Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 19/11/2021 22:26 PM (GMT+7)
Trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt mỗi người khi những khoảnh khắc kiên cường trong đại dịch được nhắc lại.
Mang 2 đứa con nhỏ đến dự Lễ tưởng niệm, chị Chanh Sipha (quê An Giang) nghẹn ngào: "Giữa đại dịch, chồng tôi nhiễm bệnh rồi qua đời, mình tôi bơ vơ giữa thành phố với 2 đứa con 8 tuổi và 5 tuổi. Chồng mất không được gặp mặt, không được tổ chức đám tang, tôi đau đớn lắm, nhưng cũng hiểu rằng nỗi đau này không chỉ của riêng gia đình mình. Hôm nay tôi rất xúc động và biết ơn Đảng, Nhà nước đã tổ chức Lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa này".
Thượng tọa Thích Thiện Quý, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM chia sẻ: Những thiệt hại về tính mạng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu, tăng ni, phật tử, đồng bào tôn giáo là không thể tính được. Sáng hôm qua (18/11), lễ kỳ siêu cho hương linh cho các nạn nhân không may qua đời trong đại dịch đã được tổ chức tại Việt Nam Quốc tự.
"Đây là sự hy sinh rất thầm lặng, không một khăn tang, không một nén hương nhưng vinh danh của các vị luôn được đồng bào, các giới vinh danh và tri ân", Thượng tọa Thích Thiện Quý xúc động và cho biết, lễ tưởng niệm là tác động năng lượng an lành, an ủi tinh thần các gia đình không may có người thân qua đời. Cùng các hành động thiết thực, những người còn sống, đặc biệt những trẻ em mồ côi sẽ luôn được quan tâm, động viên, đồng lòng chia sẻ của đồng bào các giới, các tôn giáo.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Xuân Chiến đã bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.
Theo ông Chiến, dù cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí "chống dịch như chống giặc", nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn một triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, đồng chí.
"Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời...", ông Chiến nói.
Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.
"Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát", ông Chiến xúc động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.