Bấp bênh đầu ra
Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 18.646ha thanh long với sản lượng lên tới 330.000 tấn/năm. Thanh long trồng chủ yếu ở 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam với diện tích chiếm hơn 80%, gần 20% diện tích còn lại được trồng rải rác ở các địa phương khác trong tỉnh. Hiện nay, ngoài tiêu thụ nội địa (khoảng 15-20% sản lượng), thanh long Bình Thuận chủ yếu được xuất khẩu. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc (TQ), thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là ở châu Á.
|
Người trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc đang tiếp cận với hướng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. |
Bà Đào Thị Kim Dung- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết: “Phía TQ khuyến khích ngoại thương biên giới với những nước có biên giới chung, các doanh nghiệp TQ không đặt hàng nhập khẩu chính ngạch mà chỉ đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu không chính thức nhằm mục đích hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu tiểu ngạch”.
Một số doanh nghiệp trong nước do muốn thủ tục đơn giản nên không trực tiếp xuất khẩu, mà chủ yếu bán tại Bình Thuận hoặc vận chuyển ra Bắc, rồi xuất sang TQ qua đường không chính thức, theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” giữa thương nhân hai nước. Bên cạnh việc giữ ổn định những thị trường chính, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ đối với thanh long Bình Thuận cũng gặp nhiều khó khăn.
Hướng đến 100% diện tích thanh long đạt chuẩn GAP
Để hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững của thanh long, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt dự án phát triển cây trồng này đến năm 2015. Theo đó, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tập trung phát triển thanh long theo hướng an toàn VietGAP, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu của Bình Thuận là đến năm 2013 có 100% diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2011, diện tích trồng thanh long của 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An ước đạt 22.000ha, sản lượng 463.000 tấn (chiếm 96% tổng diện tích, 99% tổng sản lượng thanh long cả nước). Trong đó, Bình Thuận là tỉnh có diện tích lớn nhất, hơn 18.600ha.
Theo bà Dung, tuy toàn tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn, nhưng bình quân diện tích/hộ còn nhỏ, khoảng 0,5-0,6ha. Vì thế, để thuận lợi cho việc triển khai mục tiêu đạt chuẩn GAP, Sở NNPTNT tỉnh đã chủ trương các xã, phường, thị trấn xây dựng, hình thành các tổ/nhóm liên kết sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 363 tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất, trang trại với sự tham gia của 9.315 hộ, diện tích đạt 7.012ha. Trong đó, hơn 5.000ha được xem xét, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với sự góp mặt của gần 7.000 hộ thuộc 270 tổ/nhóm liên kết sản xuất. “Tuy vậy, do một số thị trường nhập khẩu chưa có những quy định ràng buộc nghiêm ngặt, nên hầu như việc sản xuất theo GAP chưa thực hiện được một cách toàn diện mà chỉ dừng lại ở khâu sản xuất ngoài đồng”- bà Dung cho biết.
Ông Nguyễn Quang Huy (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho rằng: “Thanh long là cây thế mạnh của tỉnh Bình Thuận với giá trị hàng hóa lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Do vậy, Bình Thuận cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất an toàn. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu thị trường và thực tế tình hình sản xuất, phải thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn đối với trường hợp có hợp đồng bao tiêu chắc chắn; áp dụng VietGAP theo tiêu chuẩn Việt Nam tiến tới hòa nhập quốc tế.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.