Giữ đất để… thu tô
Trước năm 1989, gia đình ông Lê Nguyên Sơn ở đội 7, xã Lam Sơn sống và canh tác trên thửa đất số 209 với diện tích 7.912m2 do Nông trường Lam Sơn giao. Hàng năm, ông Sơn vẫn đóng góp nghĩa vụ đầy đủ cho Nhà nước. Đến năm 2000, do căn nhà bị xuống cấp quá nghiêm trọng, ông Sơn đề nghị ông Dương Đức Lai (lúc đó là Đội trưởng Đội 7 của nông trường) xác nhận để ông Sơn chuyển ra mảnh đất sát đường cái (liền kề với khu đất canh tác của gia đình) làm nhà ở và tiện việc canh tác, sản xuất.
|
Khu đất canh tác mía của nhiều hộ chưa được Công ty Lam Sơn bàn giao cho xã. |
Năm 2004, khi Nhà nước chia tách Nông trường Lam Sơn ra thành Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn và xã Lam Sơn, thì gia đình ông thuộc diện quản lý hành chính của xã Lam Sơn. Cũng từ ngày ấy đến nay, gia đình ông và một số hộ hàng xóm đã nhiều lần làm đơn gửi Công ty Lam Sơn, đề nghị Công ty bàn giao đất canh tác của các hộ về cho xã, để xã giao quyền sử dụng và quản lý cho các hộ sản xuất, nhưng không được Công ty chấp nhận.
Thay vào đó, hàng năm Công ty Lam Sơn buộc gia đình ông và một số hộ ở đây phải nộp sản về cho Công ty với mức: 830kg mía/1.000m2/ năm. “Công ty cố tình không bàn giao đất về cho xã Lam Sơn là vì Công ty muốn giữ đất lại để thu sản, thu tô đối với người dân chúng tôi”- ông Sơn bức xúc.
Chính quyền cũng… bức xúc
Trong khi gia đình ông Sơn và một số hộ khác có đất sản xuất trên cùng một khu vực, nhưng Công ty Lam Sơn “thích” bàn giao thửa đất nào thì nhà ấy được (?). Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty Lam Sơn lý giải: “Chúng tôi xét thấy thửa đất nhà ông Sơn và một số hộ khác là không thể bàn giao được, nên không bàn giao. Vì, Công ty có quyền giữ lại diện tích đất đang còn sử dụng có hiệu quả” (!?).
“Nếu không giải quyết dứt điểm việc giao đất, chính quyền xã sẽ không thể quy hoạch xây dựng nông thôn mới được”.
Ông Lương Xuân Dưỡng
Trao đổi vấn đề này với NTNN, ông Lương Xuân Dưỡng - Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết: Trước khi bàn giao đất cho địa phương, Nhà nước giao cho Công ty tự rà soát đất có hiệu quả và không hiệu quả, nhưng không phối hợp với địa phương.
Theo lý của Công ty, nếu bàn giao đất canh tác về cho xã, thì mỗi năm Công ty mất đi 15 tấn mía/ha, mà người dân buộc phải nộp về cho Công ty.
“Nhiều năm nay, chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần lên huyện, lên tỉnh về vấn đề này, nhưng không được giải quyết dứt điểm. Hiện nay, không riêng gì đất canh tác, mà có những khu đất nằm sát và xen kẽ với khu dân cư, lẽ ra phải bàn giao về xã, nhưng Công ty cũng không chịu bàn giao. Họ cho rằng, mình có quyền chọn mảnh đất nào hiệu quả thì giữ lại, vì vậy, ở xã này đang có vài chục hộ liên tục làm đơn đề nghị nhưng không được”- ông Dưỡng bức xúc nói.
Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.