Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có văn bản gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư yêu cầu báo cáo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn từ 2011 - 2021.
Trong đó, TTCP yêu cầu các bộ, ngành và địa phương gửi báo cáo trước ngày 30/10 để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung các đơn vị báo cáo gồm tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tổng số vị trí đất đai, diện tích đất đã chuyển đổi theo hình thức giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; tổng số vị trí đất đai, diện tích đất đã chuyển đổi theo hình thức giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; số vị trí đất đai được chuyển đổi thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, TTCP yêu cầu các đơn vị cần báo cáo rõ kết quả thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, tổng số tiền phải thu, số đã thu, số tiền còn nợ (chưa thu được) trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở.
Sau di dời, các khu đất nhà máy, cơ sở sản xuất đã nhanh chóng thành cao ốc tại quận Thanh Xuân. (Ảnh: Kháng An)
Đối với kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất do bộ, ngành, địa phương thực hiện, TTCP yêu cầu báo cáo rõ tổng số vị trí, diện tích đất được thanh tra, số cuộc thanh tra đã thực hiện, số cuộc ban hành kết luận thanh tra, số cuộc chưa ban hành kết luận thanh tra.
Cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra của các bộ, ngành, địa phương phải tổng hợp được những vi phạm pháp luật chủ yếu được phát hiện qua thanh tra. Trong đó có vi phạm của các cơ quan quản lý, vi phạm của doanh nghiệp, chủ dự án, tổng hợp vi phạm về kinh tế, tài chính, đất đai.
Đồng thời, đưa ra kiến nghị xử lý về kinh tế, tài chính, đất đai; xử lý kỷ luật hành chính; xử lý hình sự, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra và kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Ngoài ra, TTCP cũng yêu cầu đánh giá công tác quản lý nhà nước của bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của bộ, tỉnh. Đánh giá các dạng vi phạm, khuyết điểm chủ yếu trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nêu rõ nguyên nhân vi phạm, kiến nghị đề xuất…
Những năm qua, TTCP đã thực hiện thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở TP.Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Qua đó, tại Hà Nội, TTCP đã công bố kết luận về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có vị trí đắc địa sang mục đích khác trong giai đoạn 2003 - 2016.
TTCP đã kiểm tra 38 dự án ở Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa, lợi thế về kinh doanh, phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng.
Trong đó, 5 dự án chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt.
Đồng thời, phát hiện một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được ít lợi thế từ đất cho nhà nước: Dự án 44 Yên Phụ (Hanoi Aqua Central của Công ty CP tháp nước Hà Nội), dự án 69 Vũ Trọng Phụng (Rivera Park Hà Nội của Công ty Long Giang Land), dự án số 1 Phùng Chí Kiên (Tràng An Complex của GP Invest), dự án tại 365A Minh Khai của Công ty CP đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex (VINAHUD)…
Kết luận của TTCP cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của các cơ quan quản lý thuộc UBND TP.Hà Nội, Bộ Xây dựng và chủ đầu tư trong việc đầu tư, xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn TP.
Cũng theo TTCP, kiểm tra 38 dự án thì có tới 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là gần 4.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.