Thấy cái ao tôm bỏ hoang, 9X Ninh Thuận "liều" thả nuôi con động vật này, ai ngờ lại trúng

Đức Cường Chủ nhật, ngày 06/10/2024 05:22 AM (GMT+7)
Tận dụng ao nuôi tôm bị bỏ hoang lâu ngày, nông dân trẻ Trương Hải Nguyên (SN 1993) ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã chuyển hướng sang nuôi cua xanh thương phẩm và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Bình luận 0

Nuôi cua xanh ở Ninh Thuận

Một ngày đầu tháng 10/2024, PV Dân Việt tìm về khu phố Cà Đú nằm bên bờ Đầm Nại ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) để mục sở thị mô hình trại nuôi cua xanh thương phẩm trong ao tôm bỏ hoang của nông dân trẻ Trương Hải Nguyên.

Tận dụng ao tôm bỏ hoang để nuôi cua xanh, nông dân 9x thu lợi nhuận bất ngờ - Ảnh 1.

Trương Hải Nguyên và những con cua xanh thương phẩm chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Đức Cường

Sau hơn 1 năm nuôi cua xanh thương phẩm, anh Nguyên phấn khởi cho biết, mặc dù lợi nhuận nuôi cua xanh không cao như khi trúng mùa tôm, nhưng đối với con cua xanh thì người nuôi có thể "ăn chắc, mặc bền" hơn. Hiện nay với chỉ 1 hồ nuôi hơn 1.000 mét vuông đã đem lại lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi thăm ao nuôi cua xanh sát bên bờ Đầm Nại ở huyện Ninh Hải, nông dân trẻ Trương Hải Nguyên cho hay, nhiều năm trước gia đình anh và nhiều hộ khác ở địa phương quanh Đầm Nại đổ xô nuôi tôm, biến nơi đây thành "thủ phủ" nuôi tôm có tiếng ở Ninh Thuận. 

Sau nhiều thăng trầm do dịch bệnh và giá cả thị trường, nhiều hộ chuyển sang nuôi cá mú, ốc hương...nhưng chỉ nuôi cầm chừng do giá cả bấp bênh.

Anh Nguyên cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành điện ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa), năm 2015 anh trở về quê Ninh Thuận để làm cho các dự án điện mặt trời. Đầu năm 2022, nhận thấy nhiều ao đìa nuôi tôm của gia đình phải bỏ hoang gây lãng phí nên anh tìm tòi nuôi cua xanh để tăng thu nhập.

Tận dụng ao tôm bỏ hoang để nuôi cua xanh, nông dân 9x thu lợi nhuận bất ngờ - Ảnh 2.

Cua xanh dễ nuôi, hiệu quả kinh tế không quá cao như tôm nhưng rất ổn định. Ảnh: Đức Cường

Nói là làm, anh Nguyên mua cua giống và cải tạo ao tôm (1.000 mét vuông) bỏ hoang để nuôi cua xanh. Lứa đầu tiên, anh thả nuôi khoảng 2.000 con cua xanh. Sau hơn 5 tháng nuôi, cua xanh phát triển tốt với trọng lượng 200 - 300 gram/con, được thị trường ưa chuộng tìm đến mua tận đìa.

Để có nguồn cua ổn định, Trương Hải Nguyên bắt đầu nhân giống cua xanh trong phi nhựa, đồng thời mở rộng thêm ao nuôi để làm bể lắng kết hợp thả các loại ốc làm thức ăn cho cua.

"Cua cái có trứng sẽ được tách ra riêng để nuôi sinh sản. Sau khi trứng nở thành cua con sẽ được tách ra để bắt đầu nuôi dưỡng. Sau hơn 1 tháng ươm dưỡng thì cua giống có thể ra ao thả nuôi…", anh Nguyên cho biết.

Tận dụng ao tôm bỏ hoang để nuôi cua xanh, nông dân 9x thu lợi nhuận bất ngờ - Ảnh 3.

Cua xanh chuẩn bị xuất bán, giá bán lẻ dao động từ 250 - 350.000 đồng/kg. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo anh Nguyên, do nuôi số lượng lớn nên cua phát triển không như mong đợi. Nhiều con chết rải rác trên mặt hồ. May mắn anh kịp thời điều chỉnh nhiệt độ, tăng hàm lượng oxy trong nước nên cua xanh thích ứng nhanh.

Đến nay, 2 ao tôm được anh Nguyên cải tạo để thả nuôi hơn 20.000 con cua xanh. Sau 3 – 4 tháng nuôi dưỡng, đến nay mỗi con trung bình hơn 200gram, anh Nguyên bắt đầu bán dần và tiếp tục thả xen lứa mới.

"Với kinh nghiệm hơn 1 năm nuôi cua, tôi nhận thấy đây là loại vật dễ nuôi, ít bệnh và nhu cầu thị trường cũng khá cao. Do số lượng cua chưa nhiều nên tôi chỉ bán lẻ với giá 250 - 350.000 đồng/kg, mỗi tháng bán trung bình 30 – 40kg cho khách hàng địa phương. Thu nhập không quá cao nhưng ổn định và ít rủi ro…", anh Nguyên cho hay.

Hướng đi mới cho nông dân Ninh Thuận

Bằng kinh nghiệm sau hơn 1 năm nuôi cua, nông dân trẻ Trương Hải Nguyên dần hiểu được tập tính của cua xanh. Việc chăm sóc, xử lý nước trong ao được anh nắm nằm lòng. Hiện, anh cho ăn chủ yếu là các loại ốc và cá tạp có sẵn ở địa phương. Việc này, vừa giúp giảm chí phí, cua nuôi có thịt nhiều và chất lượng không kém cua đánh bắt ngoài tự nhiên.

Tận dụng ao tôm bỏ hoang để nuôi cua xanh, nông dân 9x thu lợi nhuận bất ngờ - Ảnh 4.

Đìa nuôi tôm giờ đã chuyển thanh đìa nuôi đầy cua xanh của anh Nguyên. Ảnh: Đức Cường

Ngoài ra, việc tận dụng đìa tôm bỏ hoang sẳn có để nuôi cua cũng giảm được chi phí ban đầu. Bên cạnh đó, ngoài nuôi cua ở hồ nuôi còn thả xen tôm trong ao nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa từ cua nên nâng cao lợi nhuận.

"Môi trường xung quanh Đầm Nại ở Ninh Hải rất lý tưởng để phát triển nghề nuôi thủy sản nói chung và nuôi cua xanh nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay một số hộ nuôi chưa ý thức được vấn đề về ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển nghề thủy sản truyền thống ở địa phương…", anh Nguyên cho hay.

Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, khu vực Đầm Nại không chỉ có giá trị về mặt tự nhiên mà còn có tiềm năng để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.

Tận dụng ao tôm bỏ hoang để nuôi cua xanh, nông dân 9x thu lợi nhuận bất ngờ - Ảnh 5.

Cua xanh giàu dinh dưỡng nên được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Đức Cường

Đây cũng là địa phương có nhiều hội viên, nông dân phát triển kinh tế thủy sản như: nuôi hàu, ốc hương, tôm, cá…Riêng loại cua xanh là loại vật nuôi mới được nuôi thành công trong ao đất ở địa phương.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân cũng sẽ phối hợp tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho hội viên nông dân. Qua đó giúp người dân học hỏi, nắm bắt quy trình nuôi thủy sản nói chung và nuôi cua xanh nói riêng, giúp hội viên nông dân có thêm lựa chọn giống vật nuôi để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Tận dụng ao tôm bỏ hoang để nuôi cua xanh, nông dân 9x thu lợi nhuận bất ngờ - Ảnh 6.

Bể cua chờ xuất bán của Trương Hải Nguyên. Ảnh: Đức Cường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem