Quang Sung
Thứ bảy, ngày 09/03/2024 13:29 PM (GMT+7)
Hiệp hội Yến sào Cần Giờ - TP.HCM được kỳ vọng phát triển yến sào trở thành sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện Cần Giờ, hướng đến việc phát triển sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu tổ yến.
Sáng 9/3, Bạn Vận động thành lập Hiệp hội Yến sào Cần Giờ đã tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Yến sào Cần Giờ nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết huyện Cần Giờ với diện tích hơn 70.00ha, chiến diện tích gần 1/3 diện tích TP.HCM, dân số gần 76.000 dân, được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những năm tới đây, Cần Giờ sẽ là một địa phương phát triển rất sôi động.
Theo ông Tiến, việc thành lập Hiệp hội Yến sào Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng góp phần, phát huy tiềm năng, lợi thế của hệ sinh thái Cần Giờ. Đặc biệt, đánh giá cao sự quan tâm của TP.HCM và huyện Cần Giờ đối với việc xây dựng yến sào. Thứ trưởng đề nghị xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam nói chung và yến sào Cần Giờ nói riêng không những trong nước, mà còn vươn tầm quốc tế.
"Nếu tập trung cho thị trường thì chắc chắn sản phẩm yến sào Cần Giờ không chỉ dừng lại ở số lượng 519 căn nhà yến, mà tương lai sẽ còn nhiều hơn. Rất mong, tôn chỉ mục đích, phát triển hội viên sẽ ngày càng lớn mạnh hơn", ông Tiến nói
Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là phải phát triển thương hiệu Yến sào Cần Giờ theo hướng an toàn, bền vững, gia tăng giá trị và hiệu quả lâu dài.
Giải pháp đầu tiên cần thực hiện là quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên, đăng ký cấp mã số vùng nuôi phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.
Hiệp hội Yến sào Cần Giờ đã có 50 tổ chức, cá nhân tham gia. Ảnh: Q.S
Đồng thời tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho các cơ sở, chú trọng, khuyến khích nhân rộng những mô hình hiệu quả, xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng.
Theo ông Triển, yến sào cần được đẩy mạnh phát triển, trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Cần Giờ, tìm kiếm cơ hội và mở rộng thị trường, hướng đến việc phát triển sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu tổ yến.
Ban Chấp hành Hiệp hội Yến sào Cần Giờ khóa I cũng đã được bầu với 15 thành viên. Ông Trần Phương Tuấn được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Cần Giờ.
Hiệp hội đã có 50 tổ chức, cá nhân tham gia và có trụ sở đặt tại địa chỉ 15 Lý Nhơn, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.
Cần Giờ đang có 519 căn nhà yến, sản lượng thu hoạch bình quân 14-15 tấn yến thô/năm. Huyện Cần Giờ có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn thích hợp để phát triển nghề yến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.