại hương nổi tiếng của làng nghề và được sản xuất nhiều nhất là hương sào và hương trăm

Theo ông Mậu, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương ngoài nguyên liệu chính gồm rễ cây bài, nhựa trám và than hoa đều lấy từ tự nhiên, không độc hại thì còn phụ thuộc vào bí quyết của từng người thợ.

Thường thì thợ làm hương sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp theo công thức gia truyền.

Nén hương làm xong được đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 2 ngày, tránh đưa hương qua lửa để hương không bị mất mùi.

Đìu hiu làng nghề làm hương truyền thống tại Thanh Hóa những ngày cận Tết - Ảnh 3.

Nghề làm hương tại Đông Khê đã có sự hỗ trợ của máy móc giúp giảm bớt công lao động. Ảnh: Hoài Thu

Cần bảo tồn nghề truyền thống lâu đời của làng

Vào thời kỳ phát triển nhất, tại làng Đông Khê có trên 100 hộ làm hương quanh năm (chiếm khoảng 50% số hộ dân), sản phẩm làm ra được xuất đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nghề làm hương vốn là nghề chính, giúp người dân làng Đông Khê có thu nhập và trang trải cuộc sống của gia đình. Nhưng có lẽ vì làm theo cách truyền thống nên đòi hỏi sự kỹ càng, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn, rất tốn công sức.

Thêm vào đó giá nguyên liệu đầu vào, giá hương liệu ngày càng tăng cao, nên thu nhập của người làm hương giảm sút đáng kể.

Ông Mậu chia sẻ: "Thời điểm nghề phát triển, vào những tháng giáp Tết đi từ đầu làng tới cuối làng đâu đâu cũng thấy có hương phơi. Tuy nhiên, do thu nhập từ nghề hương so với các nghề khác không cao nên dân làng cũng dần chuyển đổi sang làm các nghề khác".

Đìu hiu làng nghề làm hương truyền thống tại Thanh Hóa những ngày cận Tết - Ảnh 4.

Những người làm nghề còn lại hầu hết là các bậc cao niên trong làng. Ảnh: Hoài Thu

Cũng theo ông Mậu, hiện các hộ gia đình còn giữ được nghề truyền thống này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghề làm hương khá vất vả lại tỉ mỉ, cầu kỳ nên những lao động trẻ không mấy đam mê với nghề. Những người làm nghề còn lại hầu hết là các bậc cao niên trong làng.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay tràn lan các sản phẩm hương thơm công nghiệp với giá thành rẻ. Đó là chưa kể, hương Đông Khê còn phải cạnh tranh giá thành với sản phẩm ở các tỉnh khác đến, đa dạng hơn về chủng loại khiến người làm hương không còn mặn mà với nghề.

"Những nén hương không chỉ đơn thuần là hàng hóa mà còn mang yếu tố tâm linh. Nên dù tuổi mỗi ngày một cao nhưng tôi tâm niệm rằng mình còn sức khỏe thì sẽ còn cố gắng giữ nghề. Tôi cũng răn dạy con cháu phải trân trọng, nhớ công ơn của những người đã tìm được nghề cho mình tới ngày hôm nay", ông Mậu ngậm ngùi nói.

Đìu hiu làng nghề làm hương truyền thống tại Thanh Hóa những ngày cận Tết - Ảnh 5.

Nghề làm hương khá vất vả lại tỉ mỉ, cầu kỳ nên ngày càng ít người theo nghề. Ảnh: Hoài Thu

Như cơ sở sản xuất của gia đình ông Đoàn Văn Mậu là nơi sản xuất hương nhiều nhất làng Đông Khê với công suất 7 vạn hương mỗi ngày. Gia đình ông cũng tạo việc làm cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Về kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, ông Lê Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "UBND xã đã có đề án quy hoạch làng nghề, thành lập hợp tác xã làm hương nhằm tiến tới sản xuất tập trung, phát triển thương hiệu, duy trì và phát triển nghề. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn mà ý tưởng này chưa thể triển khai".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem