NSND Quốc Hưng: “Vợ tỏ ra nghi ngờ khi tôi chuyển qua hát nhạc tình yêu ở tuổi U60”

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 09/12/2022 10:48 AM (GMT+7)
NSND Quốc Hưng vốn được “đóng đinh” với dòng nhạc thính phòng – cổ điển vì sở hữu giọng bass hiếm có bậc nhất Việt Nam cho nên việc anh ra mắt album nhạc tình ở tuổi U60 khiến không chỉ bạn bè, đồng nghiệp mà ngay cả vợ anh cũng phải đặt dấu chấm hỏi. Nam nghệ sĩ đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về chuyện này.
Bình luận 0

NSND Quốc Hưng được nhiều người ưu ái gọi là giọng bass số một Việt Nam. Tên tuổi và hình ảnh của anh gắn với những tác phẩm âm nhạc thính phòng, cổ điển. Vậy vì sao lại chuyển qua hát tình ca ở tuổi U60?

- Thực ra, từ thời sinh viên, tôi đã đi hát dòng nhạc này ở các phòng trà để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nghĩa là dòng nhạc tình ca, nhạc xưa này gắn với tôi từ những ngày mới tập tọe đi hát. Các thầy hồi đó cũng không thích học sinh hát dòng nhạc này cho lắm. Chỉ khi bước vào Nhạc viện Hà Nội thì tôi không đi hát nữa mà tập trung vào dòng nhạc thính phòng, cổ điển… Đến khi được giữ lại làm giảng viên khoa Thanh nhạc thì tôi đầu tư nhiều hơn cho việc trau dồi các kiến thức về âm nhạc nhạc thính phòng, cổ điển để truyền dạy cho các thế hệ học trò.

NSND Quốc Hưng: “Vợ tỏ ra nghi ngờ khi tôi chuyển qua hát nhạc tình yêu ở tuổi U60” - Ảnh 1.

NSND Quốc Hưng trong buổi ra mắt album nhạc tình "Gửi dĩ vãng". Ảnh: Hòa Nguyễn.

Trước mùa dịch, tôi ngồi cùng nhạc sĩ Quang Long và Kiên Ninh… để bàn kế hoạch làm một sản phẩm âm nhạc. Lúc đầu dự định làm cả bộ album 40 bài, nhưng rồi mọi người bảo nhiều quá sẽ thẩm thấu không kịp, nên tách thành 10 bài.

Tôi làm album "Gửi dĩ vãng" gồm các ca khúc của Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An… không với mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình để đi hát mà chỉ đơn giản là để thõa mãn đam mê. Tôi không có ý sẽ theo con đường này mà cứ để mọi thứ thuận duyên theo tự nhiên, nếu có nhiều người yêu thích và muốn tôi biểu diễn dòng nhạc này thì tôi luôn sẵn sàng.

Tôi nhận ra rằng, ở tuổi này, khi đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tôi hát dòng nhạc này nhiều cảm xúc hơn. Mỗi khi hát, tôi sẽ lấy chính câu chuyện tình yêu của mình hoặc câu chuyện tình yêu mà tôi chứng kiến để đẩy cảm xúc lên cao nhất.

Nhìn vào list 10 bài hát được lựa chọn đưa vào album, người ta có cảm giác như anh đang muốn kể một câu chuyện tình buồn của mình. NSND Quốc Hưng nói sao về điều này?

- 10 bài hát trong album đều về tình yêu và đều đã rất quen thuộc với công chúng yêu nhạc nhiều năm qua. Trong đó, có 3 tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là "Bài tình ca cho em", "Tình khúc buồn" (Thơ: Phạm Quang Duy), "Áo lụa Hà Đông" (Thơ: Nguyên Sa); 3 bài của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm "Bài không tên số 4", "Bài không tên cuối cùng", "Một lần nào cho tôi gặp lại em". Ngoài ra, album còn có những tuyệt phẩm "Anh còn nợ em" (nhạc Anh Bằng, thơ Phạm Thành Tài), "Mắt lệ cho người" (Từ Công Phụng), "Nửa hồn thương đau" (nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền).

NSND Quốc Hưng: “Vợ tỏ ra nghi ngờ khi tôi chuyển qua hát nhạc tình yêu ở tuổi U60” - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Kiên Ninh, Quang Long, Quốc Hưng, Hải Thụy. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Mỗi tác phẩm kể trên đều chất chứa tâm hồn đau thương, thổn thức. Mỗi tác phẩm đều đánh dấu tên tuổi và câu chuyện thương đau của một vị nhạc sĩ. Ví dụ, câu chuyện buồn phía sau bài hát "Nửa hồn thương đau" của nhạc sĩ Phạm Đinh Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền là câu chuyện đau đớn của một mối tình.

Bài hát "Nửa hồn thương đau" do NSND Quốc Hưng thể hiện. Clip: NVCC.

Tôi nghĩ là trong cuộc đời, ai cũng có những tình yêu đơn phương hoặc những đổ vỡ khiến lòng đầy khổ đau, dằn vặt nuối tiếc. Tôi cũng có những chuyện tình như thế trong quá khứ. Tuy nhiên, vì chuyện tình đó đã qua lâu rồi, tâm hồn mình cũng không còn đau thương nữa nên khi bước vào phòng thu, nhiều bài hát cũng gây khó cho tôi về mặt cảm xúc. Nhiều lần, trước khi bước vào phòng thu, tôi cùng nhạc sĩ Kiên Ninh - người đảm nhận toàn bộ phần thu âm của album ngồi uống với nhau một vào ly rượu rồi trò chuyện về tác phẩm sẽ thu và dành một khoảng lặng cho riêng mỗi người. Chỉ khi thấy đủ ngấm và sẵn sàng, chúng tôi mới bắt đầu vào thu.

Nhiều người vẫn thường nghĩ, ca sĩ hát nhạc thính phòng, cổ điển thường thiên nhiều về kỹ thuật nên khó mềm mại, trong khi tình ca lại đòi hỏi phải rất mềm mại và sâu lắng. Anh có vấp phải điều này khi bước vào phòng thu?

- Tôi không nghĩ vậy, với âm nhạc thì bất kỳ thể loại nào cũng phải có cảm xúc mới hát tốt được. Tôi không phải tiết chế kỹ thuật nhiều mà cứ hát một cách tự nhiên. Có những bài hát tôi nghĩ là mình đang hát cho chính mình. Vì thế, tôi hoàn toàn không phải gồng mình lên để cân bằng cảm xúc và kỹ thuật gì cả.

NSND Quốc Hưng: “Vợ tỏ ra nghi ngờ khi tôi chuyển qua hát nhạc tình yêu ở tuổi U60” - Ảnh 4.

NSND Quốc Hưng và vợ là nghệ sĩ đàn tỳ bà Thu Quyên. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Được biết bìa đĩa là do con gái anh học ở Hàn Quốc thiết kế. Không biết khi bố con trao đổi, anh có phải kể lại chuyện tình của mình để con gái ý tưởng không thiết kế?

- Tôi có 2 cô con gái, con gái Bảo Trâm hiện đang theo học ngành truyền thông tại Hàn Quốc. Thú thật, do vợ chồng khắc khẩu nên thỉnh thoảng tôi và vợ cũng có những xung đột này kia nhưng tuyệt nhiên không bao giờ để con biết. Trong mắt con, bố mẹ vẫn là tuyệt vời nhất. Khi con gái thiết kế bìa đĩa cho albbum "Gửi dĩ vãng", toàn bộ ý tưởng cháu tự nghĩ ra. 

"Anh còn nợ em" do Quốc Hưng thể hiện. Clip: NVCC.


Ngày trước, vào mùa đông tôi thường mặc áo da dài và cháu bắt được hình ảnh đó nên thiết kế hình ảnh người đàn ông mặc áo dáng dài đi trong mưa tuyết. Bìa đĩa nhìn đơn giản nhưng chất chứa nhiều tình cảm dành cho ba. Cái tên "Gửi dĩ vãng" cũng là do chính vợ và con gái tôi nghĩ ra. Thực sự là khi bắt tay làm album, tôi bí vì không biết đặt tên là gì và vợ con đã "ra tay" nghĩ giúp.

Vậy vợ anh phản ứng như thế nào khi ở tuổi U60, anh bỗng nhiên lại chuyển qua hát nhạc tình mà lại toàn chọn những bài chất chứa đầy tâm sự và nỗi niềm trong đó?

- Vợ tôi không thuộc tuýp hay ghen tuông với quá khứ của chồng. Tuy nhiên, khi nghe một số bài hát trong album này, vợ cũng có tí "trêu": "Chắc lại yêu… lại nhớ em nào đó nên mới hát nức nở thế kia chứ". Tôi mới bảo: "Đây chỉ là cách thể hiện của người nghệ sĩ thôi chứ ai hát những bài này mà nức nở một chút lại nghĩ rằng họ đang nhớ người này, người kia… thì làm sao mà sống nổi". Nhưng thực ra thì đúng là khi hát một số ca khúc, tôi cũng đặt mình vào trong đó. Những mất mát của yêu đương ngày xưa cũng là chất xúc tác giúp mình làm đầy cảm xúc hơn.

img
img
img
img

Các nghệ sĩ, đồng nghiệp đến chúc mừng NSND Quốc Hưng trong buổi ra mắt album. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Bây giờ có rất nhiều ca sĩ thính phòng, cổ điển… chuyển qua hát nhạc tình ca. Với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy và biểu diễn, anh nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, điều đó xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống thôi. Có nhiều lúc hát thính phòng, cổ điển nhiều quá… người ta lại muốn quay về với những gì đó mềm mại hơn, tự sự hơn. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận, nhạc tình ca giúp ca sĩ có nhiều khán giả hơn và thu nhập cũng tốt hơn. Bản thân tôi trước đây hát nhạc thính phòng, cách mạng… dù mất rất nhiều năng lượng để khổ luyện nhưng cuộc sống vẫn tương đối khó khăn, đến khi chuyển qua hát tình ca thì thu nhập đỡ hơn rất nhiều. Nói như thế nghĩa là khi ca sĩ hát những gì mà số đông công chúng yêu thích và mong muốn thì cơ hội biểu diễn cũng nhiều hơn, thu nhập cũng tốt hơn.

Cảm ơn NSND Quốc Hưng đã tham gia cuộc trò chuyện!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem