Thanh Hóa: Khai thác đá phá di tích

Thứ hai, ngày 24/01/2011 03:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi giấy phép yêu cầu các đơn vị chấm dứt hoạt động khai thác đá, nhưng một số đơn vị khai thác đá ở các xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) vẫn đang xâm hại nghiêm trọng vùng đệm của di tích lịch sử Quốc gia Thành Nhà Hồ.
Bình luận 0

Trên bảo, dưới không nghe…

Dù UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi giấy phép yêu cầu các đơn vị chấm dứt hoạt động khai thác đá, nhưng một số đơn vị khai thác đá ở các xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) vẫn đang xâm hại nghiêm trọng vùng đệm của di tích lịch sử Quốc gia Thành Nhà Hồ.

 img
Mỏ đá ở xã Vĩnh Quang, Vĩnh Lộc vẫn hoạt động dù đã bị rút giấy phép.

Ngày 27-8-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các Quyết định số 3045, 3046 và 3047, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty CP Xây dựng Minh Quang (xã Vĩnh Quang), HTX Đại Phát ( xã Vĩnh Ninh) và HTX Quyết Thắng (xã Vĩnh Yên). Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và UBND huyện Vĩnh Lộc đã thành lập đoàn công tác liên ngành để giải quyết vụ việc.

Ngày 22-9-2010, đoàn đã lập biên bản, thu hồi giấy phép, yêu cầu cả 3 đơn vị trên chấm dứt hoạt động; di dời toàn bộ máy móc thiết bị ra khỏi khu vực trước ngày 25-9-2010, giao UBND huyện Vĩnh Lộc và các xã giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị kể trên. Nhưng 3 đơn vị này vẫn cố tình dây dưa và tiếp tục khai thác với lý do… tận thu.

Vì thế, ngày 31-12-2010, UBND huyện Vĩnh Lộc lại tiếp tục có văn bản "Đình chỉ ngay việc tận thu đá trái phép trên địa bàn", giao cho Công an huyện, phòng Tài nguyên, UBND các xã thực hiện và báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 7-1-2011…

Tảng lờ hay được… " bảo kê" ?

Sáng 17-1-2011 có mặt tại điểm khai thác đá của HTX Quyết Thắng (xã Vĩnh Yên), chúng tôi thấy hoạt động khai thác, vận chuyển đá rất sôi động. Máy múc, máy nghiền, ô tô tải tấp nập ra vào. Mấy phụ nữ đi cắt cỏ về nói rằng: Mỏ đá đã bị cấm, nhưng hàng ngày vẫn nghe tiếng mìn nổ, xe chở đá vẫn tấp nập vào ra… Khi chúng tôi dừng lại chụp ảnh thì mấy thanh niên bặm trợn xông ra với ánh mắt chẳng mấy thiện cảm. Chúng tôi vào điểm khai thác của Công ty CP Minh Quang (xã Vĩnh Quang), chứng kiến một "đại công trường đá" hoạt động hết công suất, máy móc, thiết bị chỉ tạm nghỉ khi chủ đi… dùng bữa trưa. Tất cả những điểm mỏ mà UBND tỉnh Thanh hóa thu hồi giấy phép vẫn hoạt động bình thường.

Ông Lê Quang Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc thừa nhận UBND huyện có chỉ đạo dừng ngay việc khai thác đá, nhưng làm chưa quyết liệt.

Trao đổi với chúng tôi chiều 17-1-2011, ông Lê Quang Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc nói: Từ khi tỉnh có Quyết định thu hồi giấy phép, huyện cùng các ngành đã yêu cầu các đơn vị nói trên dừng ngay việc khai thác, đưa máy móc thiết bị ra khỏi công trường, mọi hoạt động đã chấm dứt.

Nhưng khi được xem loạt ảnh chúng tôi vừa chụp tại các điểm mỏ cách đấy vài giờ thì ông Tuấn mới thừa nhận là huyện có chỉ đạo làm, nhưng chưa quyết liệt. Dư luận cho rằng: "Đã có lệnh cấm của tỉnh thì đố ai dám vác máy vào núi. Còn dám khai thác chắc chắn phải có ai đó bảo kê".

Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ nếu được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới sẽ là niềm tự hào không chỉ của riêng người dân xứ Thanh, mà của cả đất nước. Tuy nhiên, việc có được công nhận hay không thì lại tuỳ thuộc vào ý thức bảo vệ, tôn tạo của chúng ta. Việc các cơ sở khai thác đá chây ỳ trước quyết định của UBND tỉnh khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của UBND huyện Vĩnh Lộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem