Thanh Hóa: Chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học

Hữu Dụng Thứ sáu, ngày 23/10/2020 10:27 AM (GMT+7)
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi hết dịch bệnh, người dân đã tích cực tái đàn nhằm khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn. Một trong những biện pháp bảo vệ đàn lợn được người dân áp dụng đó chính là chăn nuôi an toàn sinh học.
Bình luận 0

Tích cực tái đàn lợn

Những năm qua, trên cả nước, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2020 (đến ngày 21/10/2020), bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 148 xã của 20 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh phải tiêu hủy trong tháng là 12.081 con.

Chính vì vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua được các cấp, các ngành chủ động, tích cực vào cuộc và tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, dập tắt ổ dịch.

Giám đốc Sở NNPTNN Thanh Hóa mong người dân chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học - Ảnh 1.

Đến nay, ngành chăn nuôi Thanh Hóa vẫn thực hiện chế độ báo cáo đột xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố trước 15 giờ hàng ngày và báo cáo định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cũng như kết quả công tác tái đàn, tăng đàn lợn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là cơ quan thường trực BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này, sau hơn 7 tháng dịch tả lợn châu Phi được khống chế, tổng đàn lợn toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 1,2 triệu con (100% so với trước khi dịch xuất hiện). Trong đó, đến tháng 10/2020 tăng thêm 368.450 con (lợn nái, đực giống được tái đàn, tăng đàn, thay đàn là 40.450 con, lợn thịt 328.000 con). Ngoài ra, sản lượng lợn thịt hơi ước đạt 120 nghìn tấn.

Hiện tỉnh Thanh Hóa có 56 trang trại có quy mô chăn nuôi trang trại lớn, 337 trang trại quy mô vừa và 759 trang trại có quy mô nhỏ (chăn nuôi trang trại chiếm 37% tổng đàn lợn). Trong đó đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao đang được thay thế dần mô hình chăn nuôi hộ gia đình.

Để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi lợn, Thanh Hóa đã phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đó là tỉnh hình thành và ổn định các chuỗi giá trị trong chăn nuôi liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty chế biến súc sản Thanh Hóa, chuỗi liên kết gia công của Công ty CP, CJ, Dabaco, Japfa, Newhop, MaVin, Golden....

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chế biến từ chăn nuôi, tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho các công ty hình thành và phát triển hệ thống nhà máy chế biến như: Công ty NEWHOPE SINGAPORE PTE.LTD đầu tư dự án trang trại chăn nuôi và chế biến thực phẩm, quy mô 500 nghìn lợn thương phẩm/năm tại huyện Thạch Thành. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn có quy mô lớn.

Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh nên tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn có thể tiếp tục xảy ra ở những nơi chăn nuôi kém về an toàn sinh học, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.

Từ những nhận định trên, cùng với việc nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được khống chế, không có ổ dịch tái phát…

Thanh Hóa chủ động, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 2.

Giám đốc Sở NNPTNN tỉnh Thanh Hóa mong người dân chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học để hạn chế tỷ lệ dịch bệnh trong chăn nuôi.

Hiện tình hình bệnh dịch tả châu Phi đã tái phát và đang xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 4 tỉnh giáp ranh với Thanh Hóa là tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình và Nghệ An, cùng với tình hình thời tiết mưa nhiều, lũ kéo dài cùng với mầm bệnh đã lưu hành có sẵn trong môi trường.

Vậy nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất cao. Đặc biệt chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, trái phép, chưa đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Lê Đức Giang  - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi dịch bệnh được khống chế, người chăn nuôi đã tập trung thực hiện các biện pháp tái đàn. Ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân khi thực hiện tái đàn, phải tuân thủ nghiêm các biện pháp tiêu độc, khử trùng, nhập lợn giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh tái đàn ồ ạt… Trong quá trình chăn nuôi thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

Đến nay, ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa vẫn thực hiện chế độ báo cáo đột xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố trước 15 giờ hàng ngày và báo cáo định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như kết quả công tác tái đàn, tăng đàn lợn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giám đốc Sở NNPTNN Thanh Hóa mong người dân chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học - Ảnh 2.

Từ đầu năm đến nay, tổng số huy động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 18.279 lít hóa chất.

Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Từ đầu năm đến nay, tổng số huy động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 18.279 lít hóa chất.

Luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư và cơ số thuốc để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và phổ biến đường dây nóng tại Chi cục Thú y và Chăn nuôi Thanh Hóa trực dịch bệnh 24/24 giờ, phổ biến rộng rãi trong nhân dân số điện thoại đường dây nóng trực phòng, chống dịch: 02373.260.009 để nhân dân biết, trao đổi thông tin, báo cáo dịch bệnh.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 đội phản ứng nhanh hướng dẫn bao vây, khống chế các ổ dịch mới phát sinh, tăng cường lực lượng triển khai thực hiện nhiệm vụ tại 3 Trạm kiểm dịch đầu mối (Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Xây, Trạm Kiểm dịch động vật và Thủy Sản Tĩnh Gia; Trạm Kiểm địch động vật Thạch Lâm, Thạch Thành), chốt kiểm soát cửa khẩu Tén Tằn và tổ kiểm dịch cơ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học, xuất bán lợn đối với lợn đã đến ngày xuất chuồng, tuyệt đối không găm hàng chờ giá lên, tránh rủi ro và thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra".

Để thực hiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học, theo ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa lưu ý, người dân cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Bên cạnh biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem