Lạ mà hay: Làm thuốc trừ sâu bằng cây cỏ, vườn đầy quả ngon

Vũ Văn Thượng Chủ nhật, ngày 08/09/2019 06:35 AM (GMT+7)
Ông Lê Khắc Phú ở thôn 5, xã Đông Minh (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã có cách làm vườn lạ mà hay. Đó là tự tay ông bào chế thuốc trừ sâu sinh học từ tỏi, gừng, ớt, và một số cây dược liệu khác để tưới, phun cho 5 ha cây ăn quả gồm cam, bưởi...Nhờ nguồn thuốc trừ sâu an toàn này mà vườn cây trái của nhà ông Phú năm nào cũng thu về hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Từ ngày mày mò chế thuốc trừ sâu sinh học, ông Lê Khắc Phú bỗng nổi tiếng cả một vùng. Tới đầu xã Đông Minh hỏi tên ông thì ai cũng biết.

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN giữa không gian vườn cây ăn quả tứ bề xanh mát, ông Lê Khắc Phú chia sẻ: "Với diện tích cây cam, bưởi, ổi...rộng gần 5 ha luôn bị sâu bệnh phá hại, có thời điểm gia đình "khủng hoảng" vì cả vườn cây mất trắng, tiêu tốn cả trăm triệu đồng tiền mua thuốc thang mà không ăn thua. Nhiều đêm tôi không ngủ, chỉ nằm đọc sách và có suy nghĩ phải tự tay bào chế loại thuốc trừ sâu sinh học để tiêu diệt sâu bệnh".

img

Ông Lê Khắc Phú dùng thùng phi lớn để ngâm các loại cây cỏ, thảo dược thành thuốc trừ sâu sinh học. Ảnh: Vũ Thượng

Qua nhiều lần ông Phú thử nghiệm bào chế thuốc và đưa vào thực nghiệm nhưng kết quả đều thất bại. Không cam chịu, ông Phú tiếp tục thử nghiệm với nhiều loại thảo dược, cây cỏ hơn. Ông lấy ớt, tỏi, gừng và một số cây dược liệu khác đem băm nhỏ, giã nhỏ rồi cùng ngâm vào rượu. Sau vài tháng, ông Phú đem ra phun trên vườn cây ăn quả, không ngờ sâu, rệp lăn ra chết, cây cối xanh lại bình thường.

Đưa phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi tham quan khu vườn cây ăn quả với những trái cam, bưởi nặng trĩu, cành, lá xanh tốt, không có sâu bệnh mới thấy được hiệu quả của thuốc trừ sâu sinh học rất hữu hiệu mà ông Phú đã dày công mày mò tìm kiếm và thử nghiệm...

img

Những trái bưởi, cam dùng thuốc trừ sâu sinh học tự chế trong vườn nhà ông Phú luôn có hương vị thơm, ngọt hơn các vườn sử dụng thuốc trừ sâu hóa học . Ảnh: Vũ Thượng

Để chủ động thêm nguồn nguyên liệu bào chế thuốc trừ sâu sinh học và thuốc nam chữa bệnh, dưới tán cây ăn quả ông Phú còn trồng thêm một số cây dược liệu khác như: Hương nhu, xạ can, ngải cứu, xấu hổ...để bào chế thuốc sinh học, và một số thuốc chữa bệnh giúp người.

img

Nhiều vị thuốc được ông Phú bào chế để chữa bệnh. Ảnh: Vũ Thượng

Đặc biệt, trên mỗi cây bưởi ông chỉ để từ 5-10 trái, mỗi trái dùng túi mềm bọc tránh ánh nắng trực tiếp soi vào làm nám, cũng như ngăn không cho sâu hại tấn công vào bên trong quả.

img

Trái cây được bọc bao bì tránh ánh nắng soi vào làm nám quả. Ảnh: Vũ Thượng

Nắm được đặt tính của cây bưởi, cây cam khi bị ngập nước cây sẽ thối rễ, khô hạn quá cây cũng kém phát triển, ông Phú dùng máy lên luống cao để thoát nước, ở dưới mỗi gốc cây luôn lắp hệ thống tưới nước tự động khi cần.

Với diện tích 5 ha, ông chỉ đào ao 100 m2 lấy nước tưới cây, thả cá trắm, cá mè và xây dựng chuồng trại nuôi lợn mán, nuôi trâu...để tận dụng lượng cỏ xung quanh vườn.

img

Nuôi trâu ngoài bán giống, bán thịt thì ông Phú còn tận dụng được nguồn phân trâu để ủ hoai mục bón cho vườn cây ăn trái. Ảnh: Vũ Thượng

Với mô hình trồng cây ăn quả nói không với thuốc trừ sâu hóa học của gia đình ông Phú, mỗi năm các tổ chức hội lấy đây làm điểm, mở lớp tập huấn, tham quan, người dân trong tỉnh tìm đến học hỏi. Cũng chính trái cây trong vườn nhà ông Phú không dùng hóa chất, luôn tươi ngon theo tự nhiên nên giá bán cao hơn nhiều so với giá ngoài thị trường.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Khắc Phú tâm sự: "Tôi bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả từ năm 2013. Tôi làm mô hình theo kiểu vòng tròn. Đầu tiên đào ao thả cá và một phần thả cây lục bình, khi lục bình phát triển vớt lên ủ cùng phân chuồng tạo phân hữu cơ bón vào gốc cam, bưởi. Tôi cũng không phun thuốc diệt cỏ, để cỏ dưới gốc cây tạo mát cho cây và khi cỏ tốt cắt về làm thức ăn cho trâu, cá...Vậy thôi, nhưng nếu mua phân vô cơ hay thuốc trừ sâu hóa học để bón, phun cho cây thì năm tiêu tốn cả trăm triệu".

img

Để cỏ tốt làm thức ăn cho trâu, cá. Ảnh: Vũ Thươngj

Từ mô hình trồng bưởi, cam của gia đình ông Phú có thời điểm gia đình tạo công việc cho hơn 10 lao động địa phương có thu nhập ngày 200.000 đồng/người. Ông Phú không ngại chia sẻ kinh nghiệm, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi và "tuyệt chiêu" chế thuốc trừ sâu sinh học cho mọi người nắm bắt về áp dụng.

"Ban đầu tôi xây dựng trang trại do thiếu vốn và kinh nghiệm đang còn non nên một số cây ăn quả bị chết. Sau khi được Ngân hàng CSXH huyện Đông Sơn cho vay 50 triệu đồng, tôi đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng. Hiện thu nhập của mô hình đã đi vào ổn định. Tổng thu nhập từ hơn 5ha trang trại trồng bưởi, cam và chăn nuôi trâu, nuôi cá mỗi năm cũng được từ 500-600 triệu đồng, trừ chi phí thì cũng còn để dư ra đôi ba trăm triệu...".

Ngoài việc giỏi về trồng cây ăn trái, ông Lê Khắc Phú hằng đêm còn đọc sách, báo tìm hiểu các bài thuốc nam, công dụng của từng cây dược liệu để kê đơn thuốc, chữa bệnh cứu người. Ông luôn được người dân trong thôn, xã quý mếm, là tấm gương để học hỏi, làm theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem