Thanh Lam: Sau nữ hoàng nhạc nhẹ là nữ hoàng xuyên tạc

Thứ năm, ngày 10/09/2015 15:30 PM (GMT+7)
Từ danh xưng "nữ hoàng nhạc nhẹ", có một dạo, Thanh Lam bị coi là "nữ hoàng xuyên tạc" vì đụng đến bài nào là "phá" bài đó.
Bình luận 0

Thanh Lam và những lần tiên phong ngoạn mục

Những năm 1990, nền nhạc nhẹ ở Việt Nam được định hình và tiên phong bởi 3 ca sĩ trẻ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Giọng hát trời phú, kỹ thuật điêu luyện, sức trẻ và sự xuất hiện đúng thời điểm đã khiến họ trở thành hiện tượng nhạc nhẹ lúc bây giờ.

Ngoài danh xưng diva nhạc Việt, Thanh Lam còn được gọi là “nữ hoàng nhạc nhẹ”.

Dù danh hiệu này do truyền thông phong tặng chứ không phải do tổ chức nào đứng ra xếp hạng nhưng nhiều năm qua, nó vẫn là “ngôi đền thiêng” dành cho Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh (sau này còn có thêm Trần Thu Hà) mà không có bất kỳ một cái tên mới nào được bổ sung và thay thế dù có thể xét về độ nổi tiếng, họ vượt hơn các đàn chị.

img

Ca sĩ Thanh Lam.

Nhạc sĩ Dương Thụ từng nói, Thanh Lam không chỉ là người tiên phong với nhạc nhẹ mà còn là hình mẫu cho rất nhiều ca sĩ. Ngay cả Mỹ Linh thuở mới vào nghề cũng ít nhiều ảnh hưởng phong cách của Thanh Lam. Nhiều ca sĩ sau này khi được hỏi, cũng thừa nhận họ coi Thanh Lam là thần tượng, như Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Hoàng Quyên...

Ở góc độ chuyên môn, Thanh Lam sở hữu giọng hát trung trầm (mezzo-alto) đẹp hiếm có, mạnh mẽ và đầy nội lực, kỹ thuật thanh nhạc bậc thầy, luôn thích khám phá những phong cách âm nhạc khác nhau, sáng tạo không ngừng nghỉ. Một số giảng viên thanh nhạc hàng đầu Ukraina từng có lần được nghe giọng hát của Thanh Lam và đã phải khen không ngớt lời rằng giọng cô quá đẹp, dày, có chất khào và thuộc dạng hiếm có ở Việt Nam.

Quãng trung của Thanh Lam rất có lực và vang rền. Nhiều năm học đàn tì bà đã giúp Thanh Lam tiếp thu được lối hát truyền thống của dân tộc, cụ thể là cách nhả chữ, đổ hột, nảy chữ của chầu văn, ca trù, đều là những kĩ thuật hát rất khó.

Ngoài khả năng trời cho trong giọng hát, được đào tạo bài bản, Thanh Lam còn được ví “như cá gặp nước” khi có sự hậu thuẫn của nhạc sĩ Quốc Trung khi hai người còn hoạt động trong ban nhạc Phương Đông.

Đây là thời kỳ hưng thịnh nhất của Thanh Lam với vô số giải thưởng danh giá trong nước, chinh chiến khắp trong Nam ngoài Bắc và nước ngoài.

Liên tiếp các năm từ 1997-2001, Thanh Lam đều nhận giải top 10 Ca sĩ được yêu thích nhất của Làn sóng xanh - một chương trình của FM 99.9 Mhz (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM). Các ca khúc từng lọt vào top và giúp cô nhận giải ca sĩ được yêu thích như Khát vọng, Cho em một ngày, Bên em là biển rộng, Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Chia tay hoàng hôn, Một ngày mùa đông, Chiều xuân, Hoa cỏ mùa xuân, Hát với chú ve con, Ngồi hát ca bềnh bồng, Không thể và có thể, Đợi chờ, Đố tình... 

Năm 1997, Thanh Lam tổ chức live show Cho em một ngày ở 3 thành phố: TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với sự hỗ trợ của ban nhạc Phương Đông và 2 ca sĩ trẻ là Bằng Kiều và Trần Thu Hà. Đây được xem là tour diễn cá nhân đầu tiên của nhạc nhẹ Việt Nam. Live show còn được nhớ đến nhiều vì đã khai trương sân khấu ca nhạc Lan Anh ở TP HCM.

Đến nay, Thanh Lam đã có sự nghiệp âm nhạc đáng nể với tất cả 15 live show cá nhân, trong đó có 2 live show chung với Tùng Dương, 36 CD và DVD. Có những live show của Thanh Lam kéo dài cả một tuần ở Cung Hữu nghị, như chương trình Đêm huyền diệu thực hiện vào năm 1996.

Năm 2001, Thanh Lam phát hành album Mây trắng bay về. Album theo đuổi phong cách world music này được đánh giá là đỉnh cao mới trong sự nghiệp của Thanh Lam, cũng là một trong những ca sĩ đầu tiên của Việt Nam hội nhập nhạc nhẹ quốc tế.

Nhạc sĩ Quốc Bảo từng nói "đây là đĩa nhạc hay nhất Việt Nam". Còn nhạc sĩ Dương Thụ thì đánh giá, màu sắc Việt Nam và phương Đông trong việc khai thác chất liệu thang năm âm Bắc Bộ, cách vận hành giai điệu với những quãng đặc thù, âm sắc của bộ gõ dân gian, tiết tấu chèo cộng với âm thanh của dàn nhạc thính phòng và nhạc cụ điện tử, tạo nên sự pha trộn làm nền cho giọng hát Thanh Lam đằm thắm, duyên dáng, mãnh liệt. Đó là một Thanh Lam rất Việt Nam mà vẫn hiện đại mới mẻ. Đến tận bây giờ, Mây trắng bay về vẫn là album được yêu quý nhất của cặp đôi Thanh Lam - Quốc Trung.

Sau này, Thanh Lam chia tay Quốc Trung, sự nghiệp âm nhạc của chị trao qua tay nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Chị vẫn ghi dấu ấn ở nhiều ca khúc như Nắng lên, Đá trông chồng, Người ở người về... nhưng để định hình thành một phong cách âm nhạc rõ nét như thời với Quốc Trung thì không có. Sau đó, chị và Quốc Trung tái hợp trong nhiều dự án, nhưng hiệu quả không được như xưa.

img

Thanh Lam máu lửa trên sân khấu.

Sau "nữ hoàng nhạc nhẹ" là "nữ hoàng xuyên tạc"

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự tuột dốc này. Âm nhạc cũng chịu sự chi phối của quy luật, của thị hiếu. Không ai ở quá lâu với vinh quang và chuyện Thanh Lam bị chiếm ngôi bởi hàng loạt các tên tuổi mới là điều hiển nhiên. Nhưng việc không còn như xưa của Thanh Lam cũng có nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính cô.

Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng từng có cuộc tranh cãi nảy lửa cách đây 3 năm. Khi đó, Đàm Vĩnh Hưng “huỵch toẹt” rằng khán giả bây giờ không còn thích nghe Thanh Lam hát vì lúc nào cũng phô trương kỹ thuật. Cách hát đó đã trở nên lỗi thời.

Nhận xét có phần phũ phàng của Đàm Vĩnh Hưng (và được nói trong bối cảnh trả đũa đàn chị) được coi là "thuốc đắng dã tật". Cùng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, rất hiếm có những nhận xét thẳng mà thật dành cho Thanh Lam, khi mà showbiz vốn chỉ quen với những cách nói ve vuốt.

Kể từ sau Mây trắng bay về, khán giả bắt đầu thấy sợ với hai chữ "cách tân" của Thanh Lam. Những ca khúc được làm mới, với nhiều khán giả chẳng khác gì việc cầm dao băm vụn ca từ. Cách hát thiên về kỹ thuật, thích nhấn nhá, gào giọng đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có của ca khúc, và cũng không còn thuận tai với khán giả.

Tranh cãi nhất phải kể đến ý tưởng chuyển đổi các bản nhạc của Trịnh Công Sơn từ giai điệu nguyên thủy sang "khuynh hướng thời trang" của nhạc rock, nhạc rap, pop… Được hỏi ý kiến tại sao làm như thế thì Thanh Lam cho biết, nếu hát nhạc Trịnh theo cách viết của ông thì không ai qua nổi Khánh Ly và điệu nhạc quá ư nhẹ nhàng, không hợp mấy với giới trẻ hôm nay. Vì vậy cần thổi một luồng gió mới vào để sinh động hơn.

Sự thay đổi này đã vấp phải sự la ó của khán giả yêu nhạc Trịnh, cũng đồng thời lấy đi của diva khá nhiều fan với những lời tuyên bố nặng nề: sẽ không bao giờ bỏ tiền mua vé xem Thanh Lam hát, mở ti vi lên mà thấy là chỉ muốn tắt...

img

Dương Thụ từng nhận xét: "Có những bài cô ấy hát gào thét thái quá mà bản chất ca khúc không cần như vậy, thành ra là “xuyên tạc” nhạc của người khác...".

Không chỉ với nhạc Trịnh mà nhạc tiền chiến, từ Văn Cao cho đến Nguyễn Văn Thương, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Thanh Lam cũng vẫn giữ phong cách này. Thực ra, với những ca khúc vốn dĩ đã hay sẵn, với chất giọng đẹp, Thanh Lam chỉ cần hát bình thường nhất cũng đủ lấy được cảm xúc của khán giả.

Nhạc sĩ Dương Thụ là người rất gần với Thanh Lam vì cô là người đầu tiên hát nhạc của ông đã nói: “Thanh Lam hát nhạc của tôi còn trước cả Hồng Nhung, có bài Bài hát ru cho anh rất xúc động. Nhạc của tôi vốn dung dị, mộc mạc nên cứ hát đúng như thế thì đã rung động rồi. Nhưng Thanh Lam là người nổi loạn, cô ấy không bao giờ dừng lại cái gì cả. Có những bài cô ấy hát gào thét thái quá mà bản chất ca khúc không cần như vậy, thành ra là “xuyên tạc” nhạc của người khác...

Nhưng phải hiểu rằng, Thanh Lam là người có lối sống tự do, rất Tây nên hễ cứ hát lên cao cái là tìm cách phá, gào lên. Có lần tổ chức chương trình Họa mi hót trong mưa ở Nhà hát Lớn mà Trần Bình làm cho tôi, tôi mời ông Việt Phương đến nghe. Đến đoạn Thanh Lam hát thì ông ấy bảo “nghe cô này hát anh đau tim quá”. Dường như chúng ta hơi quá khắt khe với nghệ sĩ. Hơn 40 tuổi mà vẫn hát “điên” như thế thì cũng đáng nể chứ”.

Nói về việc Thanh Lam bị “nhiễm” căn bệnh phô trương kỹ thuật, cảm xúc hát như diễn kịch, nhạc sĩ Dương Thụ nói: "Nếu chỉ có kỹ thuật không thì cô ấy không thể nào chinh phục được khán giả nhiều năm đến thế đâu. Phải hiểu là có những hôm người ta chạy show, không còn hồn vía để hát nữa, nhưng không hát thì không được với bầu show nên vẫn phải hát. Lúc đó mà đòi người ta “có hồn” thì vô lý. Khán giả không phải là người kém tới mức chỉ hát như robot mà họ yêu đâu. Thanh Lam hát nhiều khi tôi cũng không bằng lòng, nhưng tôi hiểu cô này, giữa âm nhạc và nội tâm không cân xứng, cứ thích phá. Cái đó nếu hiểu ra cũng rất tâm hồn, rất người và có khi người ta thích là ở chỗ đó, vì nó tự do, không khuôn mẫu. 

Cũng như Hồng Nhung hát hay Papa vì có nhiều cảm xúc về cha thì Thanh Lam cũng có câu chuyện riêng của mình là ít được gần con. Nhưng cái “quái” của Thanh Lam hồi trẻ nó làm nên sự dễ thương, cũng như mình không bao giờ chấp một đứa trẻ con cả. Nó càng nghịch ngợm thì người ta càng thích. Nhưng nếu lưu lại đến lúc tuổi già thì nó bị phô”.

Nghe Thanh Lam hát bây giờ, khán giả không khỏi ngậm ngùi nhớ một Nữ hoàng nhạc nhẹ thưở những năm 90 với những bài như Chia tay hoàng hôn, Chia tay tình đầu, Khát vọng, Hoa sữa, Giọt nắng bên thềm, Một thoáng Tây Hồ... Những kỹ thuật được cô sử dụng hợp lý, không quá phô trương nên nghe rất có hồn.

Giờ diva vẫn đi hát với cát-xê cao - đúng với ngôi vị mà cô sở hữu, nhưng có được yêu thích nữa không thì cứ lên các diễn đàn sẽ có câu trả lời. Thanh Lam cũng nhiều lần tâm sự, cách hát của cô cũng đã được “cải tạo” lại để “nịnh tai” khán giả hơn.

Ngay cả Mỹ Linh, Hồng Nhung cũng phải tự điều chỉnh bản thân, cách lấy hơi nhả chữ mềm mại, tinh tế hơn chứ không còn khoe giọng nữa. Đó là sự thay đổi khá thông minh và hợp với xu hướng âm nhạc cũng như tai nghe của khán giả.

Nhưng với Thanh Lam, dường như lối mòn trong giọng hát và phong cách của cô vẫn cần đến một cuộc "cách mạng" nữa. Không phải để khôi phục ngôi vị "nữ hoàng", mà khiêm tốn hơn nhiều, đó là giữ được lớp khán giả cũ chứ chưa nói đến việc chinh phục những khán giả mới.

Nguyên Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem