Mưa, lũ quét, vỡ đê đã tàn phá nhà cửa, ruộng đồng, tài sản của hàng vạn người dân xứ Thanh. Nước rút, người dân vùng lũ, lụt lại phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh và môi trường bị ô nhiễm.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Ba ngày qua trời nắng to, nước lũ đang rút dần, mùi xú uế bởi xác súc vật chết đang bốc lên tanh nồng.
|
Bác sĩ quân đội cấp phát thuốc cho người dân sau lũ lụt ở Thanh Hóa. |
Ông Lê Bá Lộc - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân dẫn chúng tôi đến thăm các gia đình bị ngập chìm trong nước những ngày qua, cho biết: “Công tác khắc phục sau lũ là rất khó khăn, vất vả. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ tập trung giúp dân xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Những khu vực nước rút xuống, phát hiện người dân có biểu hiện bị nước ăn chân, ghẻ ngứa, đau mắt… sẽ ưu tiên tập trung giải quyết trước”.
Ông Đỗ Văn Phượng (51 tuổi), ở thôn 13, Quảng Phú, cho biết: Mấy ngày qua, nước ngập gần lút mái nhà của ông. Vợ con ông phải đi ở nhờ, một mình ông ở lại bám trụ để canh đàn gà, lũ chó và ít tài sản đã đưa lên nóc nhà. Thế nhưng, suốt ngày ngâm mình với nước lũ, khiến cơ thể ông bị ghẻ ngứa, nước ăn các kẽ chân, kẽ tay, mắt ông cũng bị đau. “Cũng biết nước lũ như vầy là độc lắm, nhưng biết làm sao được. Rất may, khi tôi bị ngứa, thấy mắt hơi đau, các bác sĩ ở huyện đã cung cấp thuốc kịp thời nên cũng đỡ rồi”- ông Phương nói.
Còn tại thị trấn huyện miền núi Lang Chánh, hiện nay công tác khắc phục sau trận lũ quét kinh hoàng vào ngày 6.9 vừa qua cũng đang được tiến hành khẩn trương. Chị Vì Thị Tuyến (37 tuổi) và con gái đến giờ vẫn như người mất hồn. Nhìn căn nhà chỉ còn vài thứ sót lại, chị nghẹn ngào: “Nhà chỉ có 2 mẹ con, cháu nó đang còn nhỏ nên tôi phải gửi ở nhà người thân. Một thân một mình suốt ngày lội bùn bẩn nên sinh ra ngứa chân, tay. Hôm vừa rồi, mẹ con tôi được các bác ở thị trấn và huyện đến giúp đỡ thuốc men, nước uống và hỗ trợ mì tôm để ăn lấy sức dọn dẹp nhà cửa”.
Tập trung chống dịch
Ngay sau khi xảy ra mưa, lũ, ngày 7.9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện chỉ đạo các ngành chức năng bám sát diễn biến tình hình lũ lụt, đồng thời tập trung cứu hộ, cứu nạn người dân, hỗ trợ kịp thời lương thực, nước uống và cung cấp thuốc men, hóa chất đến các vùng bị thiên tai để giúp dân, kiên quyết không để môi trường bị ô nhiễm và dịch bệnh lây lan.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 7.9 đến nay, đơn vị này đã cung cấp kịp thời 315kg bột Cloramin B; gần 100kg phèn nhôm kali; hàng nghìn viên thuốc kháng sinh, hạ sốt, hàng trăm chai chuyền dịch và màn chống muỗi… cho các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Lang Chánh, Yên Định, Nông Cống, Ngọc Lặc để giúp địa phương và người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Lê Bá Lộc cho hay, khi xảy ra lũ, vỡ đê, chính quyền huyện Thọ Xuân đã cử một đoàn cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện và một nhóm bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện về xã Quảng Phú giúp người dân. Vì vậy, đến thời điểm này, mặc dù nước lũ chưa rút hết, đang còn khoảng 200 ngôi nhà ngập trong nước, nhưng công tác xử lý môi trường của địa phương là khá tốt, chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hay bùng phát dịch bệnh sau lũ, lụt.
Ghi nhận của NTNN tại các xã Thọ Lập, Xuân Châu, Quảng Phú (Thọ Xuân), thị trấn Lang Chánh, Lương Sơn (Thường Xuân)… ngành y tế đã phối hợp cùng cán bộ y tế thôn, bản dùng hóa chất Cloramin B tiêu độc khử trùng, xử lý nguồn nước sinh hoạt, đồng thời vận động, hướng dẫn nhân dân vùng bị ngập lụt dọn dẹp vệ sinh môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.