Thanh Hóa: Tỉnh cấm, nông dân cứ chặt cây cao su vì để thì... đói

Bùi Oanh Thứ năm, ngày 30/11/2017 07:25 AM (GMT+7)
Mặc dù cao su từng được coi là cây “vàng trắng” và đang ở thời kỳ thu hoạch, nhưng giá mủ cao su xuống thấp nhiều năm nay khiến người dân phải ồ ạt chặt bỏ loại cây để chuyển đổi sang cây trồng khác. Đó là thực tế diễn ra tại Thanh Hóa mà phóng viên Báo Dân Việt ghi nhận.
Bình luận 0

Đua nhau chặt bỏ… “gánh nợ”

Cách đây hơn 20 năm, cây cao su được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quy hoạch vùng trồng và xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, giúp người trồng đổi đời.

img

Người dân xã Quảng Phú ồ ạt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa. Ảnh: Bùi Oanh

Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 20.000ha diện tích cây cao su, trong đó có hơn 6.400ha cao su đang cho thu hoạch. Các huyện có diện tích cây cao su lớn như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy... Trong năm 2015, tỉnh này đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su, nhưng chỉ trồng được 1ha vì người dân không còn mặn mà với loại cây này.

Năm 1997, khi chính quyền xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) thông báo dự án trồng cao su trên đất 327 (Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15.9.1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm hộ dân. Hơn 144ha đất của 202 hộ nhanh chóng được người dân, chính quyền địa phương triển khai trồng cao su, theo hợp đồng có thời hạn 50 năm. Theo hợp đồng, lợi nhuận người dân thu được sẽ nộp sản cho ngân sách xã 30%.

Sau hơn 10 năm cây cao su cho thu hoạch mủ, vài năm đầu giá mủ cao, người dân có lãi nhưng chỉ được vài năm sau đó giá xuống thấp dần, thấp đến nỗi người dân bỏ mặc cây cao su, rồi tiếp đó là việc ồ ạt chặt bỏ loại cây từng được xem như“vàng trắng”.

Gia đình chị T (ngụ tại xã Quảng Phú) vừa chặt bỏ đi 6.500m2 đồi cao su trong sự cay đắng. Chị T cho biết: “Mất 20 năm công sức chăm sóc cao su mới cho thu hoạch được vài năm, dù không muốn chặt bỏ nhưng cũng phải chặt thôi, càng để càng lỗ đau. Từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuống rất thấp, mỗi ngày vợ chồng tôi đi lấy mủ cũng chỉ thu được từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, không đủ bù chi phí. Nhiều năm nay gia đình tôi đã không đến lấy mủ cao su ở vườn trồng của mình nữa. Nhưng kinh tế gia đình phụ thuộc vào 13 sào đất, nếu cứ để cao su như vậy thì không biết lấy gì mà sống. Vẫn biết chính quyền ra lệnh cấm không cho chặt bỏ cao su, nhưng đành phải liều thôi”.

Nhìn 14 sào cao su hơn 5 năm nay không thu được nổi 1 đồng nào, bà Đỗ Thị Sáu (60 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quảng Phú) nói trong xót xa: “Giá mủ hiện tại chỉ còn 8.000 - 9.000/kg mủ tươi, quần quật làm cả ngày trời cũng không thu nổi 100.000 đồng thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lên xã cầu cứu, xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không được. Xã bảo ở trên họ không cho chuyển đổi, thời hạn hợp đồng chưa hết nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì dân chỉ có chết đói”.

Không chờ được sự đồng ý của chính quyền, nhiều hộ dân tại xã Quảng Phú đã tự ý chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa và các loại cây trồng khác. Chính quyền địa phương có nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra.

Khó giữ diện tích cao su?

img

Những gốc cây cao su hơn 20 năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.  Ảnh: B.O

Tình trạng người dân đổ xô đi chặt bỏ cây cao su đang kỳ thu hoạch diễn ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định… Chính quyền các địa phương rơi vào tình trạng khó xử khi trên thì ra lệnh giữ nguyên diện tích cao su, còn đa phần người dân thì kiến nghị chặt bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng khác nhằm nuôi sống gia đình.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, trước đây, toàn xã có hơn 144ha cao su, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây người dân đã tự ý chặt bỏ khoảng 30ha và khoảng 30ha khác do đổ gãy. Hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 80ha. Theo hợp đồng trông cao su người dân sẽ nộp sản 30% lợi nhuận thu được cho ngân sách xã, nhưng do tình trạng cao su không có lời nên nhiều năm nay xã chỉ thu 100.000 đồng/sào.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân giữ diện tích cây cao su vì hợp đồng chưa hết, nếu chặt bỏ là vi phạm. Tuy nhiên, cũng khó cho người dân khi cao su không đem lại lợi nhuận, nếu họ không chuyển đổi sang cây trồng khác thì sẽ không có nguồn thu. Xã đang cho cán bộ rà soát lại diện tích cao su còn lại, đồng thời sẽ gửi văn bản đến các cấp đề nghị được chuyển đổi sang cây trồng khác như cây dứa, cam, chứ cứ tình trạng này sẽ khó giữ được cao su” – ông Quyết nói.

Ông Lê Thọ Cường - Trưởng phòng NNPTNT  huyện Thọ Xuân cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000ha cây cao su nhưng hiệu quả cây cao su những năm gần đây là rất thấp. Nhiều xã và ngay cả huyện cũng từng có đề nghị với tỉnh được phép chuyển đổi diện tích trồng cây cao su sang cây trồng khác nhưng không được đồng ý. Theo tinh thần của tỉnh thì hiện tại chúng tôi chỉ đạo các xã phải bảo vệ, giữ diện tích cây cao su, người dân không được phép chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác” – ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem