Nhiều tuyến đê ở Thanh Hoa có thể vỡ tiếp

Thứ ba, ngày 11/09/2012 06:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sự cố vỡ đê sông Cầu Chày vào rạng sáng 7.9 vừa qua ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) đã khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, hàng nghìn người dân lâm vào cảnh khốn cùng.
Bình luận 0

Đê vỡ là khó tránh

Ông Phạm Văn Thư- Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, cho biết: “Khi xảy ra vỡ đê, 11/17 thôn của xã bị ngập nước, vì 11 thôn này đều thuộc vùng trũng, do đó, hiện nay nước lũ rút rất chậm. Chúng tôi nhận định sẽ mất khoảng hơn 1 tuần lễ nữa, thì các hộ dân mới trở về nhà để dọn dẹp sau lũ được”.

img
Đê sông Cầu Chày bị vỡ toang vào rạng sáng ngày 7.9 ở xã Thọ Lập và Quảng Phú, huyện Thọ Xuân.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay hệ thống đê sông Cầu Chày bao quanh xã Quảng Phú đã xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không được Nhà nước đầu tư nâng cấp, gia cố thì chuyện vỡ đê ở đây chắc chắn sẽ lại xảy ra. Khi đề cập đến vấn đề này, ông Thư cho biết: Năm 2005, cũng tại xã này đã từng xảy ra vỡ đê ở đoạn qua thôn Đá Lát. Sau đó, Nhà nước đã hỗ trợ, đầu tư cho địa phương 12 tỷ đồng để xây kè, nâng cao mặt đê lên so với mức cũ là 1,5m, đồng thời đổ bê tông, lát mái được 4,5km. Tuy nhiên, hiện nay xã này đang còn tồn tại 7,8km đê xung yếu và xuống cấp nghiêm trọng.

“Hiện tại, toàn bộ hệ thống đê bao còn lại ở Quảng Phú nếu không được Nhà nước đầu tư, nâng cấp thì sự cố vỡ đê như vừa rồi là khó tránh khỏi. Theo chúng tôi dự tính, với 7,5km đê sông Cầu Chày bao quanh xã chúng tôi, cần có khoảng 30 tỷ đồng để nâng cao lên 1,5m nữa, đồng thời đổ bê tông mặt đê như đoạn 4,5 km ở thôn Đá Lát, thì các mùa lũ sau mới có thể chống chọi được”- ông Thư nói.

Nhiều tuyến đê bất ổn

Không chỉ ở Quảng Phú, mà xã như Thọ Lập, cũng bị vỡ đê sông Cầu Chày với chiều dài 35m, tại km 0 + 500 đoạn qua khu vực Long Hồ. Ngoài ra, hệ thống đê sông Chu qua địa bàn xã Thọ Trường cũng đã bị sạt trượt mái đê tới 45m và nứt mặt đê tại km 19+300… do đợt mưa lũ vừa qua gây nên. Còn tại xã Vĩnh Yên và Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Lộc), hiện nay cũng đã, đang xảy ra tình trạng sạt lở đê sông Mã ở mức khá nghiêm trọng. Trong đó, đoạn đê qua địa bàn thôn Yên Tôn, xã Vĩnh Yên và thôn Cẩm Hoàng, xã Vĩnh Quang, xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, sát vào chân đê sông Mã vào hồi giữa tháng 8 vừa qua, khiến cho ngành chức năng tỉnh Thanh đã phải huy động lực lượng, phương tiện nỗ lực kè đá, rọ sắt, bao tải cát… để gia cố các đoạn sạt lở.

Qua tìm hiểu của NTNN, ngay như cả hệ thống đê trung ương trên các sông như: Sông Mã, sông Chu, hiện nay cũng đang có nhiều vấn đề để nói. Như đợt mưa lũ vừa rồi, tại km 24+400, đoạn qua xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, xuất hiện nhiều vết nứt ở men mái đê kéo dài khoảng 70m. Theo người dân ở địa phương cho hay, đoạn đê xung yếu này trước đây đã từng xảy ra bị vỡ. Do đó, năm 1998, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư kinh phí để kè mái đê và chân đê. Tuy nhiên, hiện nay đoạn đê này đã, đang xuống cấp nghiêm trọng khi nước lũ dâng cao.

Nghệ An: Vỡ đê do thiếu kinh phí sửa chữa

Hiện nay tại 2 xã Long Thành và Khánh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nước đã rút, song vẫn còn 8 xóm bị ngập. Người dân cho rằng, việc ngập lũ nặng này do tuyến đê Vũ Giang và đê Biên Hoà bị vỡ. Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch xã UBND xã Khánh Thành cho biết: "Dự án kè đê Vũ Giang là dự án của Bộ NNPTNT, huyện Yên Thành làm chủ đầu tư. Dự án triển khai đã 2 năm nay nhưng hiện vẫn chưa xong. Điều đáng nói là họ thi công bờ kè, cốt đê thấp hơn cốt đê cũ 70cm nên nước lũ tràn gây vỡ 2 đoạn". Trao đổi về việc sự cố vỡ đê, ông Cao Xuân Toản - chuyên viên phụ trách thuỷ lợi Phòng NNPTNT huyện Yên Thành cho biết: "Bờ cốt đê Vũ Giang không phải thấp hơn bờ đê cũ như lãnh đạo xã Viên Thành nói mà là do thi công chưa xong. Việc thi công chậm là do thiếu kinh phí".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem