Về Hà Trung 5 năm về trước, những "cánh đồng mẫu lớn" bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm mà thấy xót xa. Nhưng từ khi thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hà Trung đã chủ động, tìm tòi, áp dụng những cách làm hay, hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, đối với diện tích canh tác khó khăn, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ công tác tiêu thoát nước. Cũng như tổ chức cho nhân dân đấu thầu sử dụng đất để đầu tư chuyển đổi sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, kết hợp trồng lúa với nuôi thủy sản.
Nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, ông Trình Văn Du làm chuồng nuôi lợn, gà mái đẻ... thu về năm gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Trình Văn Du trú tại thôn 4, xã Hà Châu chỉ tay về phía trang trại gia đình đang sản xuất nói: "Trước kia khu vực này là vùng trũng thấp, đa phần diện tích bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm. Sau khi huyện Hà Trung có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, gia đình tôi làm hồ sơ đấu thầu 2 ha về làm trang trại tổng hợp. Hiện tại, dưới nước tôi để 1 ha trồng lúa và nuôi cá; còn trên cạn làm chuồng trại nuôi 50 con lợn thịt, 4.000 gà mái đẻ...doanh thu năm cũng được gần 1 tỷ đồng".
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Hòa-Chủ tịch UBND xã Hà Châu khẳng định: "Việc chuyển đất lúa kém năng suất sang mô hình tổng hợp, nuôi trồng thủy sản...giá trị tăng gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Bởi, giải pháp này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Hơn nữa, mô hình này lại dễ thực hiện, độ rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn, nên thu hút được nhiều hộ dân tham gia".
Quy định xây dựng trang trại đang gây khó cho người chăn nuôi. Ảnh: Vũ Thượng
Tuy nhiên, điều khiến ông Phạm Sỹ Hòa vẫn còn lo lắng là thời gian hợp đồng thuê đất ngắn, chưa kịp đầu tư đã hết hạn. Ngoài ra, đối với quy định xây dựng trang trại không được kiên cố, bó hẹp về diện tích...cũng khiến nhiều gia đình bất an mỗi khi bước vào mùa mưa bão.
Mô hình tổng hợp tạo công việc cho nhiều lao động. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài làm mô hình tổng hợp, huyện Hà Trung còn chuyển đổ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau như: Dưa chuột, cà chua, khoai tây... bình quân doanh thu từ 45-50 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu cả năm đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm. Qua đó giúp luân canh cây trồng cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại, từng bước thay đổi tập quán của nông dân.
Bên cạnh ấy, mô hình trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện bước đầu đang phát huy hiệu quả như: Chuối, bưởi, ổi, cam, quýt... được đánh giá sinh trưởng tốt, triển vọng cho thu nhập cao.
Mô hình trồng quýt cảnh bà Lê Thị Hà, xã Hà Phong mang lại doanh thu gần 100 triệu đồng/năm.
Một số mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao được huyện Hà Trung triển khai thêm như: 120 ha lúa nếp hạt cau ở xã Hà Lĩnh, 100 ha nếp cái hoa vàng ở xã Hà Long, giá trị gấp 1,8-2 lần so với lúa tẻ thông thường; 340 ha dứa ở các xã Hà Long, Hà Vinh, lợi nhuận 100-110 triệu đồng/ha; 100 ha dưa chuột ở các xã: Hà Giang, Hà Lĩnh, Hà Long, lợi nhuận 100-120 triệu đồng/ha; chăn nuôi bò sinh sản quy mô 150 con tại xã Hà Thanh...
Ông Nguyễn Văn Thịnh-Trưởng phòng NNPTNN huyện Hà Trung cho biết: "Việc thực hiện liên kết 4 nhà giữa doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý trong sản xuất xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất... đang được huyện quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Nhiều diện tích bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm trước kia nay đã "nở hoa". Hà Trung phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi 1.061 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản kết hợp có giá trị, hiệu quả cao...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.