Thanh tra Chính phủ "đọc vị" lý do các cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán
Thanh tra Chính phủ "đọc vị" lý do các cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán
Bách Thuận
Thứ sáu, ngày 05/01/2024 19:00 PM (GMT+7)
Thanh tra Chính phủ qua thanh tra đã phát hiện nhiều vấn đề khiến gián đoạn nguồn cung xăng dầu. Cơ quan này cũng chỉ rõ lý do các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tự ý không bán hàng.
Giá cơ sở xăng dầu không tính đúng, không theo kịp biến động của thị trường
Như Dân Việt thông tin, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố đầu vào của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Hàng năm, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 18,5 đến 20,5 triệu tấn xăng dầu, nhu cầu tiêu thụ xăng xầu có xu hướng tăng dần.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội…
Riêng trong năm 2021 và 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.
Qua đó một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.
Thanh tra Chính phủ đánh giá, nguyên nhân khách quan là do cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu còn một số bất cập, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, tăng, giảm bất thường, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát tăng cao…
Về nguyên nhân chủ quan, theo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành; hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian.
Cùng với đó, một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước; thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu.
Về quản lý, điều hành giá xăng dầu, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ thấy, việc xây dựng giá cơ sở xăng dầu có nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu chưa theo sát thị trường, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn và phân phối xăng dầu.
Về phương pháp tính, sự chính xác, kịp thời, ảnh hưởng của giá cơ sở xăng dầu, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại.
Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị thường như quyết định mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính vào giá cơ sở thiếu cơ sở pháp luật, áp dụng "định mức" về chi phí từ nhiều năm trước không phù hợp với thị trường; áp dụng chi phí định mức cố định đã ban hành từ năm 2014 không phù hợp với thực tế hiện nay.
Với Bộ Công Thương, Bộ này căn cứ vào cơ sở tính bình quân 15 ngày/10 ngày giá xăng dầu thế giới và các chỉ tiêu do Bộ Tài chính thông báo để áp dụng và tính giá cơ sở xăng dầu.
Việc này dẫn đến giá cơ sở xăng dầu không tính đúng, tính đủ theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác như chi phí thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm… và không theo kịp biến động của thị trường nên khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ.
Đây là một trong những nguyên nhân được Thanh tra Chính phủ đánh giá dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Thương nhân nhập khẩu thiếu khối lượng xăng dầu được giao
Trường hợp bắt buộc phải nhập khẩu xăng dầu về để bán, để đảm bảo thu được lợi nhuận định mức và thu hồi vốn, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu thiếu khối lượng xăng dầu được giao, phải cắt giảm chi phí bán lẻ, giám mức chiết khấu cho các đại lý dẫn đến tình trạng chiết khấu bằng không, nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu tự ý không bán hàng, góp phần làm gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dẫn đến một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xây dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở; chỉ gửi quyết định điều chỉnh giá, không gửi văn bản kê khai/văn bản đăng ký giá đến Bộ Công Thương; Tổ Liên ngành được thành lập để giúp Liên Bộ Công Thương – Tài hính thực hiện điều hành giá, nhưng Tổ Liên ngành làm việc không theo quy chế, không hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả xây dựng giá cơ sở xăng dầu, quá trình vận hành thị trường xăng dầu.
Trong việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cho biết, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cưng ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề.
Từ năm 2017 đến ngày 30/9/2022, có 15/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu về số tháng trong năm, số ngày trong tháng với tổng sản lượng xăng dầu dự trữ thiếu là 1.028.918,8 tấn/m3.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022, có 9/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dự trữ xăng thiếu từ 5 – 9 tháng/9 tháng và có 8/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dự trữ dầu thiếu từ 6 – 9 tháng/9 tháng… dẫn đến khi nguồn cung khan hiếm đã không đủ xăng dầu dự trữ để bán ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bình ổn thị trường.
Đây là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian qua.
Bộ Công Thương được xác định quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh, thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền dẫn đến không khắc phục được việc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu thiếu trong nhiều năm (2017 đến 30/9/2022), ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng.
Về kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm: Nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị, đối với Bộ Công Thương căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã nêu.
Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, kiểm tre, giám sát việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc với các thương nhân đầu mối khi để xảy ra thiếu xăng dầu trong thời gian qua; trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý quỹ bình ổn giá, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với quỹ bình ổn giá để các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.