Thanh Hóa: Trồng cây dại đặc gai trên đất cằn lời 300 triệu/năm

Vũ Thượng Thứ ba, ngày 01/10/2019 06:15 AM (GMT+7)
Từ cánh đồng bỏ hoang, cằn cỗi ông Lê Xuân Minh, trú thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, (tỉnh Thanh Hóa) đã "mạnh tay" thầu 1,5 ha để trồng cây cà gai leo-loài cây dại một thời chỉ nhổ vứt đi. Đây là mô hình mới đang giúp gia đình ông Minh có công việc ổn định và thu lời mỗi năm hơn 300 triệu đồng.
Bình luận 0

Vốn xuất thân từ một gia đình khó khăn, lại đông anh em nên ông Lê Xuân Minh phải ngưng việc học và bắt đầu lao động để kiếm sống. Nhưng đi nhiều nơi, làm đủ việc vẫn không thể thoát được cái đói, cái nghèo.

img

Mô hình trồng cà gai leo giúp gia đình ông Lê Xuân Minh có thu nhập ổn định. Trong ảnh, vợ chồng ông Minh đang thu hái cây cà gai leo.

Năm 2004 huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có chủ trương phát triển trang trại, ông Minh đã bàn với vợ vay mượn tiền để thầu 1,5 ha đất đồng Trặt (xã Đông Hoàng) để thực hiện ước mơ, khát vọng làm giàu. Để cải tạo khu ruộng bỏ hoang loang lổ, bước đầu, ông Minh đào ao thả cá, chăn nuôi gà, lợn, trồng cây ăn quả, với hình thức lấy ngắn nuôi dài.

Ông Lê Xuân Minh kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Năm ấy, trang trại tổng hợp gia đình chăn nuôi đang ổn định. Không ngờ sau một đêm, bệnh dịch, giá gà, vịt, lợn...xuống thấp, khiến gia đình thua lỗ. Trong lúc khó khăn, tôi tình cờ đọc trên báo biết cây cà gai leo, toàn thân đặc gai nhưng công dụng rất tốt cho sức khỏe, và thị trường Trung Quốc đang thu mua mạnh".

img

Hoa cây cà gai leo. Ảnh: internet.

"Nghĩ là làm, tôi bắt đầu đi tìm giống cây cà gai leo dại vốn mọc rất nhiều trước kia. Nhưng cuộc đời đâu chiều lòng người, đến khi mình muốn tìm thì loài cây dại này gần như mất gốc hoặc nếu có cũng khó tìm đủ để làm giống. Đành lòng, tôi phải khăn gói quả mướp ra tận vùng chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tìm mua cây giống....", ông Minh kể thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Tại chân núi Tam Đảo, ông Minh ở liền mấy ngày trời, vừa là để học hỏi kinh nghiệm trồng cà gai leo, kỹ thuật trồng cây cà gai leo. Ban đầu chưa biết trồng cây sống chết thế nào, tiêu thụ ra sao, ông Minh chỉ dám mua giống trồng một vài luống nhỏ. Rồi dần dần thấy có hiệu quả kinh tế, sản phẩm cây cà gai leo bán được và thế là ông cứ nhân rộng diện tích trồng cây cà gai leo lên dần dần.

img

Theo ông Minh, đối với người dùng, thân cà gai leo cắt khúc, phơi khô pha nước uống trực tiếp...

Theo ông Lê Xuân Minh cây cà gai leo ở miền Trung có thân màu nâu, cằn cỗi, thân cứng so với miền Bắc và miền Nam.

Đối với đất trồng cây cà gai leo phải dọn sạch, bằng phẳng càng tốt, nên làm dàn che nắng cho cây, gần nguồn nước tưới, kích thước hàng cách hàng 50×50 cm, cây cách cây 50×50 cm. Lưu ý, trong khi chăm sóc cây cà gai leo chỉ sử dụng phân chuồng hoặc phân vi sinh không sử dụng phân hóa học đặc biệt là phân ure. Làm điều này để cho ra sản phẩm thân cây cà gai leo thành phẩm theo hướng hữu cơ, an toàn cho người sử dụng. Việc sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục cũng giúp cây cà gai leo sống bền, sức đề kháng cao trước sâu bệnh...

img

Theo ông Minh, khi chọn giống nên chọn quả già to chín mọng, phơi khô cả quả. Tiếp theo, tách vỏ bên ngoài để lấy hạt ngâm vào nước khoảg 15 phút là có thể vớt lên gieo. Ảnh: internet.

Nếu cây cà gai leo được chăm sóc tốt chỉ sau 4 tháng có thể thu hoạch. Thu hoạch cả thân, rễ cây cà gai leo rồi cắt khúc, phơi khô, không để nơi ẩm ướt. Cây cà gai leo có thể pha nước uống trực tiếp, hoặc nấu cao. Uống nước nấu từ cây rất nhiều công dụng cho sức khỏe như: hạ men gan, giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị bệnh sơ gan...

Hiện nay, mô hình trồng cây cà gai leo của ông Lê Xuân Minh đang tạo công việc cho 4 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng và 7-8 lao động thời vụ. Mỗi năm gia đình ông Minh thu hoạch khoảng 15 tấn thân cà gai leo khô, với giá bán hiện nay 55.000 đồng/kg, trừ chi phí năm thu về hơn 300 triệu đồng.

img

Giá cà gai leo phơi khô hiện nay 55.000 đồng/kg

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Xuân Minh nói: "Tới đây tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị để nấu nấu cao cà gai leo, đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, nhãn mác...để đưa sản phẩm cao cà gai leo ra thị trường. Và cũng trong tháng 10/2019, tôi thành lập HTX cây dược liệu với quy mô khoảng 20 hộ tgia đình rên địa bàn xã Đông Hoàng. Theo kế hoạch, gia đình tôi sẽ mở rộng mô hình cây dược liệu lên 5 ha, trong đó cây cà gai leo là chủ đạo".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem